Quân đội Trung Quốc là con rồng giấy
Kyle Mizokami, War isBoring
Phan Văn Song dịch
Tham nhũng, láng giềng xấu, lạm phát và bom nổ chậm dân số – đó chỉ là một vài trong số tai hoạ của Bắc Kinh.
Bề ngoài thì nó rất hùng mạnh, nhưng trên thực tế nó chẳng là thứ gì để sợ – nó là con cọp giấy. – Mao Trạch Đông nói về Hoa Kì, năm 1956
Sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ) trong 30 năm qua không thiếu những điều ngoạn mục.
Sau nhiều thập niên tăng trưởng với hai chữ số, hiện nay TQ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có một quân đội ngày càng có tính kĩ thuật cao, đó là một trong những quân đội mạnh nhất hành tinh. Mặc dù TQ giáp với một số nước thiếu ổn định nhưng biên giới của họ lại an toàn.
Điều đó không phải luôn luôn là như vậy. Trong 2 000 năm, TQ đã phải trải qua những cuộc xâm lược, cách mạng và làm nhục bởi thế giới bên ngoài – cộng với những cuộc nổi loạn trong nước. Nó đã bị hành hạ, chinh phục và chiếm làm thuộc địa.
Không còn những điều đó nữa. Chi tiêu quốc phòng TQ đã tăng gấp 10 lần trong vòng 25 năm. Bắc Kinh đang xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh hoạt động ở biển khơi, phát triển máy bay chiến đấu tàng hình và cẩn thận thử nghiệm các hoạt động gìn giữ hòa bình và các nhiệm vụ ở nước ngoài.
Việc phát triển quân đội của TQ, cùng với chính sách đối ngoại hung hăng, đã khiến cho nhiều người ở phương Tây lên tiếng báo động. Một số nhà hoạch định chính sách Mĩ coi Bắc Kinh là "đối thủ cạnh tranh gần ngang tầm" của Washington – nói cách khác, TQ là nước duy nhất có quân đội có thể thực sự đánh bại quân đội Mĩ trong một số trường hợp.
Nhưng họ đã sai. Thậm chí sau nhiều thập niên tái vũ trang tốn kém, TQ vẫn là con rồng giấy – nói theo cách Mao Trạch Đông nói sai về Hoa Kì ... vào năm 1956.
Ngân sách quân sự của TQ đã tăng trưởng hai chữ số năm này qua năm khác, nhưng lạm phát đã ăn mòn các gia tăng này. Quân đội, hải quân, không quân và đội quân tên lửa của TQ đang bị tàn phá bởi tham nhũng và vũ khí của họ, nói chung, vẫn còn rất thấp kém hơn vũ khí tương đương của phương Tây.
Vâng, Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA) đang dần trở thành tiên tiến hơn về công nghệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh có thể huy động lực lượng vũ trang cho các sứ mạng toàn cầu. Không giống như các cường quốc có khả năng thực hiện sứ mệnh ở nước ngoài chủ yếu của thế giới – như Hoa Kì và Vương quốc Anh, chỉ nêu ra hai tên – TQ bị bao quanh bởi những kẻ thù tiềm năng.
Nga, Nhật Bản và Ấn Độ đều là các nước láng giềng... đồng thời là kẻ thù lịch sử. Chính sách đối ngoại hung hăng của TQ nhắm vào các nước nhỏ hơn không khuyến khích sự tuân phục mà là sự kháng cự, chẳng hạn các nước như Philippines và Việt Nam liên minh với Hoa Kì, Nhật Bản và Ấn Độ.
Các láng giềng khác của TQ là những nước yếu kém hoặc thất bại, như Pakistan và Bắc Triều Tiên. Sự thiếu ổn định – hoặc sự hoàn toàn sụp đổ của họ – có thể có ảnh hưởng an ninh nghiêm trọng cho TQ, và giúp giải thích tại sao Bắc Kinh phung phí nhiều vốn liếng vào các lực lượng vũ trang của họ.
Trật tự của cuộc chiến
Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới, với không ít hơn 2,3 triệu nam nữ lính chính quy. 800.000 người khác phục vụ trong lực lượng dân quân và dự bị của TQ.
Các lực lượng trên bộ của PLA lên tới 1,25 triệu lính nam nữ chia thành 18 quân khu, mỗi quân khu tương tự như một quân đoàn của Mĩ. Mỗi quân khu gồm 3-5 sư đoàn bộ binh và cơ giới – TQ chỉ có một sư đoàn xe tăng.
Các lực lượng trên bộ chủ yếu là cho phòng thủ đất nước. Để triển khai sức mạnh ra bên ngoài biên giới, TQ có ba sư đoàn không quân, hai sư đoàn lính thuỷ đánh bộ và ba lữ đoàn hải quân. Thiết bị chính bao gồm hơn 7.000 xe tăng và 8 000 khẩu pháo.
Hải quân TQ chỉ huy 255.000 lính thủy và 10.000 lính thuỷ đánh bộ. Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân (PLAN) được chia thành ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, có tổng cộng một tàu sân bay, 23 tàu khu trục, 52 tàu khu trục, 49 tàu ngầm tấn công động cơ diesel và 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân. TQ có ít nhất ba tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn (Jin-class), tiêu biểu cho rào cản hạt nhân của Bắc Kinh trên biển.
Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAAF) có 330.000 nhân viên hoạt động trải ra trên 150 căn cứ không quân và hải không quân. PLAAF và cánh tay hải không quân của PLAN có tất cả 1.321 máy bay chiến đấu và máy bay tấn công, bao gồm hàng trăm J-7 – cộng với 134 máy bay ném bom hạng nặng và chở dầu và 20 máy bay cảnh báo sớm trên không. TQ cũng vận hành hơn 700 máy bay trực thăng chiến đấu.
