Biển Đông: Phán quyết rất được mong đợi của Tòa Án Trọng Tài
Biểu tình ngày 09/04/2016 trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Manila, Philippines, phản đối hành động độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.REUTERS/Romeo Ranoco
Vào lúc 9 giờ sáng, giờ quốc tế, ngày 12/07/2016 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh. Giới chuyên gia dự báo, trong mọi trường hợp, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với các quốc gia liên quan trong vùng.
Cách nay 3 năm Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông. Sau hai cuộc điều trần, sau khi đã trình lên Tòa gần 4.000 trang những bằng chứng bày tỏ lập trường của Manila, ngày 12/07/2016 sẽ là một ngày trọng đại đối với Philippines, Trung Quốc và cả khu vực.
Một cách cụ thể, Philippines yêu cầu Tòa lên tiếng trên 15 điểm, liên quan đến một số vấn đề chính. Thứ nhất, tính bất hợp pháp của bản đồ 9 đoạn được Trung Quốc sử dụng để đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80 % diện tích Biển Đông, con đường huyết mạch cho giao thương quốc tế.
Vấn đề thứ hai là phân loại và xác định quy chế cho các thực thể, để qua đó xác định các vùng biển cho 9 thực thể bao gồm Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven. Nhìn từ phía Philippines, Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên và Gạc Ma là các bãi đá, do vậy, có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Ngược lại Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không phải là đối tượng để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền và chiếm đóng. Manila khẳng định Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Vấn đề thứ ba được nêu bật liên quan đến những tác động đối với nghề đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, những quyền lợi kinh tế, môi trường an ninh hàng hải của Philippines. Cuối cùng Philippines kêu gọi Tòa Án La Haye lên tiếng để Trung Quốc không tuyên bố các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Về phía Bắc Kinh thì các vấn đề nói trên không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện.
Trước mắt, một số các nhà phân tích cho rằng, phán quyết của Tòa La Haye sẽ có lợi cho bên nguyên đơn là Philippines. Chuyên gia về công pháp quốc tế, đại học Leiden, Hà Lan, bà Cecily Rose không loại trừ khả năng, nếu như cán cân công lý nghiêng về phía Manila thì những quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trong vùng Biển Đông sẽ theo chân Philippines. Vì ngoài Philippines, còn có Việt Nam và Malaysia cũng có tranh chấp chủ quyền do các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng chéo lên nhau.
Vẫn theo bà Rose, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải tuân thủ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài vì bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc được lập ra đã căn cứ vào những tài liệu có từ những năm 1940. Dù vậy, tới nay không một cơ chế pháp lý nào bắt buộc Bắc Kinh phải thi hành quyết định của Tòa.
Trong những năm gần đây, nhiều vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh Philippines và Trung Quốc, cũng như giữa các tàu cá của đôi bên thường xuyên xảy ra. Các sự cố này trở nên nghiêm trọng hơn cùng với tham vọng lớn dần của Trung Quốc ở Biển Đông. Lại cũng Trung Quốc đã xây đắp một loạt các đảo nhân tạo, hải đăng, đường bay cho phi cơ …
Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống của Philippines, luôn khẳng định không nghiêng về phe nào trong vụ tranh chấp hải đảo ở Biển Đông, nhưng trong những tháng qua, Hải quân Mỹ đã đưa tàu áp sát những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc, nhân danh quyền tự do hàng hải. Chuyên gia Hà Lan, Frans Paul van der Putten, thuộc viện nghiên cứu Cligendael ở La Haye dự báo là tình hình tại Biển Đông sẽ « nóng thêm » và trong mọi trường hợp, quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước đòi hỏi chủ quyền trong vùng biển này không có triển vọng được cải thiện.
Cuối tuần trước, tân tổng thống Rodrigo Duterte đã tìm cách làm hạ nhiệt tình hình khi tuyên bố trong trường hợp Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đưa ra phán quyết thuận lợi cho Philippines thì Manila sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để cùng thăm dò, khai thác khí đốt và hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. Về phía Bắc Kinh, để thị uy, Hải quân Trung Quốc ngày 09/07/2016 đã tập trận với tên lửa thật ở khu vực nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và Hải Nam.
Trên thực chất, như nhận định của một chuyên gia được AFP trích dẫn, với vụ kiện Trung Quốc, Manila muốn « chọc thủng » bản đồ 9 đoạn của Bắc Kinh. Philippines muốn chứng minh là Trung Quốc không có chứng cứ « lịch sử » để áp đặt chủ quyền với gần hết vùng Biển Đông. Trung Quốc sẽ bị đặt trong thế khó xử nếu như Tòa Án ở La Haye đưa ra phán quyết bất lợi cho nước này.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment