Thursday, June 6, 2013

Trung Quốc ngụy biện đường lưỡi bò

Trung Quốc ngụy biện đường lưỡi bò

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-06-06
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
001_GR330911-305.jpg
Đường lưỡi bò TQ đòi chủ quyền trên Biển Đông
AFP

Nhân hội thảo biển Đông thường niên lần thứ ba được tổ chức tại Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington DC từ ngày 5 đến 6 tháng 6, Việt Hà phỏng vấn tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc học viện Ngoại giao Việt Nam, một diễn giả tại hội thảo về những vấn đề có liên quan được thảo luận trong ngày đầu tiên của hội thảo.
Việt Hà: Thưa Tiến sĩ câu hỏi đầu tiên muốn hỏi ông là trong suốt 12 tháng vừa qua nhân cái bài phát biểu ngày hôm nay thì ông có điểm lại một số những cái gọi là xung đột xảy ra tại biển Đông. Ông so sánh tình hình căng thẳng của biển Đông năm nay và năm trước có gì khác biệt ạ?
Tiến sĩ Trần Trường Thủy: Trong bài trình bày của tôi, tôi cũng đã chỉ rõ các sự kiện xảy ra ở biển Đông giữa các bên liên quan, chủ yếu là Trung Quốc và bên còn lại là các nước Asean. Có thể thấy là các sự kiện là một bước tiếp diễn của các diễn biến trong các năm gần đây; Nhất là Trung Quốc sau khi đã công khai cái đường lưỡi bò của họ, tiến hành các hoạt động để thực thi các chủ quyền trên đó, gây ra các căng thẳng xung đột với các nước chung quanh. Nó nằm trong một mạch chung của các sự kiện và có thể thấy so sánh với các năm trước thì có thể nói là nhiều sự kiện hơn giữa Trung Quốc và Philipines và có những sự kiện mới giữa Trung Quốc và Malaysia; Còn với Việt Nam thì cũng trong cái tông chung như những năm gần đây thôi. Điều cơ bản là Việt Nam vẫn bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán trong cái vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo công ước luật biển.
Việt Hà: Trong cái bài mở đầu của ngày hội thảo hôm nay, một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có nói đến sự không rõ ràng của các nước đòi chủ quyền trong vùng biển Đông, cụ thể là đường cơ sở trong đó có Việt Nam, Philipines, đặc biệt là đường 9 đoạn của Trung Quốc. Học giả đó có nói rằng điều quan trọng là một nước nào đó đứng lên và chấp nhận chúng tôi sẽ điều chỉnh và làm rõ những  đường này. Theo ông, Việt Nam có thể làm điều đó hay không?
Tiến sĩ Trần Trường Thủy: Đúng là trước đây các nước liên quan, nhất là Trung Quốc và các nước Asean, trong quá trình phát triển của mình, cũng chưa rõ ràng lắm về các yêu sách. Tuy nhiên trong các năm gần đây, các nước Asean đã nỗ lực rất nhiều trong việc cụ thể hóa các yêu sách của mình theo luât pháp Quốc tế, Công ước luật biển. Ví dụ như Việt Nam cũng đã làm rõ cái ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa kéo dài trong các báo cáo gởi lên Liên Hiệp Quốc.
Malaysia cũng thế và Philipines cũng có ra đường cơ sở mới, đường cơ sở quần đảo của họ để từ đó họ vẽ ra 220 hải lý. Tất cả các nước đều theo xu thế chung là làm rõ ràng yêu sách . Trung Quốc cũng đã làm rõ ràng đường lưỡi bò theo như hôm nay các bạn cũng đã thấy trong các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, cái hướng rõ ràng của Trung Quốc  không theo luật pháp Quốc tế khi họ yêu sách đòi đòi quyền chủ quyền và quyền tài phán theo Công ước luật biển; Đồng thời họ cũng đòi theo quyền lịch sử về đánh bắt cá cũng như tài nguyên theo đường lưỡi bò. Điều này không phù hợp với luât pháp Quốc tế.
Ngụy biện
20130605_134803_resized-305.jpg
Hội thảo biển Đông thường niên lần thứ ba được tổ chức tại Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington DC từ ngày 5 đến 6 tháng 6 năm 2013