Độc nhất đối với quân đội TQ là Quân đoàn pháo binh thứ hai, một nhánh biệt lập của quân đội phụ trách tên lửa thông thường và hạt nhân trên đất liền. Quân đoàn pháo binh thứ hai có từ 90.000 đến 120 000 nhân viên chia thành 6 lữ đoàn tên lửa.
Quân đoàn pháo binh thứ hai có hơn 1.100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn thông thường với tầm bắn 1.000 km hoặc gần hơn, khoảng 300 tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường khác và khoảng 120 tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm xa.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng của TQ năm 2013 là 188 tỉ đô la. Con số đó bằng khoảng 9 % chi phí quân sự toàn cầu và gần một nửa của toàn bộ chi tiêu ở châu Á. Cùng năm đó, Mĩ đã chi 640 tỉ đô la về quốc phòng, Nga 88 tỉ, Ấn Độ 47 tỉ và Nhật Bản 48 tỉ.
Vâng, chi tiêu của TQ có vẻ như rất nhiều. Nhưng không như vậy, thật thế – nhất là xét về góc độ TQ có thể nguy hiểm đến mức nào.
Vị trí không thể ganh tị
Có thể là khó khăn để đi bộ qua khu phố thịnh vượng nhất của Bắc Kinh hay đường phố lấp lánh của Thượng Hải và hiểu rằng bạn đang ở trong một quốc gia giáp ranh với ba trong những nơi bất ổn nhất trên thế giới – Pakistan, Afghanistan và Bắc Triều Tiên.
Sau hàng ngàn năm bị xâm nhập và xâm lược, TQ cuối cùng đã xây dựng biên giới vững mạnh. Bắc Kinh đang làm tốt công việc duy trì hòa bình và thịnh vượng tương đối trong một khu lân cận nghèo nàn, hỗn độn.
"Biên giới đất liền của TQ chưa bao giờ được an toàn như bây giờ," M. Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói với War is Boring.
"Mặc dù tranh chấp với Bhutan và Ấn Độ vẫn còn đó, TQ không còn phải đối mặt với viễn cảnh của một mối đe dọa lớn trên đất liền," Fravel tiếp tục. "Các vụ đụng độ có thể xảy ra trên biên giới với Ấn Độ, nhưng chúng sẽ bị kềm chế bởi địa lí và khó có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn."
Điều đó không phải lúc nào cũng như vậy. Bị xâm chiếm bởi Mông Cổ, Nga, thực dân phương Tây và gần đây nhất là Nhật Bản, TQ phải chịu đau khổ rất nhiều dưới bàn tay của người ngoài cả thiên kỷ. Trong điều kiện lịch sử như thế, việc Bắc Kinh muốn quốc phòng mạnh mẽ là điều hiểu được.
Việt Nam đã đánh nhau với TQ vào năm 1979 và làm thiệt mạng 9.000 lính PLA chỉ trong một tháng. Nhật Bản chiếm đóng TQ trong những năm 1930 và 40 đã giết chết hàng triệu người TQ. Ấn Độ đã đánh nhau với TQ gần đây nhất là năm 1962. TQ và Nga tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố ngắn vào năm 1969.
Trung Quốc giáp ranh 14 nước, với Nga bao bọc hầu hết vùng biên. Nhưng trong khi nhiều nước láng giềng của Nga là hòa bình – Estonia, Phần Lan, Na Uy và Latvia… – TQ giáp ranh với Afghanistan, Bắc Triều Tiên, Myanmar và Pakistan. Hai trong số các quốc gia này lại có vũ khí hạt nhân.
Bắc Triều Tiên là đặc biệt nguy hiểm. Không những họ tiến hành ngoại giao qua bạo lực bốc đồng mà lại còn có vũ khí hạt nhân. Không ai biết khi nào – hoặc liệu – chính phủ Bắc Triều Tiên sẽ sụp đổ hay không, nhưng ý tưởng về 24 triệu người đói khổ ở đó đột nhiên thấy mình không có chính quyền là một trong những đáng sợ đối với Bắc Kinh.
Năm ngoái chúng tôi phát hiện TQ có kế hoạch dự phòng để đối phó với một Bắc Triều Tiên sau sụp đổ. Điều đó có khả năng sẽ liên quan đến việc quân đội TQ tiến vào Bắc Triều Tiên để thiết lập một vùng đệm. Có lẽ để phản ứng đối với việc tiết lộ này, Bình Nhưỡng mô tả Bắc Kinh như một "tên phản bội, một kẻ thù. "
Trung Quốc đang trải qua một thời kì dài hòa bình và thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại của nó. Đồng thời, các cơn đau đầu về láng giềng cũng nhiều hơn bao giờ hết. Đó là một lí do chính đáng cho ngân sách quân sự của TQ là 188 tỉ đô la một năm và tăng lên.
Hoàn toàn đơn độc
Đồng thời, TQ đang thiếu đáng kể đồng minh thực sự, đáng tin cậy. Chỉ riêng ở Thái Bình Dương, Hoa Kì có thể trông cậy Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hàn Quốc, New Zealand và Philippines như là những đồng minh thân cận – và duy trì quan hệ thân mật với các nước khác trong đó có Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Trái lại, danh sách các đồng minh ở Thái Bình Dương của TQ rất ngắn ngủi. Chỉ là Nga. Trên toàn cầu, đồng minh của TQ có Pakistan, Zimbabwe, Venezuela và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Tất cả đều là những nước chuyên chế hoặc gần chuyên chế, nhiều nước không ổn định và nhiều nước có hồ sơ dài về vi phạm nhân quyền.
Bắc Kinh bảo bọc các láng giềng tồi tệ nhất một phần là để giữ họ trong vòng kiểm soát. Điều này có hiệu quả với Pakistan, nhưng không thành công với Bắc Triều Tiên. Tại Miến Điện, TQ nồng ấm lên với chế độ quân sự áp bức chỉ vì nó đột nhiên mở ra và tìm kiếm các mối quan hệ với phương Tây và Nhật Bản. Cái ‘được’ của TQ là nhiều năm bị lên án vì ủng hộ cho chính quyền quân sự – đó thật ra là chỉ lỗ nặng.
Tuy nhiên, chỗ mà TQ thực sự thất bại chỉ đơn giản là không thuận thảo được với các nước lân cận. Trước cuộc đối đầu gần đây với Philippines ở Ayungin Shoal [bãi cạn Scarborough – PVS), mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh chưa lúc nào tốt ra. Điều tương tự cũng xảy ra cho phần lớn khu vực Đông Nam Á trước khi TQ tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông.
Thậm chí quan hệ với Nhật Bản, kẻ thù lịch sử của TQ, chỉ nồng ấm nếu phẳng lặng.
Vào khoảng năm 2010, Bắc Kinh đã quyết định ngừng chơi đẹp.TQ bắt đầu theo đuổi các yêu sách lãnh thổ nằm yên đã lâu và cố hết sức mình để tách rời liên minh giữa Nhật Bản và Mĩ. Quan hệ củaTQ với khá nhiều nước trong khu vực Đông và Đông Nam Á đã thành lạnh nhạt.
Thật khó để nói TQ thật sự muốn đạt được điều gì. Một số người cho rằng TQ đang cố để "Phần Lan hoá" các nước châu Á nhỏ hơn – nghĩa là, đe dọa họ bàytỏ sự trung lập để chối bỏ họ đối với người Mĩ. Những người khác lập luận rằng TQ muốn lấy những vùng lãnh thổ tranh chấp đó mà về cơ bản còn có vấn đề với việc đối xử các nước khác như những nước bình đẳng.
Dù như thế nào, hành động gần đây của TQ đã khiến cho nó hầu như không có bạn bè. Hiệm nay những mối quan hệ quan trọng nhất của TQ với các nước khác trên thực chất chỉ là về kinh tế.
Điều này có tác động rõ ràng đối với tư thế quân sự của TQ. Trong khi Hải quân Hoa Kì có thể đi khắp Thái Bình Dương và thực tế ghé vào hàng chục cảng, thì tàu chiến của TQ chỉ có thể chạy bên ngoài lãnh hải của họ, và ngoài cảng Vladivostok của Nga ra không có nơi nào khác để đi.
Điều này đặt TQ vào thế bất lợi chiến lược to lớn. Bắc Kinh không có đồng minh để cung cấp căn cứ, chia sẻ gánh nặng, trao đổi tình báo, trợ giúp tinh thần.
Chạy đua với lạm phát
Từ năm 1990, chi tiêu quốc phòng của TQ đã tăng lên ít nhất 10 % mỗi năm, kết quả của một sự gia tăng ngân sách tổng thể gấp 10 lần chỉ trong 24 năm. Một số nhà quan sát trỏ vào chi tiêu quân sự dường như rất lớn của TQ như là bằng chứng về ý định nham hiểm.
Nhưng sự gia tăng ngân sách gần như không lớn như nó có vẻ.
Tăng trưởng kinh tế củaTQ trong hai thập kỉ rưỡi qua là đột biến, và đã cho phép nước chi tiêu nhiều hơn cho một quân đội hiện đại. Nhưng khi xét như là một tỉ lệ của nền kinh tế, ngân sách quốc phòng của TQ là phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Và nếu để ý tới thêm lạm phát, gia tăng thực tế của TQ trong chi tiêu quốc phòng thực sự là chỉ theo một chữ số mỗi năm – khó là một khối lượng lớn tiền mặt như những người hay lo lắng la lên.
Điều quan trọng là xem chi phí vũ khí của TQ trong bối cảnh lịch sử. Một phần tư thế kỉ trước, quân đội của Bắc Kinh lớn và công nghệ thấp. Năm 1989, quân đội TQ đã có 3,9 triệu người trên sổ lương – phần lớn bộ binh thiếu xe cộ và vũ khí tinh vi. Xe tăng chính của quân đội là một phiên bản của kiểu T-55 Liên Xô, một thiết kế thời những năm đầu thập niên 1950.
Không quân và hải quân chỉ có khả năng bảo vệ bờ biển. TQ đã có một tàu ngầm tên lửa hạt nhân duy nhất, mà theo lời đồn đại đã bốc cháy và chìm tại cảng.
Trung Quốc là một nước nghèo. GDP là 451tỉ đô la. So sánh với GDP của Mĩ năm 1989 là 8,84 tỉ. Năm đó, Bắc Kinh chi 18,33 tỉ cho quốc phòng. So sánh cùng năm đó, Nhật Bản chi 46,5 tỉ và New Zealand nhỏ bé chi 1,8 tỉ.
Ngân sách quốc phòng của TQ năm 1989 lên tới mức chi tiêu 4.615 đô la cho mỗi người lính. Cùng lúc đó, Mĩ chi 246.000 đô là cho mỗi cá nhân thành viên quân đội.
Trong những năm cuối thập niên 80, học thuyết quân sự TQ vẫn nhấn mạnh: "Chiến tranh nhân dân", một chiến lược phòng thủ lôi kéo kẻ địch vào sâu bên trong TQ và sau đó hủy diệt với chiến tranh thông thường và du kích. Điều đó được dựa trên kinh nghiệm chiến tranh của TQ... và hoàn toàn không còn thích hợp.
Năm 1991, Bắc Kinh ngắm nhìn trong cơn sốc và kinh khiếp khi liên minh do Mĩ dẫn đầu dễ dàng đập tan quân đội Iraq của Saddam Hussein và tống nó ra khỏi Kuwait. Một chiến dịch không quân kéo dài vài tuần và một cuộc tấn công trên bộ chỉ kéo dài 100 giờ đã hủy diệt một lực lượng Iraq vượt trội về số lượng.
Đột nhiên, quân đội to lớn nghèo nàn của TQ trông giống như một gánh nặng.
Bắc Kinh đã có rất nhiều việc phải làm trong việc cải cách lực lượng vũ trang. Điều đó đòi hỏi tiền của. Tin tốt cho TQ là nhờ vào một nền kinh tế đang bùng nổ nên thật ra không phải dành một tỉ lệ lớn hơn trong sản lượng quốc gia cho quốc phòng để đầu tư nhiều hơn cho quân lính có năng lực và các loại vũ khí hiện đại.
Một cách để nhìn vào chi tiêu quốc phòng là xem dưới dạng như là một tỉ lệ phần trăm GDP. Các láng giềng chính của TQ, ngoại trừ Nhật Bản, phân bổ nhiều hơn cho quân đội của họ như là một tỉ lệ phần trăm của GDP tương ứng. Ấn Độ dành ra 2,5 %, Hàn Quốc 2,8 % và Nga 4,1 %. Hoa Kì, với quân đội trang bị tốt nhất trên hành tinh, dành 3,8 % GDP cho quốc phòng.
Nghịch lí ngân sách quân sự của TQ là chi tiêu vẫn tăng lên ngay cả khi phần chia cho quốc phòng trong nền kinh tế giảm xuống. Như là một tỉ lệ phần trăm của nền kinh tế, chi tiêu vũ khí của TQ thật ra đã giảm hơn 20 % một ít. Bắc Kinh đã chi 2,6 % GDP cho quốc phòng trong năm 1989. Từ năm 2002 đến năm 2010, họ dành trung bình là 2,1 %. Trong năm 2013, ngân sách quân sự của TQ chỉ chiếm 2 % GDP.
Phần của chiếc bánh kinh tế mà quân đội TQ nhận được nhỏ hơn. Chỉ có điều là tự chiếc bánh đã lớn, lớn hơn rất nhiều so với 25 năm trước đây.
An ninh công cộng
Theo một số tính toán, năm 2013 TQ đã chi cho "an ninh công cộng " – kiểm duyệt Internet, thực thi pháp luật và Cảnh sát bán quân sự vũ trang nhiều hơn chi cho phòng vệ bên ngoài. Ngân sách an ninh nội bộ của TQ trong năm 2014 là một bí mật, dẫn đến suy đoán rằng một lần nữa, Đảng Cộng sản TQ đang chi tiêu nhiều hơn để tự bảo vệ trước người dân của chính họ hơn là chống lại các nước khác.
Đảng biết họ đang làm gì. Nhiều người TQ không hài lòng sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Thiệt hại môi trường, lạm dụng lao động, tham nhũng và thu tóm đất đai có thể – và dễ nhanh chóng leo thang thành bạo loạn.
Bên trên những điều đó,TQ còn phải đấu tranh với tình trạng bất ổn ở mức độ thấp ở tỉnh Tân Cương ở xa về phía tây – nơi dân Duy Ngô Nhĩ phẫn nộ bị phần còn lại của TQ thực dân hoá và ở Tây Tạng cũng vậy.
Theo hiện trạng, TQ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chi tiêu thật nhiều cho an ninh công cộng. Dù điều đó là xấu cho người dân TQ, nhưng lại thật sự là điều tốt cho khu vực. Phần lớn sức mạnh quân sự mà Bắc Kinh mua sắm mỗi năm được hướng vào bên trong và chưa bao giờ triển khai ra bên ngoài.
Muốn sánh được với chi tiêu quân sự của Mĩ như là một tỉ lệ phần trăm của GDP sẽ đòi hỏi TQ dành 5,8 % cho việc phòng vệ trong nước và bên ngoài. Đó chỉ là một viễn cảnh không thực tế. Chỉ có ba quốc gia dành mức nhiều như thế của nền kinh tế cho quân đội là Ả-rập Xê-út, Oman và Nam Sudan.
Hơn nữa, những đồng đô la mà TQ chi tiêu cho lực lượng quân sự bên ngoài không kéo dãn quá xa như hầu hết các nhà quan sát giả định. "Trong suốt nhiều thời kì đổi mới sau năm 1978, những hiệu quả thực tế trong chi tiêu quốc phòng của TQ trên danh nghĩa đã bị giảm thiểu rất nhiều bởi lạm phát tràn lan, Andrew Erickson, một giáo sư tại trường Naval War College Mĩ đã viết.
Năm 2008, TQ chi cho quốc phòng hơn năm 2007 là 14,9 % . Nhưng tỉ lệ 14,9 % tăng đó trùng hợp với lạm phát 7,8 %, kết quả là gia tăng ngân sách quân sự ròng chỉ 7,1 %. Năm 2010, chi tiêu quốc phòng tăng 7,8 % và đã bị nuốt chửng bởi một tỉ lệ lạm phát 6,7 %, cho gia tăng ròng chỉ 1,1 %.
