'Asean phải kiềm chế thành viên'
Cập nhật: 08:00 GMT - thứ bảy, 4 tháng 5, 2013
Tờ China Daily vừa đăng bài nói khối Asean phải kiềm chế các thành viên, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, để giữ quan hệ với Trung Quốc.
Đây là tờ báo tiếng Anh lớn nhất Trung Quốc, có mục tiêu mang các thông điệp tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra thế giới.
Chủ đề liên quan
Số ra ngày 4/5 có bài bình luận của tác giả Ruan Zongze, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, với thông điệp chính là Asean cần ngăn chặn một số thành viên đối chọi lại với Bắc Kinh "để bảo đảm quan hệ giữa Trung Quốc với khối Đông Nam Á được phát triển".
Bài này được ra đúng lúc tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm tới bốn quốc gia Asean là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei từ 30/4-5/5.
Bài trên China Daily giải thích rằng "Thái Lan có quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Indonesia có vị trí quan trọng trong khối Asean, Singapore là não bộ của Asean còn Brunei là chủ tịch đương nhiệm".
Điều đáng nói là hai quốc gia bị Trung Quốc cho là 'cứng đầu' nhất trong việc đòi chủ quyền ở Biển Đông - Việt Nam và Philippines, không nằm trong danh sách các điểm dừng chân của ông Vương lần này.
'Đe dọa quan hệ'
Tuy nhiên, bài báo trên China Daily không ngần ngại cáo buộc hai nước trên đang "tìm cách đe dọa quan hệ giữa Asean và Trung Quốc để thủ lợi thông qua việc gây sự trên Biển Hoa Nam (Biển Đông)".
"Tranh chấp Biển Hoa Nam, vốn tái bùng phát từ năm 2009, đã làm xấu đi quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước thành viên Asean."
Theo tác giả bài báo, Philippines đã khuấy động lại khủng hoảng quanh đảo Hoàng Nham (Bãi cạn Scarborough) năm 2012, trong khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển quy định hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là lãnh thổ của Việt Nam.
Bài viết cáo buộc "Việt Nam và Philippines xâm chiếm các vùng biển và hải đảo của Trung Quốc và đang tìm cách sử dụng các thế lực ngoại bang để củng cố sự chiếm đóng bất hợp pháp của mình".
Các 'thế lực ngoại bang' này được nói là Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước mà Trung Quốc nói đang "dây máu ăn phần".
"Trung Quốc không sợ nói về quy tắc ứng xử, nhưng trước hết cần chỉ rõ nước nào (hay những nước nào) đang vi phạm tinh thần Tuyên bố chung DOC."
Bài trên China Daily
Trung Quốc cho rằng tuy Indonesia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, hai nước này muốn dàn xếp tranh chấp qua thương lượng chứ không có thái độ như Việt Nam và Philippines.
"Thái Lan và Singapore, tuy cũng chia sẻ Biển Hoa Nam, không muốn tranh chấp làm ảnh hưởng tới quan hệ thân thiện và hợp tác giữa Trung Quốc và Asean."
Rõ ràng qua chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Vương Nghị đã tái xác lập quan điểm của Trung Quốc, chia các nước ở khu vực này ra làm hai 'phe' - thân thiện và bất hợp tác.
'Asean phải ra tay'
Bài báo viết Trung Quốc sẽ cực lực chống lại nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của bất cứ quốc gia nào.
"Tại hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 22 ở Brunei hồi tháng trước, lãnh đạo các nước thành viên đã ra thông cáo kêu gọi Trung Quốc ký vào một Bộ Quy tắc Ứng xử để tránh xung đột."
"Trung Quốc không sợ nói về quy tắc ứng xử, nhưng trước hết cần chỉ rõ nước nào (hay những nước nào) đang vi phạm tinh thần Tuyên bố chung DOC (về cách ứng xử ở Biển Đông)," bài báo viết.
Tác giả bài báo chốt lại bằng kêu gọi Asean "phải có nỗ lực chung để chặn tay một số thành viên của mình", không để các nước này gây ảnh hưởng cho quan hệ với Trung Quốc.
Trong một diễn biến có liên quan, tuy chính phủ Trung Quốc chưa lên tiếng chính thức, nhưng một số diễn đàn mạng của nước này đã có tin bài phản đối Việt Nam cho chiến đấu cơ bay trên các đảo của Trung Quốc thuộc Nam Sa (Trường Sa).
Hôm 28/4, hai máy bay Su-30 của không quân Việt Nam đã bay trên bầu trời thuộc đảo Song Tử Tây của Trường Sa, lượn quanh đảo này nhiều vòng trong khoảng 15 phút.
Đảo Song Tử Tây (Trung Quốc gọi là Nam Tử đảo) hiện do Việt Nam kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
No comments:
Post a Comment