Hạm đội tàu mới của Trung Quốc khiến các nước “rùng mình”?
“Trung Quốc có tàu sân bay”. Cái tiêu đề ấy đủ để khiến không ít các tướng lĩnh quân đội Mỹ và những nước lân cận phải rùng mình, khi có tin Trung Quốc có ý định đưa tàu Liêu Ninh vào sử dụng.
Trước tin đó, Nhật Bản đang chế tạo thêm 2 tàu sân bay mới để có thể phòng vệ trước Trung Quốc. Và rồi, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, và gần như tất cả các nước trong vùng Đông Nam Á, đã thực thi kế hoạch chi tiêu quốc phòng lên đến hàng tỉ USD nhằm theo kịp sự phát triển của quân đội Trung Quốc.
Sĩ quan hải quân Trung Quốc trên boong tàu sân bay Liêu Ninh. |
Vấn đề là, Trung Quốc đã trở thành nước có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới. Thật khó để các nước xung quanh có thể theo kịp. Dần dần, những thông tin bắt đầu xuất hiện về việc Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ hai. Và thứ ba, thứ tư, thậm chí là một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nhưng đây có thể là bất ngờ đáng sợ nhất. Theo trang tin DefenseNews.com, Trung Quốc không những chế tạo tàu sân bay với tốc độ nhanh chóng mặt, mà còn đang dần biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Một tàu sân bay đứng một mình sẽ là mục tiêu lớn nhất ở trên biển. Để điều phối một cách hiệu quả, tàu sân bay phải có các tàu hộ tống, bao gồm nhiều tàu chiến bao quanh nhằm bảo vệ tàu sân bay khỏi bị tấn công. Ví dụ, đối với Hải quân Mỹ, một nhóm tàu sân bay tiêu chuẩn bao gồm mẫu hạm, một tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường (để phòng không) và 3 hoặc 4 chiến hạm hộ vệ tên lửa (để phòng thủ các mục tiêu trên và dưới lòng biển).
Thêm vào đó là các tàu cung cấp đạn dược, nhiên liệu (cho đoàn hộ tống) và 1 hoặc 2 tàu ngầm hạt nhân, một đội tàu sân bay sẽ có trên 10 tàu chiến đi cùng. Chi phí chế tạo những con tàu hộ tống này rất lớn, một đội tàu chiến như thế tiêu tốn gấp 2 hoặc 3 lần bản thân chi phí của tàu sân bay, tức là lên đến hàng chục tỷ USD
Lính hải quân Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải. |
Đó là một khoản chi phí rất lớn. Nhưng Trung Quốc, với ngân sách quốc phòng hàng năm lên đến 200 tỉ USD, khoản đó có thể chi trả được. Theo trang tin DefenseNews, Trung Quốc gần đây đã hạ thủy chiến hạm lớp Lan Châu thứ năm. Trung Quốc đang trên đường xây dựng một hạm đội gồm 14 tàu chiến lớp Lan Châu và Côn Minh được trang bị tên lửa, cùng với 6 tàu tuần dương Type 055, đủ để hộ tống 4 tàu sân bay mà Trung Quốc được cho là đang chế tạo.
Theo các nhà phân tích quốc phòng ở công ty AMI International, hạm đội này có thể hoàn thành vào năm 2024, và vào lúc đó, chúng sẽ nhiều hơn số lượng tàu mà Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại có được.
Theo quan sát của AMI, các nước trong khu vực sẽ coi quá trình phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc là “mối đe dọa chủ yếu đối với an ninh khu vực”. Chắc chắn, các nước lân cận với Trung Quốc sẽ phải mua thêm tàu chiến để chống lại mối lo ngại này.
AMI trước đó đã ước tính các nước Châu Á – Thái Bình Dương sẽ dành 200 tỉ USD để mua tàu ngầm và các tàu chiến trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2032. Trong khoảng thời gian này, khoản tiền này sẽ chiếm khoảng 25% của toàn bộ hoạt động chi tiêu quốc phòng trên khắp thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, với lợi nhuận tiềm tàng rất lớn, các công ty quốc phòng Mỹ sẽ muốn giành lấy thị phần của mình, cụ thể là trong lĩnh vực tàu chiến.
Một chiến hạm của Hải quân Trung Quốc đậu tại căn cứ Ngong Shuen Chau ở Hồng Kông. |
Gần đây, quyết định của Quốc hội Mỹ là dành 843 triệu USD để cải tiến và nạp thêm nhiên liệu cho tàu sân bay USS George Washington thay vì cho tàu ngừng hoạt động. Điều này có lẽ là vì Hải quân Mỹ không muốn để Trung Quốc “thu hẹp khoảng cách giữa các tàu sân bay”. Hải quân Mỹ cũng chú trọng đầu tư cho các loại tàu chống hạm và chống tàu ngầm, cụ thể là các loại Tàu chiến Ven biển (LCS), một phần có thể là bởi sự phát triển của Trung Quốc. Điều này có thể mang về khoảng 16 tỉ USD lợi nhuận cho các hãng Lockheed Martin, General Dynamics và Austal.
Trong khi đó, 3 công ty trên cũng được lợi nhiều nhất trong cuộc chạy đua vũ trang đang âm ỉ ở vùng Thái Bình Dương. Nhằm dàn trải chi phí chế tạo tàu tuần duyên LCS, cả Lockheed, General Dynamics và Austal đã thiết kế các phiên bản LCS để bán cho các khách hàng nước ngoài. Những phiên bản quốc tế tàu LCS với chi phí thấp này rất có thể sẽ phù hợp với các nước lân cận Trung Quốc vốn có ngân sách hạn hẹp.
Cho dù thế nào đi chăng nữa, một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ mang lại rất nhiều lãi đối với các nhà đầu tư vào các hãng đóng tàu chiến của Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…
No comments:
Post a Comment