Đường dây nóng trên biển Việt – Trung vận hành ra sao?
Việt Nam và Trung Quốc vừa thỏa thuận thiết lập‘đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển’. Liệu cơ chế này sẽ làm giảm thiểu các vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu cá, bức hại ngư dân Việt Nam trên biển Đông hay không?
Có bảo vệ người bị hại?
Tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam thường xuyên bị phía Trung Quốc bắt giữ, tấn công, trấn lột trên vùng biển Hoàng Sa, dù quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam và bị Trung Quốc lấn chiếm năm 1974.
Căng thẳng trên Biển Đông xuất phát từ tham vọng đại dương của Trung Quốc và việc áp đặt đường chủ quyền 9 đoạn, gọi là đường lưỡi bò phủ trùm khắp Biển Đông, nơi Việt Nam và nhiều nước khác thực tế đã công bố chủ quyền.
Nhân chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 19/6 vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận thiết lập đường dây nóng để giải quyết những va chạm xảy ra trên Biển Đông mà phía bị hại luôn là tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Theo nội dung được Trung Quốc Nhật báo China Daily phổ biến thì với cơ chế mới này, hai phía Việt Nam và Trung Quốc sẽ thông báo cho nhau trong vòng 48 giờ mọi hoạt động bắt giữ xử lý tàu cá và ngư dân của phía bên kia. Cơ chế đường dây nóng trên biển này được giao cho Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đảm trách.
Thiết lập đường dây nóng tức là hai bên trao đổi với nhau, thí dụ có những vấn đề gì vướng mắc trên biển thì có thể trao đổi trực tiếp để giải quyết. Tôi nghĩ việc này theo hướng rất tích cực.
-Ô Phạm Anh Tuấn
Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng trưởng Tổng Cục Thủy sản nhận định rằng, một khi cơ chế đường dây nóng đã vận hành thì hy vọng sẽ giải quyết nhanh chóng những vụ phía Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam, mà trong nhiều trường hợp kéo dài hàng tháng. Ông nói:
“Thiết lập đường dây nóng tức là hai bên trao đổi với nhau, thí dụ có những vấn đề gì vướng mắc trên biển, hoặc là hỗ trợ cứu nạn ngư dân gặp vấn đề gì mà bên nào thuận lợi trong việc hỗ trợ thì có thể trao đổi trực tiếp với nhau để giải quyết. Tôi nghĩ việc này theo hướng rất tích cực.”
Tác dụng hạn chế
Do vị trí địa lý, các tàu đánh cá xuất xứ Quảng Ngãi thường hoạt động ở các ngư trường gần Hoàng Sa và phụ cận nên đã bị phía Trung Quốc làm hại nhiều nhất so với cả nước. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi, trong năm 2009 phía Trung Quốc đã bắt giữ 33 tàu và 433 ngư dân xuất bến từ Quảng Ngãi. Trong đó có 4 tàu và 48 ngư dân bị giam giữ ở đảo Phú Lâm, 6 tàu và 32 ngư dân phải nộp phạt từ 50 ngàn đến 70 ngàn nhân dân tệ tương đương từ 172 triệu tới 240 triệu đồng để được thả về. Số còn lại phía Trung Quốc tịch thu toàn bộ tài sản, phương tiện, hải sản, nhiên liệu rồi đuổi ra khỏi Hoàng Sa.
Những số liệu trong hơn 3 năm qua thì chưa được công bố, nhưng gần đây nhất vào ngày 20/5/2013 một tàu cá Quảng Ngãi đã bị tàu sắt có vũ trang của Trung Quốc trong đội hình 16 tàu, cố ý đâm thẳng vào tàu làm vỡ đuôi tàu, đe dọa tính mạng của 15 ngư dân trên tàu. Vụ việc xảy ra ở vùng biển chủ quyền Việt Nam chỉ cách đất liền Quảng Ngãi 130 hải lý. Trước đó vào ngày 20/3 một tàu cá xuất xứ Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin, trong lúc hoạt động đánh bắt cá bình thường ở ngư trường Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân.
Được biết tàu cá Quảng Ngãi 96382 khi gặp tàu Trung Quốc đã tự tránh xa nhưng tàu Trung Quốc cố ý đeo bám rượt đuổi khoảng 40 phút và khi lại gần đã nổ sung bắn cháy cabin tàu Quảng Ngãi.
Chúng tôi xin trích lời ông Phạm Quang Thạnh, Thuyền trưởng Tàu Quảng Ngãi 96382 nói với Đài ACTD:
“Sau khi xoay tròn vài vòng bắt đầu em cắt hướng đi về hướng Đông ra khỏi vùng biên. Nhưng lúc đó nó đứng sát em nó dùng súng bắn thẳng vào tàu em. Lúc đó em đã chạy vào cabin, em nghe bốn tiếng nổ và phát hiện tàu em đã bị cháy ở cabin, nó bị bốc lửa và cháy. Lúc đó em hô tất cả anh em thuyền viên múc nước biển để cứu lửa. Lửa cháy gần bốn bình gas đang nằm ngay trên cabin, em sợ bốn bình ga này phát nổ thì trong tàu không ai sống sót nên em mạo hiểm tính mạng tới ngay cabin để dập tắt ngọn lửa.”
Tôi cho rằng đây chỉ là một tín hiệu thôi chứ còn khẳng định là nó có hiệu quả hay không thì chắc chúng ta phải chờ đợi.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Theo nội dung về việc “Thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển’mà báo China Daily đưa tin thì hai bên báo cho nhau trong vòng 48 giờ, những vụ bắt giữ xử lý tàu cá và ngư dân của phía bên kia. Như thế đường dây nóng sẽ có tác dụng rất hạn chế, không ngăn ngừa được những vụ tấn công như trường hợp tàu Quảng Ngãi bị bắn cháy.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM nhận định:
“Trước mắt chúng ta ghi nhận thiện chí của cả hai bên Việt-Trung về việc này. Thông thường về phía ngư dân Việt Nam thì luôn luôn gặp khó khăn từ phía các lực lượng Trung Quốc và là lực lượng xuất phát của họ. Với việc thiết lập đường dây nóng này thì cũng là cách để lập một kênh để Việt Nam chính thức phản hồi và nó nhanh hơn. Và có lẽ nó giúp cho việc minh bạch hóa khi người lãnh đạo Trung Quốc hay đổ thừa rằng, do các địa phương làm và họ không kiểm soát hết. Tôi cho rằng đây chỉ là một tín hiệu thôi chứ còn khẳng định là nó có hiệu quả hay không thì chắc chúng ta phải chờ đợi.”
Sự phẫn nộ của người dân Việt Nam đã lên đến đỉnh điểm từ đó phát sinh hàng chục cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Bắc Kinh không những lấn chiếm Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam, lại còn gia tăng hành động tấn công, bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam hoặc cản trở hoạt động đánh bắt thủy sản vốn là kế mưu sinh của người dân các tỉnh ven biển Việt Nam.
Người Việt Nam luôn cảnh giác những viên thuốc bọc đường từ Trung Quốc. Bắc Kinh sẵn sàng chi một ít viện trợ cho Việt Nam trong bối cảnh cán cân thương mại hai bên mất quân bình nghiêm trọng, Việt Nam nhập siêu với trung quốc hàng chục tỷ USD mỗi năm. Việc thiết lập đường dây nóng về va chạm hoạt động nghề cá trên biển Đông cần phải chờ thời gian mới đánh giá được hiệu quả. Nhưng như cảnh báo của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã ở Saigon, cần đề phòng chuyện ‘nói một đàng làm một nẻo’.
No comments:
Post a Comment