Chống tham nhũng : Tập Cận Bình thừa cơ hiện đại hóa quân đội
Các tân binh mới tuyển mộ của quân đội Trung Quốc đang đợi lên tàu tại Hồ Nam, ngày 13/12/2012.REUTERS/China Daily
Nhật báo Le Figaro số ra ngày cuối tuần 03/01/2014, đặc biệt quan tâm đến chiến dịch bàn tay sạch, diệt tận gốc « cả hổ lẫn ruồi » do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng. Nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ, đặc biệt là các vị chức sắc trong quân đội lần lượt bị rơi rụng. Theo quan điểm của Le Figaro, « Tập Cận Bình tận dụng chiến dịch bàn tay sạch để hiện đại hóa quân đội giải phóng nhân dân ». Đó cũng là tựa đề của bài viết.
Nhật báo nhận định, hiện đại hóa quân đội là một cuộc chiến dài hơi. Vào lúc mà cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới đang trên đà qua mặt Hoa Kỳ, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng muốn tự trang bị một công cụ quân sự xứng với tầm vóc tham vọng của mình. Nhưng chính thái độ ngập ngừng của quân đội, nhất là lục quân, bộ phận quyền lực nhất lại cản trở những cải cách mà ông Tập Cận Bình mong muốn thực hiện.
Le Figaro trích phân tích của giáo sư Ding Shuh-Fan, chuyên nghiên cứu về quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, thuộc trường Đại học Notre Dame (University of Notre Dame) tại Đài Bắc, cho rằng : « Vấn đề tham nhũng trong lòng quân đội rất là nghiêm trọng. Nhưng ông Tập tận dụng cơ hội sử dụng các cuộc điều tra về nạn lạm dụng công quỹ để gạt bỏ các đối thủ chính trị của mình. Hiện tại, vẫn còn nhiều người phản đối các dự án cải cách, do những dự án này đe dọa rất nhiều đến quyền lợi của nhiều người, nhất là trong lục quân. Với việc điều tra chống lại ông Từ Tài Hậu, rất nhiều tướng lĩnh đã sợ và đành phải chấp nhận ».
Tập Cận Bình có tham vọng biến đội quân chân đất do Mao Trạch Đông sáng lập thành một lực lượng có khả năng lao vào các mặt trận Thái Bình Dương, mạng Internet và cả trong không gian. Ngay trong kỳ Đại hội đảng lần 3, vào tháng 11 năm 2013, Tập Cận Bình cam kết tăng cường sức mạnh cho quân đội, giải tán bớt những tiểu đoàn không tham chiến. Ý định của ông là giảm bớt vai trò của lục quân và tăng cường cho hải quân và không quân. Tiến hành hiện đại hóa cơ cấu chỉ huy bằng cách hình thành nhiều bộ tham mưu nằm dưới sự chỉ đạo của một bộ chỉ huy tập trung.
Sau ba lần thực hiện cải cách – 1985, 1997 và 2003, quân số trong quân đội giảm một cách đáng kể từ 4 triệu xuống còn 2,3 triệu quân nhân. Tuy vậy, quân đội Trung Quốc vẫn là đội quân đông nhất hành tinh … được ví như là một người khổng lồ mà tính hiệu quả và chất lượng hoạt động vẫn chưa ngang tầm. Theo mô hình, quân đội Trung Quốc được phân chia theo bảy quân khu, với mục tiêu ban đầu là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước sự xâm nhập của Liên Xô cũ và nhằm đảm bảo sự kiểm soát của Đảng lên cả nước.
Việc tái phân định lại các vùng đang là trọng điểm trong dự án của ông Tập Cận Bình. Theo đánh giá của các nhà phân tích, đội quân mới mà ông Tập muốn đưa ra sẽ được chuẩn bị cho một cuộc đối đầu hiển nhiên với Nhật Bản – quốc gia có năng lực hải quân được cho là cao hơn của Trung Quốc nhiều. Rộng hơn nữa là nhằm nắm lấy kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông, những nơi mà Bắc Kinh liên tiếp đòi hỏi chủ quyền. Nhận thức được sự thiếu vắng kinh nghiệm, bản thân Tập Cận Bình từng khẳng định rằng phải biến quân đội thành một lực lượng có « khả năng chiến đấu và thắng các cuộc chiến ».
