Đài Loan hoãn mở rộng cảng trên đảo Ba Bình vì nghi có vốn Trung Quốc
Đảo Ba Bình có chu vi 2,8 km với diện tích 43,2 hecta, được bao bọc bởi một vòng đá san hô (Google Map)
Bộ Quốc phòng Đài Loan vào hôm qua, 12/01/2015 xác nhận trước Quốc hội rằng họ đã tạm thời đình chỉ công trình mở rộng cầu cảng trên đảo Ba Bình (Itu Aba) tại vùng quần đảo Trường Sa. Lý do rất đặc biệt : Chính quyền bị tố cáo là đã thuê một chiếc tàu do Trung Quốc bỏ tiền ra đóng để chuyển vận vật liệu xây dựng.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cao Thiên Trung (Kao Tien-chung) đã xác nhận việc tạm hoãn công trình trên đảo mà Đài Loan gọi là Thái Bình, khi trả lời chất vấn của một dân biểu,
Theo nhật báo Đài Loan China Post, trong thời gian gần đây, nhiều dân biểu đối lập đã đặt câu hỏi về quyết định của chính phủ thuê một chiếc tàu « có yếu tố Trung Quốc » để vận chuyển vật liệu xây dựng đến đảo. Đối với một số dân biểu thuộc đảng Đảng Dân Tiến, việc sử dụng chiếc tàu này trong đề án mở rộng bến cảng ở đảo Ba Bình rất đáng quan ngại cho vấn đề an ninh quốc gia của Đài Loan.
Như để biện minh cho chính phủ, dân biểu Lâm Úc Phương (Lin Yu-fang) thuộc Quốc Dân Đảng đang cầm quyền, cho rằng đình chỉ công trình vì các cáo buộc của phe đối lập là một điều vô lý vì chiếc tàu, dù được đóng lên bằng vốn Trung Quốc, nhưng lại được đăng ký tại Libya, chứ không phải là tại Trung Quốc.
Đối với dân biểu này, Đài Loan cần xúc tiến trở lại càng sớm càng tốt công trình trên đảo Ba Bình vì Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo và mở rộng các đảo đá họ đang chiếm đóng trong khu vực.
Đặc biệt đáng lo ngại là công trình trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc, nhưng đã bị Bắc Kinh lấn chiếm từ năm 1988.
Trung Quốc đã bồi đắp, mở rộng rạn san hô mang tính chiến lược quan trọng này, biến nó thành thực thể địa lý lớn nhất quần đảo Trường Sa, rộng gấp ba lần đảo Ba Bình (0,5 km2), cho đến nay từng được cho là đảo lớn nhất ở Trường Sa.
Vấn đề là Bắc Kinh đang hoàn tất một phi đạo dài 2.000 mét trên Đá Chữ Thập, sẽ cho phép các chiến đấu cơ hiện đại của Trung Quốc cất cánh và hạ cánh, kể cả loại Su-27 của Nga hay J-7 và J-8 của Trung Quốc.
Theo Lực lượng Tuần duyên Đài Loan, chịu trách nhiệm kiểm soát đảo Ba Bình, một khi được hoành thành, cầu cảng mới trên đảo này có thể tiếp nhận loại tàu chiến đến 3.000 tấn, tức là lớn gấp đôi các chiếc Đinh Tiên Hoàng, hay Lý Thái Tổ của Việt Nam
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment