Monday, January 19, 2015

Trung Quốc lộ rõ dã tâm bằng 'quái vật khai thác dầu'?

Trung Quốc lộ rõ dã tâm bằng 'quái vật khai thác dầu'?


(Quan điểm) - Hỏa lực mồm của Trung Quốc khẳng định với con quái vật giàn khoan nửa chìm này, Trung Quốc sẽ đạt được mọi mục tiêu.

Ngày 11/01/2015, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin Xưởng Nantong Cosco đã cho đi thử đường dài một giàn phục vụ sinh hoạt ngoài khơi kiểu nửa chìm nhưng có hình dáng đặc biệt, đó là hình trụ với tên gọi là “Hy Vọng 07”. Chúng ta thử phân tích xem chiếc giàn này có những gì đặc biệt.
Tại sao lại làm giàn hình trụ?
Như ta đều biết, những giàn nửa chìm thông thường có hai phần: pông tông ngâm nước và phần nổi trên mặt nước. Hai phần đó được nối với nhau bằng những cột chống. Trên phần nổi trên mặt nước, ta lắp đặt các thiết bị khoan khai thác dầu như trên các tàu khoan hay các thiết bị xử lý chế biến như trên các FPSO (  (floating production, storage, and offloading system - hệ thống nổi chế biến, lưu trữ, và dỡ hàng).
Cũng là giàn nửa chìm nhưng nay trông nó thật đơn giản, chỉ gồm một ống hình trụ, và giàn nửa chìm đó có thể là tàu khoan, FPSO hay cả giàn phục vụ sinh hoạt. Thoạt đọc qua bài báo trên “Hoàn Cầu Quân Sự”, ta có thể nhầm tưởng rằng kiểu thiết kế giàn hình trụ tròn là phát minh của nhà máy Nantong Cosco Trung Quốc.
Trên thực tế không phải như vậy. Đó là sáng kiến của Công ty Sevan Marine có trụ sở tại Arendal Na Uy, một đơn vị chuyên chế tạo và khai thác các giàn khoan có hình trụ.
Giàn sinh hoạt Hy vọng 7 của Trung Quốc
Giàn sinh hoạt Hy vọng 7 của Trung Quốc
So với các giàn nửa chìm thông thường, giàn hình trụ này có những ưu điểm:
- Có tính độc lập với các định hướng của môi trường. Giàn trụ đáp ứng một cách độc lập với hướng gió, hướng sóng và dòng chảy và có thể chọn lựa tối ưu hướng thích hợp. Tình trạng gió tạo sóng theo các hướng khác nhau không ảnh hưởng tới hoạt động của giàn vì các dao động lắc ngang và chúi dọc rất nhỏ. Cho nên không cần tốn công suất để điều hóa các dao động và tiêu thụ công suất trong trường hợp sóng và dòng theo hai hướng khá nhỏ.
- Khả năng chịu tải trọng trên boong khá cao. Do dự trữ lượng chiếm nước và ổn định khá lớn của giàn hình trụ, nên các tải trọng chịu được trên boong có thể lên tới 15.000 tấn. Khả năng dự trữ lớn nên giảm đáng kể công tác cung cấp thêm tức là giảm giá thành logistic.
- Chế tạo đơn giản: Do hình trụ giản đơn nên có thể đóng giàn theo phương pháp truyền thống tức là lắp ráp từ các phân tổng đoạn với những mô đun lớn là những nhát cắt thân trụ của giàn. Phần dưới có thể lắp ngay trên đà tàu hay ụ khô, sà lan nổi.
Từ ngày thành lập vào năm 2001 tới nay, Sevan đã thiết kế và cho chế tạo 5 chiếc FPSO và 4 tàu khoan, tất cả đều được đóng tại Trung Quốc, trong đó có 2 chiếc được đóng tại Xưởng Yantai Raffles, một xưởng tại Yên Đài Sơn Đông liên doanh của Tập đoàn container Trung Quốc CIMC với Singapore còn 7 chiếc đều được đóng tại Xưởng Nantong Cosco tại Nam Thông Giang Tô, một xưởng thuộc Tập đoàn hàng hải Cosco.
Thế nào là giàn sinh hoạt?
Để phục vụ cho con người sinh sống làm việc trên các giàn khoan hay các giàn chế biến dầu ngoài khơi, người ta có những biện pháp sau đây:
- Bố trí khu vực sinh hoạt cho con người ngay trên các giàn đó.
- Sử dụng một giàn sinh hoạt tách khỏi giàn công tác, và bố trí cầu nối với nơi công tác. Giàn sinh hoạt có thể là một phương tiện đóng mới hoàn toàn hay được cải hoán từ một giàn công tác cũ.
Giàn Hy vọng 7 khi chuẩn bị hạ thủy
Giàn Hy vọng 7 khi chuẩn bị hạ thủy
Trong lịch sử dầu mỏ người ta thường nhắc tới vụ tai nạn giàn Alexander Kielland, một giàn khoan tại mỏ Ekofisk Biển Bắc mang tên nhà văn nổi tiếng người Na Uy, cách bờ Scotland khoảng 320 km, và là sở hữu của Công Ty dầu mỏ Mỹ Phillips. Sau 40 tháng hoạt động, giàn thôi không làm nhiệm vụ khoan nữa mà chuyển sang làm khách sạn, nơi trú ngụ cho nhân viên giàn Edda gần đó.
Ngày 27/03/1980, trong khi hầu hết mọi người đang tụ tập xem phim thì một chân giàn bị gãy khiến giàn lật nhào. Trong số 212 người trên giàn, 123 người đã chết, một vụ tai nạn khốc liệt nhất trong lịch sử khai thác dầu Na Uy.
Bởi vậy, với giàn sinh hoạt, vấn đề an toàn sinh mạng được đặt lên hàng đầu. Giàn “Hy Vọng số 7” phục vụ cho 490 con người sinh sống dài ngày giữa biển khơi đặt ra hàng loạt yêu cầu an toàn, an ninh cần phải giải quyết
Giàn nửa chìm hình trụ “Hy Vọng số 7”
Như đã nói ở trên ,7 giàn nửa chìm hình trụ hoạt động trong vùng nước sâu dùng làm FPSO hay tàu khoan đều mang tên “Hy Vọng”, đó là tên loạt giàn khoan này tại Xưởng Nantong Cosco, trong khi tên thực tế là những con tàu bắt đầu bằng chữ Sevan (công ty chủ xướng Na Uy).
Ví dụ chiếc tàu khoan “Hy vọng 3” theo cách gọi tại nhà máy trong khi tên nó là Sevan Lousiana; hay chiếc “Hy Vọng số 4” có tên thương phẩm là Sevan Brasil.
Tới chiếc “Hy Vọng số 7”, giàn này không phải là tàu khoan hay FPSO, tức là nó không làm công tác mà chỉ giành cho con người sinh sống, đó là giàn nửa chìm hình trụ dùng cho sinh hoạt mà tên thương phẩm là Arendal Spirit tức là “Tinh thần của thành phố Arendal” - một trung tâm dầu mỏ của Na Uy.
Kết cấu của một giàn sinh hoạt nửa chìm hình trụ
Kết cấu của một giàn sinh hoạt nửa chìm hình trụ
Vậy chúng ta thử khảo sát xem giàn này có gì đặc biệt mà tờ báo “Hoàn Cầu Quân Sự “ (armystar.com) dám rút title một bài báo “Trung Quốc khai triển một quái vật trên Nam Sa (tức biển Đông), Việt Nam hoàn toàn  hết ảo tưởng” (中国在南沙又部署一怪物 越南彻底死心)?
Đó là giàn nửa chìm hình trụ lượng chiếm nước khoảng 40.000 tấn, làm chỗ ăn ở sinh hoạt cho 490 người.
Giàn là một khối trụ đường kính 60 mét, đường kính boong chính 66 mét, chiều cao mạn 27 mét, mớn nước thao tác là 14 mét (so với tàu sân bay Liêu Ninh có mớn nước 10,5 mét thì mớn này cũng chẳng có gì là lớn), diện tích mặt boong công tác là 2200 mét vuông, nhận cấp đăng kiểm của DNV Na Uy.
Giàn sử dụng hệ định vị động học DP3 với 6 chiếc chân vịt định vị (thruster) quay 360 độ loại Azipod do tập đoàn ABB cung cấp với tổng công suất là 5535 kW. Ngoài ra, giàn còn được neo giữ bằng hệ neo thông thường với 9 điểm chằng buộc.
Khu vực sinh hoạt gồm 98 buồng đơn cho 1 người, 196 buồng đôi cho 2 người, tổng cộng có 490 chỗ ăn ở. Giàn được thiết kế với tuổi thọ hoạt động là 20 năm. Đây là kết quả của sự hợp tác thiết kế và chế tạo giữa Xưởng Nantong và công ty Teekay Offshore, một chi nhánh của Sevan Marine Na Uy.
Như đã trình bày ở trên, Nantong đã có cả một quá trình hợp tác lâu dài với Na Uy, từ chiếc Hy Vọng số 1 tới chiếc số 7 này, tất cả đều là giàn hình trụ và đây là chiếc dùng cho sinh hoạt.
Tập đoàn ABB có trụ sở tại Thụy Sĩ đã trúng hợp đồng cung cấp toàn bộ thiết bị điện và tự động hóa cho chiếc giàn nay cũng như nhiều giàn khoan đóng tại Trung Quốc, không chỉ chân vịt lái thruster Azipod mà còn bảng phân phối điện, các máy phát, các máy biến tần…
Chủ chiếc giàn này theo công bố là công ty Logitel Offshore có trụ sở tại Singapore , một chi nhánh của Sevan,với tên giàn là  Arendal Spirit, với mã nhận dạng hệ vệ tinh toàn cầu MMSI là 311000278,số IMO của nó là 9757046.
Kết cấu giàn khoan nửa chìm dùng Pông tông thông thường
Kết cấu giàn khoan nửa chìm dùng Pông tông thông thường
Bình luận của Hoàn Cầu Quân sự

