Trung Quốc : Giấc mơ Trung Hoa và ngoại giao nước lớn
Họp báo Obama - Tập Cận Bình, ngày 12/11/2014, tại Bắc Kinh. Giấc mơ của Trung Quốc là vượt qua được Hoa Kỳ.Reuters
Trang quốc tế của nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết dài đề cập đến chính sách ngoại giao nước lớn của Trung Quốc và những hệ lụy trong quan hệ quốc tế ngày nay. Bài báo có tiêu đề : « Bắc Kinh khoác áo siêu cường ».
Mở đầu bài viết tác giả ghi nhận trong hai năm gần đây ở các sân bay, công trường xây dựng, và bây giờ thì ở hầu khắp các góc phố, tại Trung Quốc, người ta có thể bắt gặp các bảng quảng cáo cổ động cho « giấc mơ Trung hoa », một ý tưởng gắn bó với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó là giấc mơ về một dân tộc phồn thịnh và một Nhà nước-đảng hùng mạnh và khi đã trở thành cường quốc thì cách ứng xử với bên ngoài của Trung Quốc cũng phải khác. Chủ tịch Trung Quốc, trong một hội nghị toàn quốc về công tác ngoại giao hồi cuối năm 2014 đã chỉ đạo : Nước Cộng hòa Nhân dân phải có một « nền ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc ».
Le Monde cho rằng với chủ trương đó, ông Tập Cận Bình đã đoạn tuyệt với học thuyết của của Đặng Tiểu Bình đề ra vào những năm 1990, khi mà Trung Quốc đang trỗi dậy đó là chủ trương ẩn mình chờ thời ( Thao quang dưỡng hối).
Trung Quốc ngày nay đang nhận thấy cái giới hạn của chính sách ngoại giao khiêm tốn được theo đuổi trong hai thập kỷ qua. Đó là nó đã không ngăn cản được Hoa Kỳ liên tục gia tăng cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu chính sách ngoại giao « xoay trục qua châu Á » của tổng thống Mỹ Barack Obama cốt chỉ nhằm ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng nhận thấy đường lối khiêm nhường chỉ khiến cho họ không có được vị thế lấn lướt trong những tranh chấp biển đảo với Philippines, Việt Nam hay Nhật Bản.
Le Monde điểm lại : Để xứng với tầm vóc của một cường quốc, Bắc Kinh chủ trương « những con đường tơ lụa mới » ; một về hàng hải nối với châu Phi, châu Âu qua ngả Đông Nam Á ; một tuyến khác trên đất liền nối Trung Quốc với các nước Trung Á, Nga. Trên mặt trận tài chính, Trung Quốc cũng không ngần ngại đề nghị các nước châu Á –Thái Bình Dương lập ra Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Á châu, trực tiếp cạnh tranh với Ngân hàng phát triển châu Á mà Bắc Kinh vẫn cho rằng nằm dưới ảnh hưởng của Tokyo và Washington. Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng kinh tế với Washington, Bắc Kinh còn tìm cách lôi kéo hợp tác kinh tế với một số nước có vị trí địa lý gần gũi như Úc, Hàn Quốc và Indonesia.
Theo Le Monde, Bắc Kinh giờ đây đang áp dụng một chính sách ngoại giao hống hách trên gây sức ép kinh tế. Le monde điểm lại những việc như Bắc Kinh đã từng gây sức ép thành công buộc một số nước từ chối đón tiếp lãnh tụ tinh thần của người Tây tạng Đạt Lai lạt Ma. Bắc Kinh sẵn sàng đe dọa phá hỏng những cố gắng hòa giải quan hệ với Vatican. Chính sách ngoại giao nước lớn còn đặt Trung Quốc trước nguy cơ xung đột quân sự , khi hồi giữa năm 2014 họ ngang nhiên dưa giàn khoan dầu di động vào vùng thềm lục địa Việt Nam.
Những hệ lụy của ngoại giao nước lớn
Thế nhưng cách hành xử nước lớn đó cũng kéo theo những hệ lụy. Le Monde nhận định, bản thân người Trung Quốc cũng ý thức được chính sách ngoại giao nước lớn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro hơn so với vị thế trước kia của nước này.
Tờ báo dẫn phân tích của ông Diêm Học Thông, thuộc Viện quan hệ quốc tế hiện đại thuộc Đại học Thanh Hoa Trung Quốc cho rằng rủi ro ở đây « không phải là một cuộc chiến tranh với Mỹ mà là sự đối đầu quân sự với các nước láng giềng, trong đó đặc biệt với Nhật Bản ». Nhìn chung thì Trung Quốc đang tự đặt mình vào vị thế của một cường quốc hung hăng.
Còn theo giáo sư quan hệ quốc tế Trầm Đinh Lập, thuộc đại học Phục Đán thì đúng là Trung Quốc có tự tin hơn so với quá khứ nhưng còn lâu mới có được sự tự tin như Hoa Kỳ.
Theo Le Monde, trong nội bộ chế độ, một số người vẫn muốn nước Trung Quốc phải có được vị thế áp đảo hơn khi mà đất nước đang trở thành một đại cường thực thụ của thế giới. Tuy nhiên theo ông Du Tân Thiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, ông Tập Cận Bình phải cân bằng chính sách ngoại giao trên trường quốc tế. Giờ đây vừa mới nổi lên như là một cường quốc, Trung Quốc đã trở thành nguồn cơn của nhiều mối lo ngại mà ngày càng có nhiều nước châu Á và Thái Bình Dương bày tỏ một cách công khai điều này. Trung Quốc không còn là nơi để cho ai đó muốn gửi gắm số phận của mình.
Theo chuyên gia Du thì chính sách ngoại giao nước lớn đang là một thách thức lớn cho Trung Quốc và ông Tập Cận Bình cũng ý thức được những phản ứng đang dấy lên từ những nước nằm bên vùng biển mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền, cho đến sự phản kháng của cac nước châu Phi, nơi mà Bắc Kinh đang dùng viện trợ để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên.
Phương Tây chưa đi khỏi, Bắc Kinh đã lăm le nhảy vào Afghanistan
Cũng để minh họa thêm cho chính sách bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh, báo Le Monde còn có bài : « Afghnistan đến thời cám dỗ của Trung Quốc ». Theo bài báo thì ngay sau khi NATO và Hoa Kỳ triệt thoái quân đội khỏi Afghanistan, Trung Quốc đã rục rịch nhảy vào cắm chân kinh tế ở đất nước này.
Sau khi điểm lại và phân tích những động thái gần đây của Trung Quốc đối với đất nước tây Á này, bài báo tóm lại : Cái bóng của Trung Quốc phủ lên Afghanistan chắc chắn sẽ dày kín hơn. Nhưng Trung Quốc chưa chắc gì đã thỏa mãn mọi nguyện vọng của Kabul mà hiện nay vẫn đang bị đánh giá là ngây thơ.
Cuba người dân hy vọng, chính quyền cảnh giác
Chuyển qua khu vực châu Mỹ. Libération chú ý tới Cuba, đất nước đang hứa hẹn có những biến chuyển sau tuyên bố của tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro quyết định nối lại quan hệ Mỹ-Cuba. Tuy nhiên sự đổi thay không thể có ngay trong nay mai dù bên trong lòng xã hội Cuba đang bắt đầu có chuyển dịch.
Theo tờ báo thì sự kiện quan hệ giữa Washington và La Habana trở nên ấm dần đang mang lại nhiều hy vọng cho những kiều dân Cuba lưu vong tại Miami đồng thời cũng đang hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ.
Tờ báo dẫn lời ông Yoshvani Medina, một đạo diễn sân khâu lưu vong tại Mỹ, cho rằng sự kiện này là « điểm khởi đầu của một kết cục của cái gọi là Cách mạng Cuba ».
Những kiều dân Cuba được phóng viên của Libération gặp gỡ tại Florida đều tỏ ra phấn chấn và lạc quan về những biến chuyển sắp tới cho đất nước, cho người dân Cuba. Tuy nhiên vẫn còn phải chờ một thời gian nữa chứ sự đổi thay không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.
Vẫn liên quan đến Cuba, trong một bài báo mang tựa đề « Tania Bruguera, nữ nghệ sĩ đầu tiên thử nghiệm giới hạn của chế độ », Libération phân tích sự kiện chính quyền La Habana ngăn cản nghệ sĩ Cuba Tania Bruguera định tổ chức buổi « phát ngôn » tự do trên quảng trường Cách mạng tại thủ đô La Habana.
Liberation nhận định : « Như dự báo, sự kiện chính thức xích lại quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba đã tạo ra cơ hội cho một số người trắc nghiệm sự mở cửa chính trị của chế độ. Cũng như dự báo thì điều này còn là quá sớm ».
Bởi vậy mà hôm 30/12 vừa qua nữ nghệ sĩ Tania Bruguera, 46 tuổi đã bị bắt vì bà dự định tổ chức một diễn đàn phát biểu chính kiến tự do trên quảng trường Cách mạng. Bà bị chính quyền bắt rồi thả đến 3 lượt cùng với hàng chục nhà hoạt động ly khai với chính quyền.
Vẫn cùng chủ đề Cuba, nhật báo Le Monde có bài : « Tại Cuba xã hội dân sự vẫn bị giám sát chặt ». Tờ báo dẫn lời nhà ly khai nổi tiếng Cuba Elizardo Sanchez nhận định : « Thông báo tái lập quan hệ ngoại giao giữa Washington và La Habana mà chúng tôi đã hài lòng đón nhận đang làm thay đổi ván bài địa chính trị nhưng không có tác động ngay tức thời đối với các quyền tự do của công dân ».
Le Monde cho biết, theo thống kê của Ủy ban nhân quyền Cuba và hòa hợp dân tộc do nhà ly khai Alizardo Sanchez thành lập thì trong năm 2014 chính quyền Cuba đã tiến hành bắt giữ, câu lưu 8899 người vì liên quan đến chính trị, tăng hơn so với năm trước hơn 2000 người.
Dù số lượng các bản án tù có giảm đi so với năm trước nhưng lại có sự gia tăng trong phương pháp đàn áp mới của chính quyền đó là sách nhiễu liên tục, đe dọa cuộc sống hay hành hung thể xác đối với những nhà hoạt động bất đồng chính kiến. Ông Alizardo Sanchez khẳng định chế độ La Habana vẫn muốn duy trì bàn tay sắt đối với xã hội dân sự.
Pháp mất vị thế cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới
Trở lại với khu vực châu Âu, với thời sự nước Pháp. Các báo vẫn tiếp tục bàn luận xung quanh các cải cách của chính phủ gây nhiều tranh cãi trong lĩnh vực y tế và kinh tế. Tuy nhiên tin nổi bật của phụ trang kinh tế báo le Figaro là : « Pháp đã mất vị trí nền kinh tế thứ 5 thế giới », tụt xuống sau nước Anh trong năm 2014. Nguyên nhân là do tăng trưởng kém và đồng euro mất giá.
Tin không vui này được đưa ra khi mà chỉ cách đây ít ngày, hôm 31/122014, trong thông điệp mừng năm mới gửi đến toàn dân, Tổng thống Pháp vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu : « Pháp là một nước lớn, là cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới », nhưng đó là nước Pháp của năm 2013.
Năm 2014, tổng thu nhập quốc nội của Pháp chỉ đạt 2134 tỷ euro. Anh quốc với GDP 2232 tỷ euro đã vươn lên chiếm vị trí thứ 5 của Pháp. Nên nhớ là năm 2013 GDP của Anh còn thấp hơn Pháp 97 tỷ euro. Với mức tăng trưởng 3%, năm 2014 Anh đã vượt lên trên quốc gia láng giềng bên kia bờ biển Manche.
No comments:
Post a Comment