Việt Hà: Học giả Trung Quốc có nói rằng là họ không muốn rõ ràng làm rõ đường lưỡi bò vì như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến các nước khác vì Trung Quốc sẽ phải lấy tất cả các đảo mà các nước khác đang chiếm trên đó . Vì vậy chính sách tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng như hiện nay là không làm rõ ràng đường lưỡi bò. Nhận xét của ông về câu trả lời của học giả người Trung Quốc là như thế nào?
Tiến sĩ Trần Trường Thủy: Tôi cho rằng cái này cũng chỉ là ngụy biện thôi. Thực tế không có đường lưỡi bò thì Trung Quốc vẫn duy trì cái chính sách chủ quyền đối với các đảo. Cũng lập luận vì Trung Quốc có yêu sách nên bắt buộc phải dùng vũ lực cho nên Trung Quốc cũng đã yêu sách đối với chủ quyền của Hoàng sa và Trường sa cũng như các đảo khác trong tranh chấp với Philipines. Vì vậy  lập  luận bỏ đường lưỡi bò dẫn đến các chính phủ phải dùng vũ lực không hợp lý.
Theo tôi thì vấn đề chính đối với đường lưỡi bò là Trung Quốc muốn sử dụng mập mờ là một để đòi hỏi quyền chủ quyền và quyền tài phán, chủ yếu là tài nguyên của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác ; Thứ hai là bản thân nội bộ Trung Quốc cũng có ít nhiều ý kiến khác nhau và họ cũng không thống nhất nhau làm thế nào để làm rõ ràng ; Thứ ba cơ bản là làm rõ yêu sách theo Công ước luật biển sẽ làm hạn chế việc Trung Quốc tự do hoạt động như bây giờ.
Việt Hà: Thưa ông ngày hôm nay , ông cũng có nói đến vấn đề chính sách của Mỹ tại biển Đông dường như chưa có hiệu quả trong việc kiềm chế Trung Quốc trong những hành động gần đây. Ông có hỏi là liệu Mỹ có thể có thêm  những yếu tố nào trong những chính sách đó. Ông có thể nói rõ ,theo ý ông, thì những yếu tố nào Mỹ cần thêm không ạ?
Tiến sĩ Trần Trường Thủy: Trả lời trong phần “hỏi và đáp” thì tôi cũng đã nêu một số các gợi ý , tất nhiên là các chính sách của Mỹ đưa ra đều dựa trên các lợi ích của Mỹ, họ sẽ không đưa ra những chính sách dựa trên những lợi ích của các nước khác hay là đi ngược lại lợi ích của Mỹ . Theo cá nhân tôi , để bảo vệ lợi ích của Mỹ thì họ có thể thêm những yếu tố mới trong  những chính sách chung ví dụ việc thực thi pháp luật chẳng hạn,ví dụ các lực lượng chấp pháp trên biển cạnh tranh nhau là chính và trong vấn đề này Mỹ cũng không có hoạt động nào để cản trở hoạt động của Trung Quốc; Hoặc trong vấn đề về kinh tế, Mỹ đang quay trở lại nhưng cũng chỉ đang bắt đầu đàm phán về TPP, Hiệp định xuyên Thái bình dương đang được kéo dài trong khi Trung Quốc đã sử dụng công cụ kinh tế rất mạnh. Yêu sách về đường lưỡi bò Mỹ cũng chỉ nói gián tiếp thế thôi chứ cũng không làm rõ ràng hay đề nghị Trung Quốc làm rõ ràng hoặc từ bỏ yêu sách này.
Việt Hà: Câu hỏi cuối cùng, theo ông thì Việt Nam và các nước Asean có ủng hộ cho Đài Loan tham gia vào việc đàm phán cơ chế xây dựng một điều tiết tranh chấp ở biển Đông hay không vì thật ra các nước Asean trong đó có Việt Nam chỉ thừa nhận một Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Trường Thủy: Vâng, cũng đúng như câu hỏi thì Việt Nam và các nước Asean thực thi chính sách một Trung Quốc và coi Đài loan là một bộ phận của Trung Quốc . Tuy nhiên, trên thực tế cũng phải thừa nhận Đài loan là một bên tranh chấp và Đài loan cũng đang chiếm giữ cái đảo lớn nhất là đảo Ba Bình . Bên cạnh đó các hoạt động của các ngư dân Đài loan cũng như các hoạt động của các lực lượng chấp pháp cũng như các lực lượng quân sự của Đài loan , nếu như mà không có các cơ chế xử lý thì cũng có thể gây ra va chạm với các nước xung quanh . Theo tôi thì cũng phải tính đến điều này trong các quá trình đàm phán sắp tới.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông.

No comments:

Post a Comment