Nông dân Bình Phước điêu đứng vì thương lái Trung Quốc
Nói về Bình Phước, có lẽ, thế mạnh kinh tế của tỉnh này nằm gọn trong hai mảng, trồng điều và trồng cao su, riêng mảng cao su, cũng giống như Gia Lai, những cánh rừng cao su mới trồng của Bình Phước hoàn toàn không cho mủ, ngành trồng rừng ở đây chỉ còn trông mong vào cây điều.
Nhưng, trong suốt hai năm nay, cây điều Bình Phước bị lụn bại bởi thương lái Trung Quốc, những chiêu bài lừa đảo và phá hoại kinh tế của người Trung Quốc đã làm cho nông dân Bình Phước thật sự điêu đứng và tuyệt vọng.
Những vườn điều xơ xác
Đi dọc theo quốc lộ 14, từ Buôn Mê Thuột qua Bình Phước, có thể nói, ngoài nhà cửa, nhìn đâu cũng thấy ngút ngàn một màu xanh cao su và cây điều. Cây điều cùng mùi thơm quyến dụ của nó vừa mang hương vị ấm áp của người dân miền cao nguyên đất đỏ vừa hứa hẹn một tương lai đổi đời, cơm no, áo ấm cho cả một vùng cư dân rộng lớn vốn kham khổ mấy mươi năm nay. Thế nhưng…!
Theo lời một người nông dân tê Trữ, chủ vườn điều rộng hơn hai mươi hecta, bộc bạch thì dường như cây điều không còn là mũi nhọn kinh tế đối với miền cao nguyên đất đỏ này nữa, một phần vì nguồn xuất khẩu hạt điều bị đình trệ, một phần nữa người nông dân bị thương lái Trung Quốc lừa mua lá điều, họ tuốt sạch lá để bán, kết cục bi thảm, nhiều vườn điều phải chặt gốc.
Người nông dân ở đây không đến nỗi ngu ngốc đến độ dễ bị lừa đến thế, ông và nhiều bà con vẫn hiểu rằng chơi với Trung Quốc là chơi với kiến lửa, nó không đốt mình là chuyện quá lạ. Nhưng rồi, cái lộ trình của nhà nước đẩy dần bà con vào cái rọ Trung QuốcÔng Trữ
Ông Trữ nói thêm rằng người nông dân ở đây không đến nỗi ngu ngốc đến độ dễ bị lừa đến thế, ông và nhiều bà con vẫn hiểu rằng chơi với Trung Quốc là chơi với kiến lửa, nó không đốt mình là chuyện quá lạ. Nhưng rồi, cái lộ trình của nhà nước đẩy dần bà con vào cái rọ Trung Quốc.
Giải thích thêm về cái lộ trình nhà nước và cái rọ Trung Quốc, ông Trữ nói rằng thật ra, đầu ra cho hạt điều nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung đã phụ thuộc, đã lún quá sâu vào thị trường Trung Quốc. Nghĩa là từ trước đến nay, dù nói ra hay không nói ra, phần lớn các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam, đặc biệt là của Bình Phước đều nhắm vào thị trường Trung Quốc và bị chi phối bởi các thương lái nước này.
Chính vì thế, mọi hoạt động mua bán, gom hàng, xuất hàng và xả hàng của các doanh nghiệp này đều dựa vào nhiệt kế thị trường Trung Quốc, nếu như Trung Quốc không nhập hạt điều, chắc chắn, thương gia Việt Nam sẽ ứ hàng, và một khi ứ hàng, họ sẽ đè giá hạt điều thị trường Việt Nam xuống thấp, thiệt thòi cuối cùng vẫn rơi vào người nông dân.
Và, điều đó đã diễn ra gần hai năm nay, các thương lái Trung Quốc tỏ ra không mặn mà với nguồn hạt điều của Bình Phước, lượng hàng tồn kho và hư hỏng do để quá lâu, không được bảo dưỡng tốt càng ngày càng nhiều, giá hạt điều trên thị trường Bình Phước bị rớt so với nhiều năm trước, trong khi giá điện, giá xăng dầu, giá thuê nhân công và thuê đất lại tăng. Đến nước này, người nông dân buộc phải tự cứu mình bằng mọi giá.
Tự cứu không bằng tự tử
Người nông dân khác tên Thắng, sống cách thị xã Đồng Xoài, Bình Phước chưa đầy 5km, thuộc khu dân cư đồng bào thiểu số… và người Quảng Nam di dân trong chương trình kinh tế mới sau 30 tháng Tư 1975, chia sẻ với chúng tôi rằng cả một rừng điều mênh mông gần hai trăm ngàn hecta quanh khu vực ông sống đang lâm vào khủng hoảng, nghĩa là suốt gần hai năm nay, giá phân tăng gần năm lần, trước đây mua một bao phân bón, chỉ tốn 100 ngàn đồng, bây giờ, tốn gần 500 ngàn đồng mới mua được một bao, giá điện tăng, giá xăng cũng tăng, mọi thứ vật giá leo thang, trong khi giá hạt điều lại bị rớt.
Chỉ cần giá hạt điều rớt một năm thôi là mọi hoạt động chăm sóc cây điều của năm sau sẽ khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó, vật giá liên tục leo thang nên bà con nông dân đành lắc đầu, bỏ cho rừng điều phát triển tùy hứng, cho trái tùy hứng.
Lá điều chất thành núi này núi nọ khắp các huyện cao nguyên đất đỏ nhưng chờ hoài không thấy thương lái Trung Quốc đến mua, lúc này, bà con mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa. Và cú lừa này hết sức đau vì một khi không bán được lá, không có tiền mua phân bồi dưỡng cho gốc điều, mùa sau, cây điều càng cho trái èo ọp, tệ hại hơn những mùa trước
Trong lúc người nông dân đang bế tắc vì nguồn thu nhập từ hạt điều bị eo hẹp thì các thương lái Trung Quốc sang gạ mua lá điều khô với giá từ năm ngàn đồng đến mười ngàn đồng trên mỗi ký lô. Lúc này, dù có đề phòng cách gì, bà con vẫn phải cầm chổi ra quét ngoài rừng điều để gom lá khô. Đến khi lá khô gom tạm sạch ở các gốc điều, thương lái Trung Quốc lại trở bài, chê lá điều không đạt tiêu chuển, loại này họ chỉ mua với giá từ hai trăm đồng đến bảy trăm đồng mỗi ký.
Bà con lỡ phóng lao, buộc phải nhắm mắt theo lao, vì công lao động bỏ ra cả gần tháng trời để gom lá điều khô, cuối cùng bán không được mấy đồng, hơn nữa, điều đang mùa ra lá, nên nhắm mắt mà hái đợt lá đó phơi khô để bán kiếm tiền đi chợ, đợi có tiền, bón phân cho gốc điều, không chừng cây tức lá, ra bội trái. Nghĩ vậy, ông Thắng và bà con thi nhau vặt lá điều.
Lá điều chất thành núi này núi nọ khắp các huyện cao nguyên đất đỏ nhưng chờ hoài không thấy thương lái Trung Quốc đến mua, lúc này, bà con mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa. Và cú lừa này hết sức đau vì một khi không bán được lá, không có tiền mua phân bồi dưỡng cho gốc điều, mùa sau, cây điều càng cho trái èo ọp, tệ hại hơn những mùa trước không chăm sóc.
Kết cục, nông dân chịu cảnh mất mùa, nhiều rừng điều phải chặt gốc, chuyển sang trồng một thứ cây gì đó. Mà thứ cây gì đó thì bà con vẫn chưa nghĩ ra!
Suy cho cùng, lời ông Trữ và ông Thắng, lời của những nông dân chân lấm tay bùn, quen sống chất phác và siêng năng nghe ra lại lắm suy tư và hiểu biết thế sự. Sự hiểu biết này không đến từ sự tuyên truyền hay truyền đạt của nhà cầm quyền mà đến từ kinh nghiệm xương máu mà họ phải trả giá một cách rất oan uổng!
No comments:
Post a Comment