Monday, July 4, 2016

Biển Đông : Nếu Philippines thắng kiện, Trung Quốc phản ứng ra sao ?

Biển Đông : Nếu Philippines thắng kiện, Trung Quốc phản ứng ra sao ?

mediaKhông ảnh của CSIS cho thấy đường băng của Trung Quốc xây dựng trên đá Xu-bi (Subi Reef). Ảnh cung cấp cho Reuters ngày 15/01/2016REUTERS/CSIS
Vào ngày 12/07/2016, Toà Án Trọng Tài Thường Trực ở Hà Lan sẽ công bố phán quyết về trường hợp Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông theo đơn kiện của Philippines. Giới quan sát dự báo Bắc Kinh sẽ bị thua và sẽ có hành động bất xứng của một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Theo phân tích của Harry J.Kazianis, một chuyên gia Mỹ về an ninh quốc phòng hàng đầu của Potomac Foundation và tạp chí an ninh The National Interest, Bắc Kinh có nhiều đấu pháp nhưng cái nào cũng xấu cho toàn thể châu Á và cho Washington. Mỹ là siêu cường duy nhất có khả năng quân sự áp đảo Trung Quốc mà còn có bổn phận bảo vệ Philippines, nếu xẩy ra chiến tranh, qua hiệp định an ninh quốc phòng hỗ tương ký kết từ năm 1951.
Phương án thứ nhất khi bị thua kiện, Trung Quốc không làm gì và xem như mặc nhiên chấp nhận phán quyết. Bắc Kinh sẽ đưa ra lời tuyên bố mang nội dung chung chung : « Biển Nam Trung Hoa là của chúng tôi » và âm thầm bước qua giai đoạn mới để khẳng định chủ quyền.
Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và trang bị vũ khí tận răng kể cả với tên lửa diệt hạm, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ thực hiện chiến lược mà Bắc Kinh gọi là vùng cấm A2/AD : không cho Mỹ vào trong, không cho Mỹ đến gần ( Anti-Access/Area-Denial zone). Trung Quốc đã nhiều lần nói đến phương án A2/AD để bày tỏ sự tức giận đối với Mỹ. Tuy nhiên, theo nhận định của Harry J.Kazianis, ít có khả năng Bắc Kinh chọn kịch bản này vì nếu bị xử thua, phe dân tộc chủ nghĩa sẽ gây áp lực rất lớn với ông Tập Cận Bình, sẽ đòi hỏi một phản ứng mạnh bạo hơn, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc vượt tầm Biển Đông.
Trong tình thế này, rất có thể Bắc Kinh sẽ chọn phương án thứ hai, được xem có « xác suất cao nhất » : Tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên vùng Biển Đông. Biện minh cho quyết định này không khó. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ viện lý do phán quyết của Tòa Trọng Tài đe dọa an ninh Trung Quốc. Với những căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và lực lượng hải quân, không quân, tên lửa bố trí trong vùng, Trung Quốc hội đủ « xác tín » để tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Đông, còn thi hành hay không là chuyện khác.
Phương án này thật ra rất nguy hiểm vì sẽ gây căng thẳng cao độ. Hoa Kỳ phải đáp trả . Vấn đề là bây giờ, để phủ nhận vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc, không thể chỉ cho hai chiếc pháo đài bay B52 bay ngang là đủ.
Phương án thứ ba là Trung Quốc dùng hết sức mạnh của mình để « châm » vào các điểm nóng tại châu Á mà nhà phân tích Harry J.Kazianis gọi là thái độ « côn đồ ».
Cụ thể là Trung Quốc gia tăng hoạt động hải quân, không quân ở biển Hoa Đông để chọc giận Nhật Bản. Bắc Kinh sẽ tạo căng thẳng ở eo biển Đài Loan, cấm du khách Hoa lục sang thăm hải đảo, giảm giao thương và đầu tư. Trung Quốc cũng có thể bồi đắp bãi đá ngầm Scarborough của Philippines thành căn cứ quân sự tiền phương, chỉ cách quân cảng Subic Bay có 150 hải lý . Liệu Mỹ có thể ngồi nhìn hay không ?
Sau ngày 12/07/2016, châu Á không tránh khỏi tình trạng căng thẳng gia tăng vì Trung Quốc đủ khả năng tiếp tục làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, điều mà họ đã tiến hành từ hàng chục năm nay. Đó chính là điều bất hạnh cho châu Á.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment