Thuê đất nuôi yến – một kiểu đánh cắp tài nguyên của TQ
Gần đây, Trung Quốc sang những huyện gần khu vực đảo yến của Việt Nam để thuê đất nuôi chim yến như Nha Trang – Khánh Hòa, Mộ Đức – Quảng Ngãi, Điện Bàn, Hội An – Quảng Nam, thành phố Vũng Tàu – Vũng Tàu.
Pháp luật sơ hở
Nói là nuôi yến, nhưng qua khảo sát, chúng tôi nhận ra đây là một hình thức đánh cắp tài nguyên trá hình, có sự đồng thuận của nhà cầm quyền địa phương. Và cũng chính việc làm này, mỗi năm, sản lượng yến sào Việt Nam bị sụt giảm đáng kể, sản phẩm yến sào trên thị trường mỗi ngày thêm kém chất lượng và hàng giả tăng cao.
Một người nông dân tên Sáu, đã cho người Trung Quốc có tên Việt Nam là Việt thuê đất để nuôi yến ở Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam, chia sẻ với chúng tôi rằng nếu ông biết người Trung Quốc gian xảo như vậy, ông đã không cho thuê mảnh ruộng 500m2 của mình. Năm 2008, người Trung Quốc tên Việt này đã đến hỏi thuê mảnh đất của ông với giá 10 triệu đồng. Lúc đó đồng tiền chưa mất giá, làm ruộng quá vất vả, ông quyết định cho thuê nhưng không đảm bảo có việc làm thủ tục cho thuê.
Người Trung Quốc này đã liên lạc với nhà cầm quyền địa phương để làm thủ tục sang nhượng mảnh đất 500 m2 của ông Sáu. Sau đó, anh cho xây dựng một nhà nuôi yến bằng bê tông kiên cố gồm 2 tầng với 100 hộc yến và dùng máy phát sóng gọi yến từ Cù Lao Chàm về. Cũng xin nói thêm, đảo yến Cù Lao Chàm, Hội An là một trong những khu dự trữ quốc gia hạng 1, ngoài những người có chuyên môn, không ai được phép vào đảo yến.
Người Trung Quốc này không cần vào đảo yến, ông ta chỉ cần ngồi ở đầu hướng gió, mở máy phát âm thanh chim yến gọi bạn và nghiễm nhiên đợi yến đến làm tổ trong căn nhà của mình để thu hoạch. Theo tìm hiểu của người dân địa phương, mỗi năm, lượng yến sào thu hoạch được của ông Trung Quốc tên Việt này không dưới 100kg. Với giá thành từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng trên mỗi ký lô yến sào, thu nhập bình quân mỗi năm của ông Việt không dưới 2 tỉ đồng. Việc “nuôi yến” của ông Việt hoàn toàn được miễn thuế vì nó được xếp vào diện mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng.
Một người Trung Quốc khác tên Toàn, đến Mộ Đức – Quảng Ngãi thuê 1000m2 đất để xây trại nuôi yến. Cũng giống như ông Việt ở Quảng Nam, ông Toàn không hề mang một con chim yến giống nào vào trại, việc nuôi yến của ông đơn giản chỉ là xây một căn nhà bê tông ba tầng, mỗi tầng xây thành nhiều hộc, mỗi hộc có một lỗ nhỏ làm cửa cho chim yến bay vào. Và sau khi tẩy trùng, khử mùi căn nhà mới, ông Toàn chỉ việc mở máy phát thanh tiếng chim yến gọi bạn suốt ngày đêm. Chim yến từ các hang đá ở Lý Sơn tụ về chỗ ông Toàn làm tổ, sinh lợi.
Ngang nhiên đánh cắp và gây ồn ào
Ông Toàn nói riêng và tất cả những người Trung Quốc sang nuôi yến ở Việt nam nói chung đều không tốn bất kỳ một thứ thực phẩm nào cho việc nuôi yến. Vì chim yến là loài săn mồi trong lúc bay lượn, không có thói quen đứng tại chỗ để ăn, nên sau khi rời tổ, chúng bay lượn trên độ cao từ 100, đến 300m để săn những sinh vật phù du bay li ti trong không gian. Bay và đớp mồi suốt ngày, đến tối lại theo tiếng gọi bầy đàn bay về nhả yến làm tổ. Tổ yến được làm từ nước miếng của chúng, trung bình, mỗi chiếc tổ được chim yến nhả nước miếng để xây dựng trong vòng sáu đến chín tháng. Sau thời gian xây tổ, nếu thành công, chim yến bắt đầu sinh đẻ, nếu không thành công, chúng lại bắt đầu công việc xây tổ từ đầu. Và, thời điểm thu hoạch yến sào của con người thường diễn ra vào những tháng mà tổ yến vừa xây xong.
Xáo trộn đời sống người dân
Một phụ nữ tên Tuyết, 55 tuổi, người hàng xóm của ông Toàn nuôi yến ở Mộ Đức than thở với chúng tôi rằng việc nuôi yến gần nhà dân gây xáo trộn đời sống của người dân quá thể. Vì âm thanh máy phát tiếng chim yến gọi bầy có công suất và tần số rất lớn, nó đủ để gọi một con chim yến ở cách xa nó hàng trăm cây số. Chính vì vậy, âm thanh này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người chung quanh, nhất là những em bé sơ sinh. Bà Tuyết nói rằng cháu nội của bà mới sinh được hai tháng. Tháng đầu tiên cháu nằm trong phòng kín nên ít bị âm thanh ảnh hưởng, còn ngủ được, đến khi ra tháng, nó khóc đêm liên tục, nghĩ mãi không ra, sau đó bà cho nằm phòng kín trở lại thì cháu bà ngủ bình thường, nhưng chỉ cần mở hé cánh cửa cách âm, tiếng chim lọt vào là nó khóc thét lên.
Không riêng gì bà Tuyết, nhiều người dân chung quanh khu vực người Trung Quốc nuôi yến cũng than phiền vì tiếng máy phát của họ. Một cháu bé tên Huyền, học lớp 3, cho biết là cháu không tài nào tập trung để học bài vì tiếng chim cứ léo nhéo bên tai, ban ngày nghe còn dễ chịu, buổi tối, âm thanh cứ như xoáy vào não làm cháu thấy mệt và muốn hét lên cho đỡ đau đầu nhưng sợ ba mẹ la.
Chúng tôi tiếp xúc với ông phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường để tìm hiểu về việc cho thuê đất và quan điểm của nhà cầm quyền khi biết người Trung Quốc đã chăn nuôi trá hình nhằm đánh cắp tài nguyên quốc gia. Ông này nói rằng người Trung Quốc không có đánh cắp tài nguyên gì của mình, chim trời cá biển, họ giỏi công nghệ, họ biết kêu gọi chim yến về để làm tổ, tạo thu nhập cho họ, thế là đáng khuyến khích. Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi về vấn đề Trường sa, Hoàng Sa và nguy cơ người Trung Quốc sang thuê đất chỉ là phần nổi, phần chìm họ có thể là gián điệp, mỗi địa điểm nuôi yến hoặc trồng rừng của họ rất có thể là một trạm chấm tọa độ hoặc một trung tâm gián điệp… Ông này lắc đầu, nói rằng đó là chuyện quốc gia đại sự, chúng tôi không được phép bàn đến. Nói xong ông đứng dậy đi ra khỏi phòng, thay cho lời tiễn khách.
Một người quản lý việc thu hoạch yến sào trên đảo yến Cù Lao Chàm, Hội An, cho biết rằng sản lượng yến sào trên đảo những năm gần đây sụt giảm đáng kể, năm sau sụt vài chục ký lô so với năm trước. Càng về sau, sản lượng yến sào trong các hang đá trên đảo Cù Lao Chàm càng giảm. Trong khi đó, các nhà nuôi yến của người Trung Quốc trên đất liền ngày càng phát đạt. Họ nghiễm nhiên trở thành những đại gia trên đất Việt với ngành kinh doanh siêu lợi nhuận này.
Uyên Nguyên, tường trình từ Hội An, Việt Nam.
No comments:
Post a Comment