Wednesday, May 8, 2013

Trung Quốc tăng áp lực trên Nhật Bản với âm mưu "đòi lại" Okinawa


Trung Quốc tăng áp lực trên Nhật Bản với âm mưu "đòi lại" Okinawa

Căn cứ quân sự Mỹ Futenma trên đảo Okinawa.
Căn cứ quân sự Mỹ Futenma trên đảo Okinawa.
REUTERS/Issei Kato

Trọng Nghĩa
Như chưa bằng lòng với việc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, Trung Quốc vào hôm nay 08/05/2013, đã bộc lộ ý hướng đòi lại cả vùng quần đảo Okinawa, nơi hiện có quân đội Mỹ đồn trú. Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cho công bố một bài viết dài của hai nhà nghiên cứu Trung Quốc, lập luận rằng Bắc Kinh có thể có chủ quyền trên dải đảo Ryuku bao gồm cả vùng Okinawa.

Tác giả bài báo là Trương Hải Bằng (Zhang Haipeng) và Lý Quốc Cường (Li Guoqiang), 2 nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Họ cho rằng Ryuku là một ‘nước chư hầu’ của Trung Quốc trước khi bị Nhật sát nhập vào cuối những năm 1800.
Theo hai tác giả này : « Đã đến lúc cần phải xem xét lại các vấn đề chưa giải quyết liên quan đến quần đảo Ryuku (còn gọi là Lưu Cầu) », dựa trên cơ sở các tuyên bố đưa ra sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, yêu cầu Nhật Bản phải trả lại các lãnh thổ chiếm của Trung Quốc.
Bài báo cũng nhắc lại lập trường của chính phủ Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngoài Biển Hoa Đông, hiện đang do Nhật Bản kiểm soát.
Trong những tháng gần đây, khẩu chiến giữa Tokyo và Bắc Kinh càng lúc càng gia tăng về vấn đề chủ quyền trên quần đảo nhỏ bé này. Không những thế, tàu Trung Quốc cũng thường xuyên thâm nhập vào vùng biển chung quanh quần đảo do Tokyo kiểm soát, làm dấy lên mối lo ngại bùng nổ tranh chấp vũ trang giữa hai cường quốc châu Á.
Theo các nhà phân tích, khi bật đèn xanh cho các học giả của mình công khai đặt ra vấn đề Okinawa là của Trung Quốc, Bắc Kinh đang sử dụng một ngón đòn tâm lý để tạo thêm thế thượng phong trong tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư, bất chấp thực tế là đòi hỏi của họ hết sức vô lý. Quần đảo Okinawa không chỉ là nơi có căn cứ quân sự Mỹ, mà là khu vực có đến 1,3 triệu cư dân trên bình diện chủng tộc và ngôn ngữ gần Nhật Bản hơn là Trung Quốc.
Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), chuyên gia về Trung Quốc tại Đại Học Hồng Kông nhận định rằng : « Đây là hình thức chiến tranh tâm lý. Điểm chính yếu là gây sức ép lên Nhật Bản, buộc chính quyền Tokyo nhượng bộ trên vấn đề Senkaku ».
Okinawa là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Ryuku trải dài trên 1.000 cây số tính từ hòn đảo chính Nhật Bản. Trong lịch sử, Okinawa là trung tâm của Vương quốc Ryukyuan, vốn vẫn nộp triều cống cho các hoàng đế Trung Hoa cho đến khi bị Nhật Bản sát nhập vào năm 1879.
Một số người Trung Quốc thường lấy lịch sử là nền tảng của chủ quyền đất nước và bác bỏ quyền sở hữu của Nhật Bản trên các hòn đảo mà Tokyo chiếm đóng nhờ chính sách bành trướng hiếu chiến, đã bị chận đứng sau khi Nhật bại trận vào cuối Đệ nhị Thế chiến.
Chính quyền Trung Quốc thì không đưa ra những đòi hỏi như thế, nhưng các phương tiện truyền thông nhà nước của nước này đôi khi cũng đưa ra những bài viết, bình luận đặt lại vấn đề chủ quyền của Nhật Bản.
Trung Quốc hiện cũng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông dựa trên một bản đồ công bố trong thập niên 1940, trong đó xác định chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ vùng biển này. Tại vùng này, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết đoán trong việc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
TAGS: CHÂU Á - NGOẠI GIAO - PHÂN TÍCH - QUỐC TẾ

No comments:

Post a Comment