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Ding Shuh Fan, chuyên gia nghiên cứu về quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, thuộc đại học Notre Dame tại Đài Bắc, « Quân đội Trung Quốc đang trở thành tác nhân chính. Để bảo vệ một cách hiệu quả các lợi ích của mình, quân đội có thể phải dựa vào hải quân. Nhưng bất chấp những tiến bộ được thực hiện trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc vẫn chưa có được trình độ cao nhất ngang tầm với những nhiệm vụ chiến đấu. Trung Quốc cũng mong muốn tham gia ngày càng nhiều hơn nữa vào những nhiệm vụ duy trì hòa bình. Thế nhưng, quân đội Trung Quốc vẫn chưa có được tầm vóc của đội quân hiện đại nhất, bất chấp những khoản ngân sách không ngừng gia tăng ».
Tướng Trung Quốc « bị xử » vì thích sưu tầm « vàng ròng »
Trở lại với chiến dịch « bàn tay sạch » đang diễn ra trong quân đội, Le Figaro trong bài viết đề tựa « Nạn tham nhũng chưa từng có, quân đội Trung Quốc trong giai đoạn thanh trừng », tường thuật lại sở thích xa hoa, phù phiếm chưa từng thấy trong giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc.
Chỉ trong vòng có vài tháng, ông Tập Cận Bình đã đưa ra một danh sách đầy ấn tượng những con báo mà ông săn được trong quân đội. Đứng đầu danh sách là ông Cốc Tuấn San - nguyên Tổng cục phó Hậu cần và Từ Tài Hậu – cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương và gần đây nhất là bà thiếu tướng Cao Tiểu Yến – Phó Hiệu trưởng trường Công nghệ thông tin trực thuộc quân đội.
Khám xét tại nhà tướng Cốc và tướng Từ, các nhà điều tra phát hiện cả một kho báu Alibaba chứa hàng trăm ký lô vàng ròng, nhiều bức tượng Phật hay tượng Mao Trạch Đông được đúc bằng vàng khối hay bằng ngọc thạch, hàng chục chiếc ngà voi hay tấm da hổ quý vùng đông bắc Trung Quốc, đồ cổ, bức họa, bức thư pháp cổ thời Tần, Tống, Minh… và hàng ngàn két rượu Mao đài.
Theo tiết lộ của tuần san Hồng Kông Phoenix tuần rồi, những khoản lợi bất hợp pháp thu được tại nhà tướng Cốc lên đến 30 tỉ nhân dân tệ (tương đương với 4 tỉ euro). Ông này còn sở hữu một khu dinh cơ sang trọng, được thiết kế theo mô hình Tử Cấm thành tại tỉnh Hà Nam. Lực lượng an ninh phải mất ít nhất hai đêm, sử dụng đến 4 chiếc xe quân sự chở khoảng 20 binh sĩ để khuân vác toàn bộ kho báu của Cốc Tuấn San.
Tại nhà tướng Từ Tài Hậu, các nhà điều tra còn tìm thấy một tấn tiền mặt bằng đô-la, euro và nhân dân tệ. Để có thể chuyển hết kho báu của tướng Từ, hàng chục xe quân sự đã phải được huy động. Cả hai tướng Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn San, đều đã bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng cũng như quân đội, sắp tới đây sẽ bị đưa ra xét xử trước tòa án quân sự với các tội danh tham ô, lạm dụng quyền lực.
Theo Le Figaro, chống tham nhũng trong quân đội đã từng được thực hiện trong những năm 1990 bằng cách cấm quân đội làm kinh doanh. Thế nhưng, do thiếu các biện pháp kiểm soát đã dẫn đến những hành động sai lệch, làm tổn hại đến thanh danh của quân đội. Đến mức ông Tập Cận Bình ra lệnh cấm quan chức nhà nước mua xe hãng nước ngoài. Vào tháng 09/2014 vừa qua, nhân cuộc điều tra nội bộ, quân đội Trung Quốc phát hiện ra rằng nhân sự của mình đã chiếm hữu « một cách phi pháp » hơn 8100 chỗ ở và 25000 phương tiện giao thông.
Bán đảo Triều Tiên : Hy vọng giảm căng thẳng mong manh
Cũng tại Châu Á, nhật báo Le Monde dẫn độc giả đến vùng bán đảo Triều Tiên. Trong thông điệp truyền hình đầu năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên bất ngờ tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán cấp cao với Seoul. Theo quan sát của nhật báo, Bình Nhưỡng đang tìm cách đưa đất nước ra khỏi sự cô lập.
“Hy vọng hạ nhiệt mong manh giữa hai miền Triều Tiên” là tựa đề nhận định của bài viết. Phải mất đến một năm sau, Bình Nhưỡng mới đáp lại lời đề nghị của Seoul, do Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đưa ra hồi đầu năm rồi. Lời đề nghị đó cũng được Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl Jae nhắc lại vào ngày 29/12/2014 vừa qua.
Tại Seoul, thông điệp của Kim Jong Un được các chuyên gia đón tiếp một cách dè dặt do những kinh nghiệm trong quá khứ. Tuy nhiên, thông báo của Kim Jong Un được cho là gây bất ngờ do được đưa ra vào lúc căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, nhất là sau vụ tin tặc tấn công hãng Sony Pictures mà Bình Nhưỡng bị nghi là thủ phạm.
Thông điệp có vẻ mang tính hòa giải, nhưng Kim Jong Un cũng không quên kêu gọi chấm dứt các đợt tập trận chung Mỹ-Hàn hằng năm, vốn dĩ làm dấy lên các căng thẳng trên bán đảo. Nhưng theo đánh giá của Le Monde thái độ cởi mở của Kim Jong Un với người anh em thù nghịch phía Nam về mặt cơ bản cho thấy có hai sự tiến triển mới.
Về mặt nội bộ, ngày 17/12/2014 vừa qua là ngày giỗ thứ ba của cố Chủ tịch Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) đã khép lại một trang sử quốc gia, khép lại một giai đoạn đã qua. Nhưng năm 2015 cũng là dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương. Tháng 08/1945, nước Nhật bại trận trả độc lập lại cho Triều Tiên. Nhưng nền độc lập đó lại bị xé tan, đất nước bị chia rẽ do các cường quốc. Đây cũng là dịp để Kim Jong Un nhấn mạnh đến vai trò lịch sử của dòng họ Kim : cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân Nhật Bản. Như vậy, hai sự kiện lớn này sẽ giúp Kim Jong Un khởi xướng một tầm nhìn mang đậm tính chất cá nhân hơn.
Hôm qua thực hiện một số cải cách kinh tế như đổi mới quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã nhằm đưa kinh tế thoát khỏi khó khăn. Hôm nay lãnh đạo Bắc Triều Tiên lại có một cuộc phản công ngoại giao nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng cô lập. Việc xích lại gần Nga (cùng mừng lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại Matxcơva vào 09/05/2015, dự án hợp tác kinh tế, thái độ đồng cảm của Kremli trong vụ Sony Pictures…) có thể giúp Bắc Triều Tiên thoát dần vòng kềm tỏa kinh tế của Trung Quốc.
Do đó, việc nối lại đàm phán với Hàn Quốc rất có thể cũng xem đem lại cho Bình Nhưỡng chút dưỡng khí, vốn đang bị các lệnh trừng phạt quốc tế đè nặng, và rất có thể khiến Hoa Kỳ xem xét lại chính sách « chiến thuật kiên nhẫn » đối với Bắc Triều Tiên.
Địa Trung Hải, mồ chôn trên biển
Việc tuần duyên Ý kịp thời cứu hộ một chiếc thuyền chở hàng trăm người di cư bị bỏ rơi ngoài khơi phía Nam nước Ý hâm nóng mục thời sự quốc tế các báo Pháp. Đây là chiếc thứ ba được phát hiện chỉ trong vòng có hai tuần. Nếu tính tổng cộng trong ba tháng gần đây, con số này lên đến 15 chiếc.
« Thuyền chở người di cư, Châu Âu bất lực » tựa của Libé ration. « Những chiếc thuyền ma trên Địa Trung Hải » bài viết của Le Monde. « Chiến lược gian ác mới của những kẻ dẫn đường cho người di cư » là hàng tựa của Le Figaro.
Vào tối thứ Sáu vừa qua, lực lượng tuần duyên Ý đã cứu hộ chiếc tàu Ezadeen, chở theo 450 người di cư bị bỏ rơi ngoài khơi Calabres, phía Nam đất nước. Cách đó ba ngày, vào ngày 30/12/2014, một chiếc khác mang tên Blue Sky M ; chở theo 800 người, không thủy thủ đoàn, lao thẳng về phía vách đá bờ biển Pouilles đã may mắn được tuần duyên Ý can thiệp kịp thời, kiểm soát được chiếc tàu.
Hầu hết các tờ báo Pháp đều lên án hành động vô nhân đạo của các tổ chức đưa người di cư trái phép vào Châu Âu. Các báo còn nhận thấy là để đối phó với các biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư do Châu Âu đề xướng, các tổ chức buôn người đã có những thay đổi chiến thuật nham hiểm hơn. Thay vì dùng những xuồng máy nhỏ như trước đây, các băng đảng tội phạm thời gian gần đây sử dụng những tàu chở hàng cũ kỹ, nhưng có thể chở được đông người. Do bởi, đưa người vượt biển Địa Trung Hải để đi vào Châu Âu đang là một thị trường béo bở.
Theo giải thích của tờ Le Parisien, « Trên những chiếc tàu đó, mỗi đầu người phải chi trả 6.000 euro cho chuyến vượt biển, thay vì là 1.250 cho đến 3.300 trên những thuyền máy nhỏ ». Từ thông tin đó, Libération làm một phép tính. « Cứ mỗi tàu chở 500 người, những tổ chức đưa người trái phép bỏ túi từ 500.000 cho đến một triệu euro : với mức giá đó, chúng có thể mua được những chiếc tàu chở hàng đã quá đát và bỏ rơi chúng ngoài biển ». Điều đó giải thích vì sao những người di cư bị « bỏ rơi trên những chiếc tàu rác » do thủy thủ đoàn đã rời tàu ngay khi chiếc tàu vào hải phận.
Mạng lưới buôn người đã thay đổi điều mà Le Figaro gọi là « chiến thuật mới (…). Mua những chiếc tàu gần như cũ nát mắc nhất cũng chỉ mất có vài trăm ngàn đô-la, rõ ràng là trong tầm tay của những kẻ buôn người ». Theo tờ báo, có nhiều nguyên nhân giải thích cho việc thay đổi chiến thuật của các tổ chức đưa người.
« Đầu tiên, làn sóng tị nạn người Syria. Tiếp đến, chiến dịch Mare Mostrum kết thúc. Một chiến dịch tìm kiếm có hệ thống các thuyền chở đầy người tị nạn. Theo đó những chiếc thuyền này buộc phải báo động. Cuối cùng, điều kiện thời tiết trên biển mùa đông và tình hình an ninh xuống cấp tại Libya đã buộc những tổ chức đưa người phải tìm những điểm xuất phát mới xa hơn và như vậy phải cần đến những chiếc thuyền lớn hơn ».
Theo con số thống kê của HCR được Libération trích dẫn lại, trong năm 2014, trung bình mỗi ngày có 550 người tìm cách vượt Địa Trung Hải, tức khoảng 207.000 người trong cả năm. Hơn 3400 người đã bỏ mình trên biển, tức khoảng 9 người/ngày. Với những con số đó, giờ có thể gọi « Địa Trung Hải, mồ chôn trên biển » theo như một tựa đề bài viết trên Libération.
No comments:
Post a Comment