Friday, January 30, 2015

Trung Quốc sẽ thay đổi trong vấn đề Biển Đông?

Trung Quốc sẽ thay đổi trong vấn đề Biển Đông?

hqdefault-600.jpg
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của CSIS
File photo
Trung Quốc sẽ thận trọng hơn trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đối với Việt Nam trong năm 2015. Đây là dự đoán của chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS đưa ra trong cuộc hội thảo ngày 29/1 tại Washington D.C.
Trong hội thảo có chủ đề Châu Á - Thái Bình Dương, những dự báo cho năm 2015 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS tổ chức sáng 29/1 tại Washington D.C., Mỹ, các chuyên gia dự đoán một số vấn đề được coi là trọng yếu của châu lục này trong năm 2015 như mối quan hệ giữa các nước có tầm ảnh hưởng lớn tới tình hình khu vực.
Một trong những vấn đề nóng trong khu vực này là tranh chấp lãnh hải. Đối với vấn đề Biển Đông, các chuyên gia nhận định rằng trong năm 2015, có nhiều khả năng Trung Quốc vẫn tiếp tục gây áp lực lên các nước khác nhằm khẳng định chủ quyền về đường 9 đoạn mà họ đưa ra. Tuy vậy, một điểm đặc biệt mà bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của CSIS, đưa ra đó là Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn đối với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Bà cho biết:
Tôi nghĩ là Trung Quốc thấy giật mình trước những làn sóng phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam khi họ triển khai dàn khoan dầu (PV-Hải Dương 981) ở Hoàng Sa và vào khu vực chủ quyền kinh tế của Việt Nam. Vì thế, Trung Quốc sẽ thận trọng và nhạy cảm hơn đối với các mối quan ngại của Việt Nam do điều đó có thể sẽ ảnh hưởng tới tình hình nội bộ của Việt Nam. Bắc Kinh lo ngại rằng hành vi của họ đã bắt đầu đẩy Việt Nam tiến lại gần Mỹ hơn, một điều mà họ không hề muốn thấy.
Dàn khoan dầu Hải Dương 981 được Trung Quốc đưa vào khu vực gần đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa ngày 2/5/2014. Vị trí này nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cùng với việc đặt giàn khoan, Trung Quốc còn triển khai nhiều tàu và máy bay hộ tống, ngăn chặn và uy hiếp các tàu làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Những hành vi ngang ngược này từ phía Bắc Kinh đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Việt Nam và quốc tế. Giới chức Việt Nam tuyên bố hành động của Trung Quốc là sai trái và rằng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Cùng lúc đó, các cuộc tuần hành chống Trung Quốc của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài lên cao, đòi Bắc Kinh rút giàn khoan ra khỏi hải phận Việt Nam. Giới chức các nước cũng lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc, trong đó, Mỹ nói đây là bước đi khiêu khích của Trung Quốc, rất đáng lo ngại.
Tôi nghĩ là Trung Quốc thấy giật mình trước những làn sóng phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam khi họ triển khai dàn khoan dầu (PV-Hải Dương 981) ở Hoàng Sa và vào khu vực chủ quyền kinh tế của Việt Nam.
- Bà Bonnie Glaser
Bà Bonnie Glaser cho rằng trong năm 2015, Trung Quốc có thể tiếp tục gây sức ép lên các nước cùng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên sẽ chừa Việt Nam ra. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể gây sức ép về kinh tế, quân sự lên một số nước trong khu vực, nhưng việc đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam là điều khó có khả năng xảy ra.
Khi nhắc đến những đồn đoán về việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, bà Bonnie Glaser cho rằng câu hỏi nên đặt ra ở đây không phải là “liệu có hay không” mà là “khi nào thì việc này xảy ra”. Bà nói:
