Tuesday, July 12, 2016

Biển Đông : Mỹ - Trung phản ứng ra sao về phán quyết của Tòa Trọng Tài ?

Biển Đông : Mỹ - Trung phản ứng ra sao về phán quyết của Tòa Trọng Tài ?

mediaBiểu hiệu của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực
Trả lời báo giới ngày 07/07/2016, giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đưa ra một số nhận định về khả năng phản ứng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các tác động đối với quan hệ Trung Quốc-ASEAN trước các phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
1. Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye thông báo ra phán quyết vào ngày 12/07/2016. Nhiều khả năng phán quyết của Tòa có lợi cho Philippines, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Giáo sư nghĩ gì về phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa ? Ngoài việc nhắc lại luận điệu bác bỏ thẩm quyền của Tòa và chỉ trích Philippines dùng đến trọng tài quốc tế, ông nghĩ gì về việc Bắc Kinh đáp trả trong lĩnh vực ngoại giao ? Giáo sư có nghĩ là Bắc Kinh cũng sẽ sử dụng các biện pháp trả đũa khác, về kinh tế và quân sự để thể hiện sự bất bình của mình ?
Đương nhiên, Trung Quốc sẽ không thay đổi thái độ và bác bỏ các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài. Có thể chúng ta sẽ chứng kiến một chiến dịch tuyên truyền « gây sốc và sợ hãi ». Trung Quốc sẽ nắm bắt mong muốn của tổng thống Philippines để mở các cuộc đàm phán sau khi Tòa ra phán quyết. Bắc Kinh sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận với Philippines và phớt lờ các phán quyết. Có thể đó là hình thức tài trợ cho cơ sở hạ tầng, như dự án đường sắt tàu cao tốc giữa Manila và Clark, và gây áp lực với tổng thống Duterte giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, đổi lại hai bên sẽ có quan hệ song phương tốt hơn.
Điều cơ bản là Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện dân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thông qua việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hơn, đưa nhiều quan chức chính phủ ra đó hơn và thậm chí tổ chức cho các nước trong khu vực tới thăm những nơi này. Trung Quốc sẽ không gia tăng quân sự hóa các đảo nhân tạo ngay lập tức mà sẽ tiến hành từng bước. Trung Quốc quan tâm theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
2. Theo giáo sư thì Washington sẽ có phản ứng ra sao với phán quyết của Tòa ?
Washington sẽ phối hợp tấn công ngoại giao cùng với các nước có lập trường tương tự để gây sức ép đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Hoa Kỳ sẽ cảnh giác duy trì một sự hiện diện quân sự nhằm ngăn ngừa Trung Quốc tiến hành xây dựng tại bãi cạn Scarborough. Và Washington sẽ cố gắng củng cố mối quan hệ với chính quyền Duterte nhằm ngăn cản mọi khả năng tiến tới của Trung Quốc. Khả năng hành động của Mỹ sẽ bị hạn chế nếu tổng thống Duterte « chơi » lá bài Bắc Kinh và Washington và khối ASEAN thì vẫn chia rẽ.
3. Theo giáo sư, liệu phán quyết của toà sẽ tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN hay không?
Tôi nghĩ đến lời dạy của sử gia Thucydide : « Ai cũng biết, vấn đề công lý chỉ được đặt ra giữa những bên ngang bằng nhau về sức mạnh, (còn không) kẻ mạnh thì làm bất cứ những gì có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận ». Chừng nào ông Hun Sen còn giữ nguyên lập trường lên án Tòa Án Trọng Tài, thì ASEAN khó có thể có được một lập trường thống nhất hiệu quả.
Các quan chức cao cấp ASEAN đã soạn thảo tuyên bố về Tòa Án Trọng Tài, nhưng không đạt được đồng thuận chung để trình các ngoại trưởng thông qua. Khối ASEAN, kết hợp với những chuyện tương tự mà tôi đã nói, sẽ tiếp tục « đi tìm Chén Thánh », tức là một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, mang tính ràng buộc và nếu như có được thì bộ quy tắc này sẽ mang lại hòa bình và an ninh cho tất cả các nước. ASEAN sẽ không tìm thấy Chén Thánh và rồi bền bỉ theo đuổi các cuộc tham khảo với Trung Quốc. ASEAN, với các thành viên mới, không còn là một cộng đồng ngoại giao thống nhất nữa, giống như hồi khối này chống lại sự can thiệp của Việt Nam vào Cam Bốt (1979-1989).
ASEAN có rất nhiều lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc và thượng đỉnh kỷ niệm 25 năm đối thoại ASEAN-Trung Quốc được dự trù tổ chức trong tháng Tám này.

No comments:

Post a Comment