Mỹ - Việt rà soát mối quan hệ đang phát triển
- 3 giờ trước
Hai mươi năm trước, Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Vào hôm 26/1, các nhà ngoại giao đã gặp nhau tại một hội nghị ở Hà Nội để đánh giá xem hai nước đã đi được bao xa.
Mặc dù bầu không khí chung là lạc quan, với sự đồng thuận rằng đã có được tiến bộ trong việc thực hiện các chủ đề quan trọng như kinh tế và mậu dịch, nhiều người cũng đề cập tới các lĩnh vực có vấn đề hơn như nhân quyền.
"Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, hai nước chúng ta đã thành công trong việc chuyển hóa từ kẻ thù thành bè bạn, và sau đó đi tới đối tác toàn diện", Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết trong hội nghị do Học viện Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, DC (CSIS) đồng tổ chức.
Cả hai phía đều cảm nhận được về những gì đã đạt được.
"Chúng ta đã đi qua một chặng đường rất dài về sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau," cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak nói. "Cả hai bên đều muốn mối quan hệ này được thành công."
Trong khi lối hùng biện kiểu này là phổ biến cho bất kỳ sự kiện chính trị nào, cả hai nước đều có nhiều lý do để tăng cường mối quan hệ.
"Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ lợi ích chính trị và an ninh đang ngày càng có điểm chung", ông Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc cho biết. Ông dẫn chiếu tới lợi ích chung trong “việc đối phó với cách tiếp cận áp đảo của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông bằng cách hỗ trợ giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua việc sử dụng luật pháp quốc tế" cùng với việc giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như buôn ma túy, buôn bán người và nâng cao năng lực cho tìm kiếm, cứu hộ và cứu trợ thiên tai.
"Việt Nam muốn Mỹ duy trì sự cân bằng sức mạnh hiện nay", ông Thayer nói.
Trong khi đó, Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược "xoay trục về châu Á" mà Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo khác đã nhiều lần kêu gọi kể từ năm 2011.
"Chúng tôi đang dành nhiều nguồn lực hơn cho châu Á. Nhiều người nói điều nay sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương và tôi nghĩ rằng đó là sự thật, " cựu Đại sứ Michalak nói.
Trong những năm gần đây, hai nước đã tăng cường hợp tác chính trị và an ninh đáng kể. Murray Hiebert, Phó ban Đông Nam Á từ viện CSIS, chỉ ra việc hợp tác giữa hai quân đội như "hỗ trợ và đào tạo về nhận thức chủ quyền biển theo đó sẽ giúp Việt Nam tăng cường sự hiểu biết của mình về những diễn biến ở Biển Đông" và việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam hồi tháng 10/2014.
Theo chính sách mới này, Mỹ có thể bán thiết bị quốc phòng sát thương cho Việt Nam cho "mục đích an ninh hàng hải" – đây là bước quan trọng để chống lại thách thức ngày càng tăng trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương phụ thuộc vào việc Việt Nam chứng tỏ được "tiến bộ đáng kể về nhân quyền." Mặc dù hai nước cam kết sẽ thảo luận về những vấn đề này trong thỏa thuận hợp tác toàn diện của họ vào tháng Bảy năm 2013, nhiều sự khác biệt vẫn chưa được giải quyết.
"Chúng tôi muốn thấy sự cởi mở hơn trong việc quản trị [governance]," ông Michalak nói. "Chúng tôi bàn về các chủ đề nhân quyền, nhưng trên thực tế đó là vấn đề quản trị, tính minh bạch, tham nhũng, nhà nước pháp quyền. Đó là chủ đề mà chúng ta cần nhiều cuộc thảo luận và thỏa hiệp hơn".
Vikram Singh, Phó Chủ tịch Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ và cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng cho khu vực Nam và Đông Nam Á, bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam đã có "tiến bộ" trong lĩnh này - mặc dù chậm hơn trong các lĩnh vực như mậu dịch, tức là liên quan tới đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP dự kiến đạt được trong năm nay.
"Sự căng thẳng giữa mục tiêu tổng thể của Việt Nam và những gì diễn ra trên thực tế như tôn trọng bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận sẽ không được giải quyết một cách nhanh chóng. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có tiến bộ,” ông Singh nói và dẫn chiếu tới con số các tù nhân chính trị ít hơn và "kiểu thoáng hơn" về tự do báo chí. "Tôi không nghĩ rằng Việt Nam bị lên án là mô hình Trung Quốc, nơi mà không có tự do ngôn luận và báo chí bị kiểm duyệt."
Mặc dù Việt Nam có thể không đi theo Trung Quốc trong chính sách tự do ngôn luận, người hàng xóm phương Bắc hiện là một trở ngại trong quan hệ đối ngoại. Giới lãnh đạo Việt Nam lo ngại rằng "gần Hoa Kỳ quá sẽ phải trả giá trong mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc," như ông Thayer nhận định. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất an ngày càng tăng về việc nơi Trung Quốc sẽ mang sức mạnh tới chỗ nào, nhiều người ủng hộ chính sách gây dựng quan hệ với Hoa Kỳ.
"Việt Nam hoan nghênh vai trò lớn hơn của Hoa Kỳ trong khu vực, và chúng tôi tin rằng việc Hoa Kỳ tham gia sâu rộng vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương là có lợi cho tất cả", Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nói.
"Có lợi" ở đây là yếu tố mấu chốt.
"Việt Nam hoan nghênh vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực miễn là nó đóng góp - trong mắt người Việt - vào hòa bình, hợp tác và phát triển," ông Thayer nói.
No comments:
Post a Comment