'Việt - Mỹ thân nhau: TQ lo ngại bị cô lập'
- 7 giờ trước
Trung Quốc lo ngại bị 'cô lập' và 'bao vây' một khi Việt Nam và Hoa Kỳ cải thiện quan hệ và xích lại gần nhau, theo nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ từ Hà Nội.
Trao đổi với Bàn tròn Trực tuyến của BBC tuần này nhân dịp Việt Nam và Mỹ đang đánh dấu tròn 20 năm hai nước cựu thù bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ.
"Thật ra Trung Quốc với Việt Nam và một số nước ở khu vực Đông Nam Á hiện nay đang có vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
"Đặc biệt chính vì thế mà quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ cải thiện hơn, người Trung Quốc cũng có lo ngại của riêng họ là Hoa Kỳ quay trở lại khu vực châu Á thì có thể thực hiện một chính sách bao vây, hoặc là cô lập Trung Quốc.
"Trung Quốc có một số quan ngại của họ mà vì thế quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có cải thiện, thì có thể họ cũng có ý kiến, lo ngại về mối quan hệ này, rằng nó có thể ảnh hưởng đến vấn đề bao vây rồi hạn chế sự phát triển của Trung Quốc."
Theo PGS. Lợi, ngoài vấn đề 'trở ngại trong thời gian gần đây' nói trên, trong quan hệ Việt - Mỹ hiện nay còn có một trở ngại chính thứ hai, đó là vấn đề 'hồ sơ dân chủ - nhân quyền' của Việt Nam mà nhà nghiên cứu còn gọi là 'khác biệt'.
"Vấn đề về dân chủ, nhân quyền là một vấn đề có từ lâu rồi, hai bên cũng có những khác biệt về vấn đề này, nhưng tôi nghĩ rằng là những vấn đề dân chủ, nhân quyền hai bên cũng đã có những trao đổi.
"Tôi nghĩ rằng năm 2014 vừa rồi, hai bên cũng đã có những gặp gỡ và trao đổi với nhau và có những hiểu biết nhau nhiều hơn, tất nhiên những khác biệt vẫn còn nhưng những giải quyết như ví dụ của 2014, tôi cho rằng là những ví dụ rất tốt, hai bên cùng hợp tác, ngồi trao đổi với nhau và cùng giải quyết những vấn đề về khác biệt về dân chủ, nhân quyền.
"Tôi cho đây là vấn đề cũng có những trở ngại nhưng cũng có những bước tiến," ông Lợi nói.
'Đã tin tưởng ở nhau?'
Đánh giá về quan hệ Việt - Mỹ hiện nay và triển vọng, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng hiện tại hai bên đã 'sẵn sàng' cho các bàn thảo đi vào các nội dung 'quan trọng nhất', 'chiến lược nhất' mà hai bên cùng quan tâm.
Tuy nhiên, cũng tại Bàn tròn hôm thứ Năm, nhà báo tự do, blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, tù nhân lương tâm mới được Việt Nam trao trả tự do và đang ở Hoa Kỳ, đặt vấn đề liệu hai bên đã thực sự có đủ 'lòng tin' với nhau hay chưa, và niềm tin đó đặt trên những cơ sở nào.
Blogger Điếu Cày nói: "Thứ nhất quan hệ ngoại giao giữa hai nước với nhau thì cần quan hệ dựa trên niềm tin, và ở đây đặc biệt những vấn đề kinh tế như ý kiến của anh Đặng Xương Hùng đã nói, chúng ta có thể đàm phán trên quyền lợi của mỗi bên.
"Nhưng về an ninh và quốc phòng, nó phải dựa trên niềm tin và ở đây niềm tin được xây dựng giữa hai nước, thì nó phải là niềm tin thực sự.
"Chứ không phải niềm tin mà không đáng được quan tâm, mà lại xây dựng được niềm tin.
"Cụ thể ở đây, thứ nhất về vấn đề như anh Đặng Xương Hùng nói, đây chỉ là những nhu cầu tình huống của chính quyền Việt Nam thôi, thế còn xây dựng niềm tin với những đối tác thì hoàn toàn không có.
"Ở đây vấn đề như anh Lợi (PGS. Cù Chí Lợi) có nói vấn đề khác biệt giữa hai bên về vấn đề nhân quyền, tôi xin nói là Việt Nam và Mỹ cùng tham gia vào các Công ước Quốc tế, vì vậy chuẩn mực của công ước quốc tế là cái mà hai bên cùng phải theo đuổi để đáp ứng vấn đề nhân quyền.
"Chứ không thể có sự khác biệt vì hai bên đều là thành viên của các công ước đó. Còn vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam và đặc biệt là vấn đề xây dựng pháp luật ở Việt Nam, để có một môi trường pháp luật minh bạch cho người dân, cho cả những nhà đầu tư nước ngoài, kể cả nhà đầu tư Hoa Kỳ, thì ở Việt Nam, môi trường pháp luật rất kinh khủng...
"Đó là việc hiện nay Việt Nam, chính báo chí Việt Nam đăng, là đang có hàng chục ngàn văn bản dưới luật có nội dung trái luật. Như vậy, các quyền của người dân, của doanh nghiệp có thể bị vi phạm bất cứ lúc nào, trong khi các quyền đó được nêu trong Hiến pháp, trong luật và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết," ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, nói với Bàn tròn từ California.
'Cẩn thận kẻo bị thí'
Ông Đặng Xương Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoai giao, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ nói với Bàn tròn của BBC về điều mà ông cho rằng Việt Nam cần lưu ý trong chính sách ngoại giao 'đa phương', cố 'đi dây' cân bằng các quan hệ với các đối trọng hiện nay.
Trước hết, ông Hùng bình luận về việc liệu Việt Nam đã thực sự 'nghiêm túc, chiến lược, dài hạn' hay chưa trong quan hệ Việt Mỹ, hay đây mới chỉ dừng ở 'hình thức', 'nhất thời' và 'tình thế' trong quan hệ với Mỹ hiện nay.
Ông nói: "Sau khi trong nước không phát biểu gì về Giàn khoan (Hải Dương 981), thì Mỹ đã phát biểu về giàn khoan, lên án Giàn khoan, và sau khi Mỹ lên án thì Giàn khoan đã được rút...
"Còn ý tiếp theo, nó không phải là chiến lược, bởi vì cái này người Mỹ đã nhìn thấy là nó chỉ mới dừng ở mức hình thức, do đó khi lãnh đạo Việt Nam, nhất là ông Trương Tấn Sang đã sang và đề nghị nâng quan hệ lên 'Đối tác chiến lược', thì người Mỹ đã chỉ chấp nhận đối tác toàn diện thôi...
"Người Mỹ trong những bước đưa ra cho Việt Nam, đưa ra rất nhiều khuyến khích như là công nhận (nền) kinh tế thị trường, rồi ký TPP, rồi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, tất cả những cái đó đều kèm những giai đoạn nhất định nào đó, thì người ta nghĩ rằng quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn phải dựa trên một quan hệ tin cậy lẫn nhau, phải đi từ hai phía, chứ không phải chỉ đi từ một phía. Tất nhiên hai bên đều có nhu cầu.
Cho rằng Việt Nam cần 'nhanh chân' trong mối quan hệ Việt - Mỹ, ông Hùng nói thêm:
"Bởi vì nếu không nhanh chân trong quan hệ Việt - Mỹ, thì Việt Nam sẽ rất dễ rơi vào việc là tiến tới sự hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc, và Việt Nam lúc đó lại tiếp tục rơi vào việc là 'con bài thí' trong sự hòa hoãn của các nước lớn," cựu quan chức ngoại giao VN nói với BBC.
'Cơ hội nâng đẳng cấp'
Hôm thứ Năm, nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng ban Việt ngữ của BBC nói vớiTọa đàm về điều được cho là 'cơ hội nâng đẳng cấp' của quốc gia đối với Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay và hướng tới dài hạn.
Nguyễn Giang nói: "Nếu chúng ta nhìn ra toàn cầu, thì gần như ở khu vực nào, Hoa Kỳ cũng đang có quá trình 'engagement' tức là quá trình tham gia hội nhập và gợi mở để hội nhập, cho rất nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ như ở Tây Bán Cầu gần nhất là Cuba, thì gần đây Hoa Kỳ có thái độ cởi mở hơn và cử những phái đoàn cao cấp sang và nối lại.
"Và như chúng ta biết tuần này, ông Fidel Castro cũng có những bài viết nói là hoan nghênh, như vậy là gần như mối quan hệ nó sẽ được bình thường hóa đi rất nhanh. Nhưng cùng lúc Hoa Kỳ cũng có thái độ cô lập Venezuela chẳng hạn.
"Ở châu Âu, mọi người đều thấy là Hoa Kỳ cũng có một cái gọi là 'ván bài' tương tự. Tức là ủng hộ những nước nhỏ hơn ở Đông Âu, nhưng mà đang kiềm chế nước Nga.
"Thì nhìn sang Đông Á, chúng ta thấy có vẻ cũng tương tự như vậy, tất nhiên nó có những bối cảnh khác ví dụ như là Hoa Kỳ muốn ngăn ngừa sự lan ra của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, nhưng đồng thời hỗ trợ rất mạnh cho các quốc gia đồng minh lâu đời và những đối tác mới như là Việt Nam.
"Thì đây là một cơ hội, nhìn rộng ra thì cơ hội rất là lớn cho Việt Nam với tư cách một quốc gia, một dân tộc, có thể lợi dụng cơ hội này để nâng đẳng cấp của quốc gia lên về mặt khoa học kỹ thuật, cũng như về mặt quân sự, cũng như các lĩnh vực khác.
"Và tất nhiên quan hệ với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ luôn luôn phải có thôi và càng tốt thì cũng sẽ tốt chung cho cả các nước, chứ không ai nghĩ là Việt Nam và Trung Quốc phải đi đến một xung đột gì.
"Thế nhưng mà nhìn rộng ra thì Hoa Kỳ đang ở giai đoạn rất, có thể nói là, ưu ái với Việt Nam," nhà báo Nguyễn Giang nêu quan điểm.
'Kỳ vọng của giới trẻ'
Khép lại cuộc Tòa đàm nhân tròn 20 năm 'Quan hệ Việt - Mỹ' của BBC, một sinh viên Việt Nam đang du học năm thứ nhất ở Đại học Cornell, New York, Hoa Kỳ về lĩnh vực 'kỹ nghệ hóa học' chia sẻ với BBC về kỳ vọng, mong muốn của mình về quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai.
Sinh viên Hoàng Phong nói với Bàn tròn trực tuyến:
"Hiện nay như mọi người cũng biết có rất nhiều học sinh Việt Nam đang đi du học ở Mỹ, có con số khoảng từ 16.000 đến 19.000 học sinh (sinh viên) Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ.
"Thứ nhất, đối với giáo dục thì nếu có một mối quan hệ Việt - Mỹ tốt hơn, thì dĩ nhiên điều đầu tiên mà học sinh và giới trẻ mong muốn là cơ hội được tiếp nhận với nền giáo dục Mỹ, nền giáo dục phương Tây, trong khi mà nền giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn còn đang có rất nhiều điều cần phải giải quyết.
"Điều thứ hai của giới trẻ có lẽ là một nhu cầu khi mà được tiếp xúc với phương Tây và thấy được rằng phương Tây có những điểm khác biệt về mặt văn hóa, xã hội.
"Ví dụ như là vấn đề tự do ngôn luận, quan điểm của phương Tây rất là khác với quan điểm của Việt Nam, nhất là quan điểm của Mỹ - là một nước tương đối đề cao vấn đề tự do ngôn luận trong xã hội.
"Thì có lẽ giới trẻ Việt Nam, như bản thân tôi, cũng cảm thấy rằng là một sự tiếp xúc với những định hướng xã hội khác này là một điều rất quan trọng để giới trẻ Việt Nam có một định hướng phát triển mới trong tương lai.
"Nó có thể là không phải làm theo định hướng bây giờ của phương Tây và thế giới, nhưng định hướng mới ấy nó có thể dung hòa một cách tốt hơn những quan điểm hiện nay ở Việt Nam với cả quan điểm chung," du học sinh năm thứ nhất, Hoàng Phong, nói với Bàn tròn về bang giao Việt - Mỹ của BBC.
No comments:
Post a Comment