Với tựa đề “Trung Quốc khai triển một quái vật trên Nam Sa (tức biển Đông), Việt Nam hoàn toàn hết ảo tưởng” (中国在南沙又部署一怪物 越南彻底死心),một bài báo trên trang Hoàn Cầu Quân Sự cho là:
- Ngay bước vào năm mới 2015 đã có tin vui với TQ. Người Việt Nam vẫn thường lên án TQ cải tạo các hòn đảo là nhằm thay đổi bản đồ biển Đông, thì đây, một kỳ quan nhân tạo do chúng tôi tạo ra sẽ xuất hiện trên biển.
- Nam Sa Quần đảo (tức Trường Sa của Việt Nam) cách đảo Hải Nam ít nhất là 1500 km, thật quá xa. Cùng với việc cải tạo các đảo, các công trình ngoài khơi này nhất định sẽ biến Nam Hải (biển Đông) trở thành nội hải tức biển nội địa của Trung Quốc.
- Bố trí một giàn “Hy Vọng 7” tại Nam Sa Quốn đảo (Trường Sa) cũng là bố trí thêm một căn cứ quân sự.
Họ còn có những dự báo cụ thể có tính đe dọa:
- Vào năm 2015, tại Nam Sa sẽ tạo cho Việt Nam một cú chấn động đáng kể.
- Năm 2015 là một năm đặc biệt (不平凡). Học thuyết chiến lược của Hoa Kỳ có một điểm (共识gongshi ) consensus, đó là nếu vào năm 2015 mà TQ không thành công thì cơ hội không bao giờ tới!
Chẳng cần bình luận, toàn bộ dã tâm của TQ với những công trình ngoài khơi này cùng với các giàn khoan, tàu khoan, tàu kéo, tàu khảo sát biển, tàu khảo cổ… đang được khai triển ồ ạt trong thời gian qua và những năm sắp tới!
  • Đỗ Thái Bình

No comments:

Post a Comment