Thursday, May 29, 2014

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN TẠI TRƯỜNG SA

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN TẠI TRƯỜNG SA

Thiềm Thừ
27-1-2008

Trước 30/4/1975, Hải quân Việt Nam Cộng hoà đóng giữ các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa của quần đảo Trường Sa.

Từ 14/4/1975 đến 29/4/1975, Đội 1 thuộc Đoàn 126 đặc công nước phối hợp với Đoàn 125 và một bộ phận của D471, Đặc công Quân khu 5 lần lượt giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa.

- Tháng 4/1976, Quân chủng Hải quân đã tổ chức diễn tập đổ bộ và chống đổ bộ trên các đảo Trường Sa.

- Tháng 2/1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường trinh sát quanh các đảo ta đã đóng quân. 
- Ngày 10/3/1978, quân ta đổ bộ lên đảo An Bang. 
- Ngày 15/3/1978, ta đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông. 
- Ngày 30/3/1978, ta đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh). 
- Ngày 4/4/1978, quân ta hoàn thành việc đóng giữ đảo Trường Sa Đông. Cũng trong tháng 4/1978, 1 phân đội được đưa ra đóng giữ đảo Thuyền Chài, nhưng do điều kiện vật chất chưa bảo đảm nên tháng 5/1978 phân đội được rút về đất liền.
- Ngày 8/5/1978, Trung đoàn 146 phòng thủ Trường Sa được thành lập. Năm 1980, đơn vị được nâng cấp thành Lữ đoàn 146.

Tháng 11/1978, Hải quân Malaysia vây đảo An Bang, nhưng tàu của họ phải rút đi sau 11 ngày gây áp lực với quân ta không có kết quả.

Ngày 6/4/1983, ông Hồ Ngọc Nhường - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh ra thăm và đặt mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Thuyền Chài. Từ tháng 1/1987 đến giữa năm 1987, việc xây dựng nhà lâu bền trên đảo Thuyền Chài được hoàn thành.

Cuối năm 1987, tình hình hoạt động của nước ngoài ở khu vực quần đảo ngày một phức tạp hơn, nhất là quanh các đảo Sinh Tồn, An Bang, Đá Tây, Song Tử Tây, Trường Sa Đông… Họ đã tổ chức tập trận ở khu vực Trường Sa từ 16/5 đến 6/6/1987. Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam ra lệnh cho các đảo Trường Sa chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ngày 25/10, quân ta đóng giữ thêm 4 đảo (Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập). Cuối năm có sóng to gió lớn, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ.

Trong những tháng đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng Đá Chữ Thập (31/1), tiếp đó đến các bãi đá Châu Viên (18/2), Ga Ven (26/2), Huy Gơ (28/2), Xu Bi (23/3) thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.
Đô đốc Tư Lệnh Hải quân Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, vào căn cứ Cam Ranh lập Sở chỉ huy để trực tiếp chỉ huy chiến dịch Chủ Quyền 88 (CQ-88). Hải quân nhân dân Việt Nam khẩn trương đóng giữ các bãi Đá Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3). Chúng ta đã bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc.

Ngày 14/2/1988, 3 tàu chiến của đối phương lăm le định lên chiếm đảo chìm Đá Lớn. 1g30 ngày 15/2, tàu 701 do biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân và thuyền trưởng Hà Văn Thái chỉ huy (đang làm nhiệm vụ đưa hàng Tết ra đảo Nam Yết thì được lệnh neo cạnh Đá Lớn từ 6/2) đã lao lên đảo. Chiếc tàu bị hỏng nhưng đã trở thành chiếc lô cốt, thành bia chủ quyền trên đảo Đá Lớn!

Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Dự đoán đối phương sẽ chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Bộ tư lệnh Hải quân chỉ đạo các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn 146 nhanh chóng đến các đảo này.

Ngày 12/3, tàu HQ-605 được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h ngày 14/3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5h ngày 14/3, cắm cờ Việt Nam trên đảo. 9h ngày 13/3, tàu HQ-604 và tàu HQ-505 được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. 17h ngày 13/3, tàu Trung Quốc áp sát uy hiếp các tàu 604, 505.

Đêm 13/3, quân ta bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Sáng 14/3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 phát hiện bốn tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Một tổ 3 người được cử lên đảo bảo vệ Quốc kỳ.

Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Lực lượng áp đảo nhưng không cướp được cờ trong tay những người lính Việt kiên cường, chúng đã bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, đâm trọng thương Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Nhưng đã có thêm hàng chục chiến sĩ ta từ tàu 604 lao xuống biển bơi vào đảo theo lời kêu gọi của Trung tá Trần Đức Thông, tiếp tục xây lưng với nhau quây thành một vòng tròn để bảo vệ lá cờ thấm máu đồng đội.

Quân địch bắn pháo 100 mm từ 2 chiến hạm vào tàu 604, khiến tàu bị thủng nhiều lỗ và chìm xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, Đại uý thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ ta đã hy sinh cùng tàu 604.

Tại đảo Cô Lin, tàu HQ-505 đã cắm hai lá cờ trên đảo lúc 5h. Khi thấy tàu 604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi trong làn pháo địch. Con tàu anh hùng này đã kịp trườn được hai phần ba thân lên đảo trước khi bị tàu địch bắn cháy. Thủy thủ tàu 505 vừa dập lửa cứu tàu, triển khai bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu 604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma.

Ở hướng đảo Len Đao, lúc 8h20 ngày 14/3, tàu Trung Quốc bắn vào tàu HQ-605. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6h ngày 15/3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn an toàn.

Mặc dù thua kém đối phương về lực lượng, phương tiện, vũ khí, trong trận chiến đấu ngày 14/3/1988 những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu quên mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng ta mất 3 tàu, 64 sĩ quan và chiến sĩ hy sinh hoặc mất tích, 11 người bị thương nhưng đã bảo vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao. Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma.

Các liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tàu HQ-505, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong năm 1988, quân ta đóng giữ thêm 11 bãi đá ngầm khác, nâng tổng số đảo đóng giữ tại quần đảo Trường Sa lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân.
Từ tháng 6/1989, để tăng cường bảo vệ chủ quyền tại thềm lục địa tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tiếp giáp quần đảo Trường Sa, Hải quân nhân dân Việt Nam bắt đầu đóng giữ các bãi đá ngầm: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đừơng, Ba Kè. Tại đây chúng ta đã xây dựng nhiều trạm Kinh tế - khoa học – dịch vụ (DK1).


No comments:

Post a Comment