Quan chức Quốc phòng Trung Quốc liên tục khẳng định rằng tình hình an ninh ở Biển Đông không có gì đáng ngại, và vì thế trong thời điểm này họ không tiến tới việc tuyên bố một khu vực ADIZ. Vì thế, nếu Trung Quốc thay đổi đánh giá của họ về tình hinh an ninh hoặc khi họ có khả năng thiết lập ADIZ họ có thể sẵn sàng thay đổi đánh giá về tình hình an ninh và sẽ tuyên bố dựng ADIZ. Tôi từng nghe các quan chức quân đội cao cấp của Trung Quốc thẳng thừng nói rằng thực thế đây là một phần trong sách lược của họ. Không quân Trung Quốc chắc chắn muốn có sự hiện diện của ADIZ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Rõ ràng, họ có kế hoạch cho điều này.
Trong khi đó, một vấn đề có thể ảnh hưởng tới mối quan tâm của Trung Quốc tới ASEAN và Biển Đông đó là khả năng căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan bùng nổ sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Phe đối lập chống Trung Quốc của Đài Loan có vẻ như đang trên đà thắng thế. Chuyên gia Christopher Johnson của CSIS nhắc lại rằng trong thập niên khi căng thẳng với Đài Loan lên cao, Bắc Kinh đã đưa ra một quyết định tập trung vào vấn đề với Đài Bắc và gác chuyện Biển Đông sang một bên.
Vậy vai trò của Mỹ như thế nào trong chuyện tranh chấp này. Các chuyên gia cho rằng Mỹ vẫn duy trì lập trường ủng hộ giải pháp hoà bình trên Biển Đông. Theo bà Bonnie Glaser, Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò trung dung trong tranh chấp ở khu vực này. Cùng lúc đó, Washington cũng hỗ trợ các nước, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, trong vấn đề hàng hải, đồng thời gây một chút áp lực lên Trung Quốc nhằm khiến nước này hợp tác với ASEAN trong việc hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.
Các dự đoán khác
Trong cuộc hội thảo này, các chuyên gia cũng đưa ra một số dự đoán trong quan hệ giữa một số nước trong khu vực cũng như quan hệ với Mỹ.
Về Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia CSIS cho rằng các trao đổi quân sự giữa hai nước sẽ tiếp tục diễn ra. Hai bên cũng đang đàm phán về một hệ thống phòng không nhằm tránh các tai nạn có thể xảy ra. Điều có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ hai bên là một tai nạn trên không hoặc trên biển xảy ra, những hậu quả về chính trị và việc hai quốc gia phải đối phó với dân chúng của chính họ, đặc biệt là về phía Trung Quốc khi phải đối phó với các cuộc biểu tình. Ngoài ra, vấn đề về an toàn an ninh mạng cũng là một vấn đề có thể ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng trong năm 2015, Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ tiến hành thử hạt nhân lần nữa. Việc đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới chính sách của Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh, chúng ta chứng kiến sự tồn tại của khối tam giác Nga-Trung-Mỹ.
- Ông Christopher Johnson
Về quan hệ Nga-Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng hai bên đang tiến lại gần nhau hơn nhờ vấn đề căng thẳng ở Ukraine. Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin dường như có một mối quan hệ thân thiết. Ông Christopher Johnson nhận định rằng trong năm 2015, quan hệ giữa hai nước này sẽ còn khăng khít hơn trong các vấn đề về quân sự và năng lượng cùng nhiều vấn đề khác nữa. Ông cho biết thêm:
Lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh, chúng ta chứng kiến sự tồn tại của khối tam giác Nga-Trung-Mỹ. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải chú ý đến nó. Nó đòi hỏi Mỹ phải khéo léo xử lý và phải hiểu rằng đó là một điều mới trong mối quan hệ này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng ý rằng việc Nga tấn công và tách một phần Ukraina ra thành một quốc gia độc lập cũng khiến Trung Quốc ái ngại. Điều đó khiến Bắc Kinh nghĩ tới Đài Loan, hòn đảo mà họ luôn khẳng định là một phần của Hoa Lục.
Các chuyên gia cũng tỏ ra ngờ vực về quan hệ Nhật-Trung đặc biệt trong thời điểm năm nay là kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai. Dù hai bên vừa thoả thuận về việc xây dựng niềm tin giữa hai bên song những tranh chấp biển đảo cùng các mâu thuẫn từ lâu trong quá khứ cản trở mối quan hệ này phát triển theo hướng tích cực.




No comments:

Post a Comment