Ấn Độ thử nghiệm thành công vụ phòng tên lửa Agni V - REUTERS /DRD
Theo hãng tin AFP, hôm nay 31/01/2015, Ấn Độ lần đầu tiên đã thử nghiệm thành công dùng bệ phóng di động để phóng tên lửa hạt nhân tầm xa có khả năng vươn tới lãnh thổ Trung Quốc, đối thủ lớn của Ấn Độ.
Đây là lần thử thứ 3 thành công của loại tên lửa tầm xa Agni V, nhưng đây là lần đầu tiên thử nghiệm trên bệ phóng di động lắp đặt trên xe tải. Thành công này sẽ làm tăng thêm khả năng linh hoạt của lực lượng tác chiến của Ấn Độ.
Tên lửa Agni V được đưa vào thử nghiệm từ hồi tháng Tư năm 2012, có tầm bắn 5.000 km. Theo các chuyên gia , tên lửa Agni V có khả năng vươn tới các mục tiêu xa ở tận phía đông bắc Trung Quốc, nơi có nhiều căn cứ quân sự.
Agni, theo tiếng Phạn ( Ngôn ngữ cổ của Ấn Độ) có nghĩa là lửa, được dùng đặt tên cho các loại tên lửa được nước này triển khai chế tạo từ năm 1983.
Loạt đầu tiên là các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chủ yếu nhắm vào các mục tiêu ở Pakistan, một kẻ thù truyền đời của Ấn Độ. Với phiên bản tầm xa mới, Agni dường như hướng tầm ngắm về phía Trung Quốc, đối thủ hàng đầu của Ấn Độ tại châu Á hiện nay.
Ấn Độ, một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, gần đây đã đưa ra chương trình hiện đại hóa quốc phòng với mức chi phí lên tới 100 tỷ đô la Mỹ.
Tàu ngầm HQ-184 Hải Phòng đã được lai dắt vào quân cảng Cam Ranh, sau hành trình kéo dài một tháng rưỡi, theo truyền thông Việt Nam.
Đây là tàu ngầm lớp Kilo thứ ba trong số 6 chiếc mà Việt Nam đặt Nga đóng theo hợp đồng 6 tỷ đô-la ký cuối năm 2009.
Tàu chở hàng Rolldock Star mang theo chiếc HQ-184 đã khởi hành từ cảng ST.Petersburg, Nga, từ hôm 16/12, theo hãng thông tấn Interfax.
Tàu này đã về đến Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào tối ngày 28/1, trước khi tiến vào quân cảng Cam Ranh vào lúc 12 giờ trưa ngày 31/01, nhiều tờ báo Việt Nam cho biết.
Trước đó, hai tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.HCM đã được bàn giao từ đầu năm và giữa năm 2014.
Các tàu còn lại sẽ mang tên Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chiếc HQ-185 Đà Nẵng đã bắt đầu được thử nghiệm từ hồi đầu năm ngoái.
Năm 2009, Việt Nam và Nga ký hợp đồng cung cấp sáu chiếc tàu ngầm trị giá hơn 2 tỷ đô-la.
Các tàu ngầm Việt Nam mua từ Nga là các tàu ngầm Dự án 636 lớp Varshavyanka, được xây dựng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi ở St Petersburg.
Tàu ngầm Kilo là tàu ngầm thế hệ thứ ba. Đây là loại tàu ngầm hiện đại, trên có hệ thống tên lửa chống hạm Club của Nga.
Tàu ngầm lớp Kilo có lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 m và có thể lặn sâu tối đa 300 m và có tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người, theo số liệu từ truyền thông trong nước.
'Căn cứ tàu ngầm'
Hải cảng Cam Ranh đang được Việt Nam phát triển thành nơi có căn cứ tàu ngầm.
Hồi cuối năm ngoái, thông tấn xã Nga đưa tin Việt Nam và Nga đã ký thỏa thuận liên chính phủ giản lược thủ tục cho tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh.
Hãng Itar-Tass dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay thỏa thuận này được ký hôm 25/11 tại thành phố biển Sochi trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng tới Nga.
Nguồn tin quốc phòng Nga nói theo thỏa thuận ký hôm 25/11, các tàu Nga khi vào cảng Cam Ranh chỉ cần thông báo trước cho ban quản lý cảng mà không cần thêm thủ tục gì khác.
Cũng theo nguồn này, Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Syria có thỏa thuận như trên với Nga.
Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Nga cho hay từ năm 2014 không quân nước này đã bắt đầu sử dụng sân bay Cam Ranh ở Việt Nam cho các phi vụ tầm xa.
Bản tin đăng trên trang mạng của bộ này hôm 4/1 nói vào năm ngoái, Nga lần đầu tiên sử dụng sân bay ở tỉnh Khánh Hòa miền Trung Việt Nam để hạ cánh máy bay vận tải Il-78 vốn dùng để tiếp dầu trên không cho chiến đấu cơ ném bom Tu-95MS.
Loại chiến đấu cơ mang theo tên lửa này có biến thể sử dụng để tuần tra biển, vẫn theo Bộ quốc phòng Nga.