Điều chỉnh theo lạm phát, từ năm 2004 đến năm 2014, chi tiêu quốc phòng của TQ tăng trung bình 8,3 % theo giá trị thực. Đó là vẫn là khoản tiền rất lớn, đặc biệt là khi chi tiêu quốc phòng ở hầu hết các nước phương Tây đã giảm xuống. Nhưng ngân sách của PLA không thật sự gia tăng hai chữ số như nhiều người hoang mang nêu ra.
Công ti PLA, và 'nhà máy sản xuất cấp bậc'
Tham nhũng là một vấn đề rất lớn và phần lớn là không thấy được đối với quân đội TQ. Các quan chức bán tài sản chính phủ để thu lợi nhuận riêng. Nhà thầu thu phí tăng cao cho công việc dưới tiêu chuẩn. Ô dù, thân quen gây nên tình trạng đề bạt người không đủ chuẩn.
Trong nhiều năm qua, quân đội TQ tạo ra thu nhập thêm – qua việc canh tác và chăn nuôi riêng. Khi nền kinh tế của TQ cất cánh, những nỗ lực còn tồn tại này phát triển thành doanh nghiệp. Cùng với canh tác và chăn nuôi, PLA mở thêm khách sạn, rạp chiếu phim và quán bar – lợi nhuận từ đó thường là lọt vào túi riêng các cán bộ hàng đầu.
Năm 1998, Đảng Cộng sản TQ đã ra lệnh cho quân đội TQ cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp thương mại nhằm nâng cao tính sẵn sàng của quân đội. Một đơn vị bộ binh không cần phải nuôi lợn riêng cho mình nữa – ngân sách quốc phòng có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm của quân lính. Các đơn vị có thể tiếp tục làm tốt công việc lính tráng.
Nhưng thay vì kết thúc chúng, các lãnh đạo quân sự tham nhũng chỉ việc che giấu các liên doanh sinh lợi của họ.
Kinh doanh bán bất hợp pháp các bảng số xe quân sự cho dân thường giàu có đã là một trong những ngành kinh doanh đặc biệt hấp dẫn. Người mua bảng số xe – thường là những dân thường chỉ có quan hệ hời hợt với PLA – gắn đèn hiệu đỏ và còi báo động trên xe ô tô của họ để giúp họ dễ dàng di chuyển trên đường phố. Những người có bảng số này thường được xăng miễn phí.
Tình hình trở nên tồi tệ đến mức vào năm 2013, quân đội TQ cấm các xe nhập khẩu đắt tiền – Mercedes-Benz, BMW, Porsche và Bentley – có bảng số quân đội.
Bắc Kinh thỉnh thoảng cũng trừng trị các cán bộ tham nhũng. Năm 2007, một quan toà đã ra một án tử hình treo cho Phó Đô đốc Vương Thủ Nghiệp (Wang Shouye) vì biển thủ 25 triệu đô la trong quỹ PLA.
Là phó giám đốc của Tổng cục Hậu cần của PLA từ năm 1997 đến năm 2001, Wang đã ở chức vị phê duyệt nhà ở mới cho quân đội. Chính phủ cáo buộc Wang nhận lại quả từ các nhà thầu.
Cảnh sát bắt giữ Wang năm 2006 sau khi viên Phó Đô đốc từ chối thư tống tiền của một trong nhiều tình nhân. Các nhà điều tra tìm được hơn 8 triệu đô la giấu trong lò vi sóng và tủ lạnh trong nhà của Wang tại Bắc Kinh và Nam Kinh, và 2,5 triệu nữa trong máy giặt. Có bằng chứng thêm 8 triệu nữa trong các quỹ đánh cắp được nằm trong tài khoản ngân hàng của Wang.
Tháng 3, công an bắt giữ Từ Tài Hậu (Xu Caihou), một vị tướng đã nghỉ hưu và cựu uỷ viên Quân Ủy Trung ương đầy quyền lực, bị cáo buộc đã thu hàng triệu đô la qua việc bán chức trong quân đội. Xu phụ trách việc thăng chức cấp cao trong quân đội từ năm 2004 đến 2013.
Chúng ta không biết chính xác Xu đã làm ra bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, thuộc hạ của tướng này là Cốc Tuấn Sơn (Gu Junshan) – cũng đang bị giam giữ và điều tra – đã cho con gái Xu một thẻ ngân hàng (debit card) trị giá 3,2 triệu đô la làm quà cưới.
Gu đã bán "hàng trăm" chức. "Nếu một đại tá [không nằm trong diện đề bạt] muốn trở thành một thiếu tướng, ông đã phải trả tới 4,8 triệu đô la" một nguồn tin nói với Reuters.
Đó là một số tiền lớn. Trong hầu hết các đội quân chuyên nghiệp, hối lộ như vậy sẽ không đáng giá. Nhưng trong quân đội TQ, một chi trả như thế là một khoản đầu tư. Cấp bậc của một sĩ quan càng cao thì càng có nhiều cơ hội làm giàu.
Daniel Hartnett, một nhà phân tích về TQ tại Tổng công ty CNA, nói với War is Boring rằng tham nhũng có thể làm hỏng khả năng quân sự của quân đội TQ, ít nhất bằng "việc cản trở khả năng của quân đội TQ phát triển sĩ quan của mình."
"Nếu sĩ quan đang mua chức, như những cáo buộc gần đây, điều có thể có nghĩa là những người cần được thăng chức do tài đức có thể đã không được đề bạt. Và những người đang được nâng chức, không nhất thiết phải là có tài" Hartnett nói.
Hối lộ có thể làm tổn thương PLA theo những cách khác, Hartnett giải thích. "Mặc dù quá trình mua sắm PLA thường là một hộp đen, sẽ là một kết luận hợp lí rằng một số – thậm chí có thể nhiều – quyết định mua sắm không nhất thiết được thực hiện với lợi ích tốt nhất của PLA trong đầu. Mua mặt hàng này, và nhận được một lại quả, ngay cả khi mặc hàng đó là kém chất lượng hoặc không nhất thiết cần tới."
Tham nhũng cũng có thể tạo ra một vết nứt rộng giữa người dânTQ và PLA. "Nếu quân đội được coi là một tổ chức tham nhũng, như nó là vậy trong những năm đầu thập niên 1980 ở TQ, ủng hộ tổng thể cho quân đội TQ có thể bị suy giảm," Hartnett nói. "Điều này là quá nặng nề so với những lời tán tụng của quân đội rằng họ là kẻ gìn giữ danh dự và tính toàn vẹn cho TQ, rằng họ đã làm việc rất cật lực để phát triển trong hơn hai thập niên vừa qua."
Tinh thần trong các sĩ quan PLA đã giảm mạnh trong bối cảnh vụ bê bối Cốc Tuấn Sơn. Theo Reuters, "Nhiều người sợ bị trừng phạt. Những người có thể đi qua nhờ lên chức thì bất mãn."
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã nhiều lần được đưa tin qua việc thúc giục quân đội TQ "chuẩn bị cho chiến đấu." Điều đó có thể có vẻ hiếu chiến, nhưng nhìn dưới ánh sáng của vấn đề tham nhũng của PLA, Tập Cận Bình có thể nói với các sĩ quan ngưng việc kiếm tiền và hãy làm công việc của mình.
"Không một quốc gia nào có thể đánh bại TQ," một chính ủy PLA hàng đầu đã được trích dẫn khi nói về chính sách đối ngoại. "Chỉ có tham nhũng của chính chúng ta mới có thể tiêu diệt chúng ta và khiến lực lượng vũ trang của chúng ta bị thua mà không qua đánh nhau."
Đồ trong bảo tàng
Mặc dù ngân sách quốc phòng ngày càng tăng, kho vũ khí của TQ vẫn tràn ngập thiết bị lạc hậu. PLA đang có 7.580 xe tăng chiến đấu chủ lực – nhiều hơn so với quân đội Mĩ. Nhưng chỉ có 450 chiếc trong số xe tăng này thuộc loại 98A và loại 99 – là gần hiện đại, với súng 125 mm, vỏ giáp composite, hệ thống nhún hiện đại và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.
Tất cả trong khoảng 5.000 xe tăng M-1 của Mĩ đều hiện đại.
7.130 xe tăng khác của TQ – một vài trong số đó có hình ở đây – đều cùng là thế hệ sau của loại xe Liên Xô T- 55 tạo thành lực lượng thiết giáp của Bắc Kinh vào những năm cuối thập niên 1980... và đã lỗi thời thậm chí ngay lúc đó.
Trung Quốc cũng có rất nhiều máy bay chiến đấu. Giữa lực lượng không quân Quân đội nhân dân và cánh không quân của Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân, TQ tự hào có không ít hơn 1.321 máy bay chiến đấu, một đội máy bay chỉ hơi nhỏ hơn đội của Mĩ.
Nhưng lực lượng không quân của TQ tương tự như vậy vẫn duy trì máy bay phản lực chủ yếu là lỗi thời. Trong số 1.321 máy bay chiến đấu, chỉ có 502 chiếc là hiện đại – 296 chiếc là biến thể của Su-27 của Nga và 206 chiếc J-10 thuộc thiết kế bản địa. Còn lại 819 máy bay chiến đấu – hầu hết là J-7, J-8 và Q-5 – thuộc thiết kế thập niên 1960 được xây dựng trong thập niên 1970. Các máy bay này sẽ không thọ lâu trong một cuộc chiến tranh nóng.
Lực lượng hải quân là trong tình trạng tốt nhất, nhưng điều đó không nói lên gì nhiều. Tàu khu trục của PLAN và tàu khu trục nhỏ là khá mới, nhưng tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh là một tàu cũ của Liên Xô đóng lại từ những năm 1980. Sau một đợt tái trang bị 9 năm, Liêu Ninh bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển năm 2011.
Liêu Ninh có kích thước bằng một nửa kích thước của tàu sân bay hạng siêu, lớp Nimitz của Mĩ và chở được một nửa số máy bay của tàu này. Vì Liêu Ninh thiếu một máy phóng nên máy bay chiến đấu J -15 của hải quân TQ phải sử dụng một đoạn đường trượt để cất cánh và điều đó làm giới hạn tải trọng và tầm hoạt động của chúng. Liêu Ninh thiếu radar và máy bay tiếp nhiên liệu, những thứ cho phép các tàu mặt bằng của Mĩ sức mạnh chiến đấu tầm xa.
Tàu ngầm là một lãnh vực có vấn đề khác của PLAN. Hơn một nửa trong số 54 tàu ngầm của TQ hiện đại có nghĩa là, được đóng trong vòng 20 năm qua. Hạm đội ngầm hiện đại của Bắc Kinh bao gồm các lớp Thương (Shang), Hán (Han), Nguyên (Yuan) và Tống (Song). Tất cả bốn lớp đểu do người TQ đóng. Tất cả đều thua kém rõ rệt so với thiết kế phương Tây.
Các tàu ngầm còn lại củaTQ, đặc biệt là những tàu cổ điển lớp Minh của thập niên 1980 là hoàn toàn lỗi thời.
PLAN đã ngưng sản xuất lớp Shang năng lượng hạt nhân sau khi chỉ đóng ba chiếc – một dấu hiệu đáng ngại. Hơn nữa, Bắc Kinh đã đặt hàng với Nga đến bốn tàu ngầm lớp Kalina, báo hiệu một sự thiếu tin cậy vào các thiết kế tại chỗ.
Nhiều ẩn số chưa biết
Một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của sức mạnh quân sự của TQ là tất cả thiết bị (hardware) đều mới, thiết kế và sản xuất tại chỗ. Bắc Kinh đang xây dựng tàu, máy bay, máy bay không người lái và xe tăng mới mà vẻ bên ngoài, dường như sánh được với vũ khí của phương Tây. Nhưng chúng ta biết rất ít về các loại vũ khí tự chế của TQ. Cụ thể, chúng ta không biết liệu có thứ nào trong đó thực sự sử dụng được hay không.
Trong một nỗ lực sớm để hiện đại hóa quân đội TQ, trong thập niên 1980 TQ tăng cường quan hệ với các nhà thầu quốc phòng phương Tây. Bắc Kinh đã mua máy bay trực thăng, máy bay, động cơ, thiết bị điện tử hải quân và đạn dược. Sau đó, vào năm 1989, chính phủ TQ sát hại sinh viên ủng hộ dân chủ gần quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh. Mĩ và châu Âu nhanh chóng áp đặt lệnh cấm vận vũ khí.
Trung Quốc quay sang Nga, nhưng Nga lại muốn bán thành phẩm sang TQ hơn là giúp nước láng giềng này tự phát triển ngành công nghiệp đó. Bắc Kinh nhận ra họ sẽ phải hoàn toàn tự mình phát triển vũ khí.
Điều đó không phải là dễ dàng. Trên toàn thế giới, chỉ có Hoa Kì vẫn có công nghệ, chuyên môn và năng lực công nghiệp để tự mình làm ra tất cả các thiết bị quân sự. Điều này vô cùng tốn kém.
Nhiều vũ khí "mới" của TQ thật ra là thiết kế của nước ngoài mà các công ty nhà nước của Bắc Kinh đã được cấp phép, đánh cắp hoặc dày công phân tích cấu tạo. Máy bay trực thăng Trường Hà Z-8 (Changhe Z-8) có gốc là chiếc Super Frelon của Pháp. Máy bay trực thăng trinh sát Cáp Nhĩ Tân Z-9 (Harbin Z-9) vốn là trực thăng Dauphin của châu Âu. Xe tăng loại 99 là một kiểu cập nhật kiểu T-72 của Liên Xô.
Chắc chắn, không phải tất cả các thiết bị mới của PLA đều là một điều vượt trội. Nhưng "tự chế" không nhất thiết đồng nghĩa với "tốt." Trong nhiều trường hợp, chúng ta chỉ có thể đoán chất lượng của vũ khí. Nói cho cùng, TQ không có tự do báo chí.
Chẳng hạn, nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình J-20, đã bay thử nghiệm vài chục lần kể từ khi xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2010. Máy bay lớn góc cạnh này có vẻ nâng tầm hoạt động xa và tải trọng lớn, nhưng tính tàng hình của nó khó mà đánh giá. Hệ thống điều khiển điện tử, khí động học, vũ khí và thiết bị cảm biến và đặc biệt là động cơ của nó – đều có vấn đề.
Thiết kế J-20 có vẻ phải chờ động cơ mới do TQ phát triển để thay thế cho nguyên mẫu AL-31N do Nga sản xuất. TQ đang tiến hành công việc cho những động cơ này, nhưng chưa có thành công thấy được, kể từ đầu những năm 1990.
Điều quan trọng là nên nhớ rằng máy bay chiến đấu phối hợp mới nhất F-35 (Joint Strike Fighter) của Mĩ bay lần đầu tiên vào năm 2006 và vẫn chưa sẵn sàng cho chiến đấu cho đến năm 2016. Hoa Kì có kinh nghiệm phát triển máy bay chiến đấu tàng hình. TQ thì không. Nếu chúng ta cũng cứ cho TQ 10 năm tính từ chuyến bay đầu tiên tới lúc sẵn sàng cho đánh trận, J- 20 sẽ chưa phải là một máy bay chiến đấu ở tuyến đầu cho đến năm 2021. Đó là mức sớm nhất.
Thông số kĩ thuật của tàu khu trục phòng không loại 052C/D của PLAN cho thấy chúng có vẻ rất giống với tàu chiến phương Tây, chẳng hạn như chiếc Darings của Vương quốc Anh hoặc chiếc Arleigh Burkes của Mĩ. Nhưng chúng ta không biết các tàu này xây dựng khó khăn mức nào, hệ thống phòng không làm việc kết hợp với radar theo từng mảng pha tốt đến cỡ nào hoặc các tên lửa của tàu đó chính xác và đáng tin cậy thế nào.
Khi nói đến phát triển vũ khí, TQ bắt đầu sau Nga và phương Tây rất xa và đang phải vật lộn để bắt kịp. Và chúng ta không được quên rằng chính cái chính phủ đang phát triển tất cả các thiết bị này cũng là nguồn duy nhất cho thông tin về thiết bị mới đó. Vào lúc này, hoài nghi về các loại vũ khí của TQ là khôn ngoan.
Hàng xóm canh chừng
Hành vi hung hăng của TQ ở biển Hoa Đông và Biển Đông đã thúc đẩy nhiều nước láng giềng kết nhóm với nhau hoặc tìm kiếm sự hậu thuẫn của các đồng minh lớn mạnh hơn. Nhật Bản là trung tâm cho rất nhiều thỏa thuận hợp tác.
Bị giới hạn về chính trị và hiến pháp trong những loại hành động trực tiếp nào mà họ có thể thực hiện để đối phó với TQ, Nhật Bản đang xây dựng mối quan hệ với các nước láng giềng bất mãn khác của TQ và với các nước phương Tây. Tokyo hiện đang đàm phán với Úc, Anh, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Canada và Hoa Kì.
Hợp tác hậu cần, cùng phát triển thiết bị quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung và viện trợ liên quan đến an ninh đều nằm cả trên bàn làm việc.
Việt Nam, một cừu địch từ xa xưa của TQ, đã bắt đầu xây dựng một quân đội theo hướng chống lại quân đội TQ. Họ đã mua máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 của Nga và bốn tàu khu trục Gepard. Việt Nam thậm chí còn mua tàu ngầm lần đầu – 6 chiếc Kilo diesel-điện cải tiến của Nga loại tân tiến hơn các chiếc Kilo của chính hải quânTQ.
Hà Nội tăng cường quan hệ nước ngoài. Ấn Độ sẽ đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam. Việt Nam cũng đã gợi ý để cho các tàu nước ngoài sử dụng cảng tại Vịnh Cam Ranh, nhưng có khả năng rút lại vì điều đó sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với TQ.
Philippines, bị khóa trong một cuộc giằng co với TQ ở bãi cạn Scarborough (Ayungin Shoal), đã bắt đầu xây dựng lại hải quân và không quân, đã mua tàu tuần duyên cũ của Mĩ cho hải quân và hàng chục máy bay chiến đấu nhẹ TA-50 của Hàn Quốc cho không quân. Manila đã đồng ý cho Mĩ sử dụng và đóng quân tại các căn cứ quân sự của họ.
Châu Á có thể sẽ không tập hợp lại thành một liên minh mới kiểu NATO trong tương lai gần. Các đối thủ của TQ chưa sẵn lòng chấp nhận một sự hội nhập quân đội chặt chẽ như vậy. Hầu hết đều không sẵn sàng để chiến đấu vì nước khác. Nhiều nước trong số đó, dù cảnh giác với sự xâm lược của TQ, vẫn còn có quan hệ kinh tế mạnh mẽ đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên, mức độ hợp tác sẽ làm phức tạp bất kì động thái quân sự nào của TQ. Không nhất thiết rằng Bắc Kinh có ý định xâm lược... bất cứ ai. Bao giờ hết. Sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế là lực lượng hoà quyện nhau cho phép một chính phủ định hình môi trường của mình một cách hòa bình và chống lại ý chí của đối thủ.
Câu hỏi lớn là, khi nào thì TQ bắt kịp Mĩ về quân sự?
Sẽ chẳng bao giờ.
"TQ sẽ già đi trước khi giàu lên”, bây giờ là một sáo ngữ trong các nhà quan sát TQ. Nhưng đó là sự thật. Làn sóng nhân khẩu học từng trao cho TQ một nguồn lao động phong phú cũng sẽ sớm chuyển đổi đất nước này thành nhà nghỉ hưu lớn nhất thế giới.
Chính sách "một con" của Bắc Kinh càng làm xu hướng này thêm gay gắt. Hiện nay TQ có 16 người về hưu trên 100 người đi làm. Dự phóng cho thấy số đó tăng thành 64 người về hưu trên 100 đi làm vào năm 2050, kết quả là dân số xám xịt hơn nhiều so với ở Mĩ.
Điều này có tác động gián tiếp – nhưng nghiêm trọng – đối với quốc phòng của TQ. Hầu hết người dân TQ không có lương hưu trí và ở tuổi già họ phải dựa vào tiết kiệm cá nhân hoặc gia đình ... một mệnh đề khó khăn khi chỉ có một con để chăm lo cho hai cha mẹ.
Nếu Bắc Kinh muốn duy trì tiết kiệm và năng suất gia đình thì sẽ phải xây dựng một loại hệ thống phúc lợi xã hội nào đó. Và điều đó có nghĩa là thực hiện một số lựa chọn khó khăn.
Biên giới củaTQ là an toàn. Mĩ, Nhật Bản và Ấn Độ không thể lật đổ TQ. Nhưng hàng chục triệu gia đình tuyệt vọng TQ có thể làm như vậy và rất có thể, nếu Bắc Kinh không thể tìm ra một cách nào đó để chăm sóc cho họ khi có tuổi.
Trung Quốc có vũ khí hạt nhân. Nó được cai trị bởi một chế độ độc tài, dân tộc chủ nghĩa sâu sắc với một lịch sử đối xử tàn tệ đối với chính công dân của mình. Họ có nhiều yêu sách lãnh thổ xung đột với các nước khác và một ngân sách quốc phòng tăng 8% mỗi năm. Theo dõi thận trọng TQ là sáng suốt.
Tuy nhiên, TQ là một tên khổng lồ khập khiễng có nhiều vấn đề sâu rộng và có tính hệ thống. Một vài vấn đề trong số đó, đặc biệt là vấn đề công nghệ là có thể giải quyết được. Vấn đề nhân khẩu học thì không như vậy. Và đó là lí do lớn nhất mà con rồng giấy không tạo ra một mối đe dọa lớn với phần còn lại của thế giới trong dài hạn.
K. M.
Dịch giả gửi BVN.
No comments:
Post a Comment