Friday, July 1, 2016

Chưa có nguy cơ « Brexit » đối với ASEAN

Chưa có nguy cơ « Brexit » đối với ASEAN

mediaQuốc kỳ các nước ASEAN tại Indonesia.Ảnh : Wikipedia
Trong nhiều năm qua, Liên Hiệp Châu Âu là mô hình về hội nhập mà các nước ASEAN đang cố noi theo. Nhưng nay với việc nước Anh quyết định rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, gây khủng hoảng trầm trọng cho khối này, ASEAN có nguy cơ gặp một « Brexit » hay không ? Theo các chuyên gia về vùng Đông Nam Á, hiện giờ chưa có nước nào nghĩa đến chuyện « ly dị » với khối ASEAN.
Trước hết, về mặt định chế, nếu như Hiệp ước Lisboa có điều 50 quy định về việc một thành viên rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, thì Hiến chương ASEAN lại không có điều khoản như vậy. Chính phủ một nước thành viên nào muốn « nghỉ chơi » với ASEAN thì chỉ có cách, một là không đến dự các cuộc họp của ASEAN gây tê liệt cho khối này, hai là ngưng đóng góp vào ngân sách của Ban Thư Ký ASEAN.
Thật ra, bởi vì ASEAN chưa phải là một khối có mức độ hội nhập sâu như Liên Hiệp Châu Âu, bất cứ quốc gia nào cũng có thể từ bỏ tư cách thành viên ASEAN, với lý do là có bất đồng sâu sắc trong khối, chẳng hạn như về hồ sơ Biển Đông, mà hiện đúng là đang gây chia rẽ nội bộ các nước Đông Nam Á.
Hiện giờ, tuy có những bất đồng trên một số vấn đề, chính phủ nước nào cũng cần đến ASEAN như là một tổ chức nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực và là một khối thống nhất đủ mạnh để tránh bị các cường quốc thế giới thao túng.
Trong khối ASEAN hiện nay, những nước nhỏ như Brunei, Cam Bốt hay Lào đều có vị thế ngang bằng những nước thành viên kia. Những nước lớn như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore ( lớn về mặt kinh tế ) thì được hưởng lợi nhiều từ Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN.
Khác với Liên Hiệp Châu Âu, khối ASEAN hầu như không có liên hệ gì đến tình hình chính trị nội bộ của các nước thành viên. Thành ra chẳng có chính phủ nào nghĩ đến chuyện kêu gọi trưng cầu dân ý về tư cách thành viên ASEAN để trục lợi chính trí, giống như thủ tướng David Cameron của Anh Quốc.
Mặt khác, cũng do chưa hội nhập sâu cho nên ASEAN chưa thật sự có tác động đến đời sống thường ngày của người dân Đông Nam Á, như là Liên Hiệp Châu Âu đối với người dân khối này. Con đường đưa Cộng Đồng ASEAN thành một thị trường duy nhất hãy còn rất dài.
Ngoài ra, khác biệt đáng kể giữa ASEAN và Liên Hiệp Châu Âu là : Đó là không có một cơ chế giống như Ủy Ban Châu Âu áp đặt những quy định luật lệ có thể gây khó chịu cho bất cứ ai, mà cũng không có một Nghị Viện ASEAN bên trên Quốc Hội các nước thành viên khối Đông Nam Á. Cơ chế chung nhất mà khối này đang có chính là Ban Thư Ký ASEAN, ra đời từ năm 1976, đặt trụ sở tại Jakarta. Nhưng người dân ASEAN ít ai biết là có ban này, cho nên cũng chẳng có ai kêu ca điều gì về quan chức ASEAN, trong khi người dân châu Âu thường hay chỉ trích các quan chức châu Âu ở Bruxelles.
Nói tóm lại, hiện giờ chưa có nguy cơ « Brexit » trong ASEAN, nhưng như cảnh báo của chuyên gia Termsak Chalermpalanupap thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, cũng cần phải rút ra bài học từ Brexit, đó là không phải lúc nào hợp tác khu vực cũng đi đúng hướng. Không thể loại trừ khả năng là tiến trình này gặp trắc trở.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment