Tuesday, July 12, 2016

Biển Đông: Việt Nam có thể học từ thành công của Philippines?

Biển Đông: Việt Nam có thể học từ thành công của Philippines?

12.07.2016

Người Việt tuần hành ở Manila trước khi Toà Trọng tài LHQ ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, 12/7/2016, Philippines.
Người Việt tuần hành ở Manila trước khi Toà Trọng tài LHQ ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, 12/7/2016, Philippines.
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết theo đó Philippines đã thắng trong vụ khiếu nại đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những điểm chính của phán quyết khẳng định rằng việc Bắc Kinh dùng đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, để đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là trái với Công ước về Luật biển (UNCLOS); tòa nói không có thực thể nào mà Trung Quốc đang kiểm soát ở quần đảo Trường Sa có tranh chấp với Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế; tòa lên án rằng những hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các thực thể đã gây tổn hại không thể khắc phục được đối với hệ sinh thái; và tòa xác nhận các ngư dân Philippines có quyền đánh cá tại các ngư trường truyền thống của họ, trong khi đó các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã hành động trái pháp luật, gây ra rủi ro khi dùng tàu chấp pháp ngăn cản hoặc đâm các tàu của Philippines.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhanh chóng hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài. Cuối ngày 12/7, báo chí Việt Nam đưa tin ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã phát biểu: "Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết".
Ông Bình nói Việt Nam “một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán về vụ kiện, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế”.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết Việt Nam “tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Sau khi phán quyết được đưa ra, Luật sư Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông, hiện đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét rằng “Philippines đã thắng toàn diện” khi tòa đã đứng về nước này trong những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất. Ông Việt cho rằng phán quyết cũng có lợi cho Việt Nam. Ông nói với VOA:
“Rõ ràng là nếu tòa bác bỏ cái đường 9 đoạn này thì Việt Nam cũng có lợi. Thứ hai là về tuyên bố về quy chế pháp lý cho một số cấu trúc địa lý này thì rõ ràng nếu nó hạn chế được không có vùng đặc quyền kinh tế đối với các cấu trúc này thì rõ ràng là Việt Nam cũng có lợi. Và thêm nữa là cái việc các hành vi của Trung Quốc xâm phạm, ngăn trở các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên vùng đặc quyền kinh tế là vi phạm cái nghĩa vụ của Công ước, quyền chủ quyền được quy định trong Công ước, […] thì điều rõ ràng là cũng tạo một thế mạnh cho Việt Nam hơn. […] Đến bây giờ có một phán quyết khẳng định thêm của tòa thì rõ ràng là chúng ta sẽ có cơ sở pháp lý mạnh hơn”.
Thắng lợi của Philippines trong vụ khiếu nại này mang lại những kinh nghiệm và bài học tốt cho Việt Nam khi trên thực tế Việt Nam cũng có những tranh chấp với Trung Quốc khá giống với tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Nhưng liệu Việt Nam sẽ làm gì, Luật sư Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhận định:
“Về cái phán quyết này, phía Việt Nam sẽ phải nghiên cứu rất là kỹ, và đương nhiên những cái mặt lợi ích thì có lẽ Việt Nam cũng sẽ phải nghiên cứu, để nếu có những trường hợp xảy ra đối với Việt Nam thì biện pháp mà Việt Nam cần, cuối cùng cũng phải kéo nhau ra tòa. Thì khả năng Việt Nam cũng phải nghiên cứu kỹ và có thể học theo những con đường của Philippines đã chọn, đặc biệt là những cái gì thành công, Philippines đã chọn và được tòa chấp thuận, thì khi Việt Nam làm cũng sẽ có lợi hơn rất nhiều”.
Theo cơ chế pháp lý quốc tế hiện nay, hiện không có ngay một tổ chức quốc tế đang hoạt động để bắt buộc các bên liên quan thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài, song sự kiện Trung Quốc bị thua trong vụ khiếu nại Philippines sẽ gia tăng sức ép ngoại giao trên toàn cầu đối với Trung Quốc. Luật sư Việt nói rõ hơn:
“Mặc dù là quốc tế, đặc biệt là trong cái vụ kiện này, không có cơ quan nào làm nhiệm vụ cưỡng chế, nhưng rõ ràng nó sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho các quốc gia khác trên thế giới này có thể gây sức ép với Trung Quốc. Mặc dù việc gây sức ép này được thể hiện trên rất nhiều mặt khác nhau, cả về mặt dư luận, cả về mặt chính trị, chiến lược và ngoại giao, v.v… Chắc chắn là các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay là Ấn Độ chẳng hạn, hoặc là các quốc gia của EU chẳng hạn, đi đâu họ cũng yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ”.
Trong thời gian chờ đợi phán quyết của tòa, một số nhà phân tích dự báo Trung Quốc có thể phản ứng tiêu cực trong trường hợp nước này thua cuộc. Tuy nhiên, theo báo The Guardian, ngay trước ngày tòa ra phán quyết, bà Bonnies Glaser, một cố vấn kỳ cựu về châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói bà không tiên liệu rằng Bắc Kinh sẽ leo thang đáng kể các hành động của họ ở Biển Đông.

No comments:

Post a Comment