Monday, July 4, 2016

Hồng Kông : dấu ấn quyền lực Trung Quốc và hướng đi cho tương lai

Hồng Kông : dấu ấn quyền lực Trung Quốc và hướng đi cho tương lai

mediaBiểu tình ngày 01/07/2016 tại Hồng Kông nhân kỷ niệm 19 năm ngày lãnh thổ này được trao trả cho Trung QuốcREUTERS
Nhật báo kinh tế Les Echos giới thiệu bài viết về Hồng Kông 19 năm sau khi được trao trả về Trung Quốc đại lục. 19 năm sau khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc đại lục, không khó để nhận ra dấu ấn quyền lực của chính quyền Bắc Kinh trên mảnh đất này. Nhưng không phải sự can thiệp nào của Bắc Kinh cũng diễn ra một cách khôn khéo.
Năm 2014, Quốc hội Trung Quốc quyết định chỉnh sửa thể lệ lựa chọn ứng cử viên cho chức trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông vào năm 2017. Sự can thiệp của Trung Quốc đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ. Một giáo sư của Đại học Hồng Kông nhấn mạnh là chính các nhà lãnh đạo Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về mọi sự chia rẽ và bất ổn trong xã hội Hồng Kông hiện tại.
« Cuộc cách mạng dù vàng » đã để lại một số dấu ấn trong xã hội Hồng Kông : giới trẻ Hồng Kông quan tâm nhiều tới chính trị hơn và theo hướng bất lợi cho Trung Quốc đại lục. Họ đặt ra nhiều câu hỏi về bản sắc Hồng Kông : trong giới sinh viên, nhiều cuộc tranh cãi thường xuyên nổ ra về việc nên dùng loại chữ viết nào ở nơi công cộng, nói tiếng Quảng Châu theo truyền thống Hồng Kông hay nói tiếng phổ thông Trung Quốc. Trong khi đó, ngày càng ít sinh viên Trung Quốc đại lục sang Hồng Kông học tập vì họ không được chào đón. Người dân Hồng Kông cũng thể hiện thái độ chống Trung Quốc đối với lượng du khách khổng lồ đến từ đại lục. Trên tổng số 60 triệu du khách tới Hồng Kông hàng năm, đã có tới 45 triệu du khách Trung Hoa đại lục.
Trong giai đoạn 2003-2013, trong khi chính người dân Hồng Kông tỏ ra thận trọng hơn trong mua sắm thì chính những du khách Trung Quốc đổ xô tới Hồng Kông đã thúc đẩy kinh tế Hồng Kông phát triển. Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách và chiến dịch chống tham nhũng của Trung Hoa đại lục đã khiến du khách Trung Quốc thay đổi thói quen mua sắm. Tính trên cả năm, lượng bán lẻ quý đầu của Hồng Kông đã giảm 12%.Tăng trưởng quý đầu năm 2016 đã giảm 0,4% so với mức tăng thêm 0.2% vào 3 tháng cuối năm 2015.
Trong khi đối thủ của Hồng Kông là Singapour đã biết chuyển hướng sang công nghệ cao và hướng tới các công ty khởi nghiệp thì Hồng Kông vẫn dựa vào khách hàng Trung Quốc và không thực sự nghĩ tới việc vẽ ra một tương lai mới cũng như không lo lắng về những cạnh tranh đang gia tăng. Ví dụ, trước đây, tính về lưu lượng vận tải đường biển, Hồng Kông đứng đầu nhưng hiện nay đã tụt xuống hàng thứ 5 và tương lai sẽ còn tiếp tục tụt hạng.
Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn duy trì được rất nhiều lợi thế : đứng đầu thế giới về cảng hàng không phục vụ cho các chuyến bay với 470 điểm đến trên toàn cầu. Về kho bãi cầu cảng, Hồng Kông cũng đứng đầu khu vực. Hồng Kông là trung tâm tài chính hàng đầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc và các tập đoàn nước ngoài. Đặc khu này cũng muốn củng cố vị thế trung tâm, vai trò siêu cầu nối giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Hồng Kông cũng tự hào về hệ thống luật định độc lập và chính sách thuế khóa thấp còn kéo dài thêm 30 năm nữa, cho tới hết giai đoạn chuyển đổi vào năm 2047.
Sự phản kháng của Hồng Kông đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng. Vài tháng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp và một năm trước khi bầu Trưởng đặc khu Hồng Kông, ông Trương Đức Giang, nhân vật quan trọng thứ 3 trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tới đặc khu hành chính để lắng nghe, đối thoại nhưng cũng là để nhắc nhở các quy tắc và cảnh báo nếu lạm dụng quyền tự do, Hồng Kông sẽ phải trả giá. Vào dịp này, hơn 6000 cảnh sát đã được huy động. Vì Trung Quốc lo sợ bạo động xảy ra hay là để khoe trương sức mạnh ? Chỉ có Bắc Kinh mới có câu trả lời.
Khủng hoảng giữa NATO với Nga và vấn đề hạt nhân
Chỉ còn 5 ngày nữa là tới ngày hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở thành phố Vacxava, Ba Lan. Trong bối cảnh NATO sẽ tuyên bố đó là một liên minh quân sự hạt nhân, nhật báo Le Monde đã có cuộc phỏng vấn ông Bruno Tertrais, chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu chiến lược về vị trí của vũ khí hạt nhân trong mối quan hệ chiến lược hai bên.
Nước Nga giờ đã mạnh lên rất nhiều so với giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh lạnh. Vào giai đoạn đó, vũ khí hạt nhân luôn là vấn đề trọng tâm trong cuộc đối đầu giữa khối hiệp ước Vacsava và NATO nhưng nhìn chung Matxcơva thận trọng hơn trong các phát ngôn và từ năm 1960, họ cũng tránh bày trò khi nói về hạt nhân. Không giống như những gì Vladimir Putin đang làm hiện nay. Thế nhưng, đối với NATO, sử dụng vũ khí hạt nhân lại là một chủ đề khó nói, thậm chí là một đề tài cấm kỵ đối với một số nước. Trong xử lý khủng hoảng ở NATO, ngay cả khi có đề cập tới vấn đề hạt nhân, các nước thành viên cũng chỉ nhắc tới các đối phương giả định chứ không bao giờ nhắc tới nước Nga. 28 nước trong Liên minh chưa bao giờ nhất trí về giải pháp cho kịch bản khủng hoảng hạt nhân ở Châu Âu. Một thách thức nữa cho Hội nghị thượng đỉnh Vacxava là tìm được tiếng nói chung thể hiện tính thống nhất và kiên quyết của NATO trước âm mưu hạt nhân của Nga mà theo chuyên gia Bruno Tertrais trước hết là để đe dọa và gây chia rẽ các thành viên NATO.
Về phía Nga, chưa bao giờ xảy ra sự thiếu nhất trí như vậy khi xác định đối phương. Và các tuyên bố chính trị về hạt nhân thường không mang tính kích động. Nhưng vấn đề thực chất không nằm ở các phát ngôn mà nằm trong các quyết tâm và khởi xướng của Nga (hiện hại hóa hạt nhân, diễn tập trên quy mô lớn, thâm nhập vào các khu vực thuộc tầm kiểm soát của không quân và hải quân các nước thành viên NATO) kết hợp với sự mập mờ về vai trò của tên lửa và máy bay ném bom thường và ném bom nguyên tử. Putin thường xuyên sử dụng lợi thế hạt nhân. Câu hỏi thực sự đặt ra là nếu chiến tranh xảy ra, Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân thế nào ? Nếu một đơn vị chiến đấu không-lục quân của Nga xâm nhập rất nhanh vào lãnh thổ một nước Baltic, liệu NATO có kịp thời bảo vệ toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên bằng vũ khí thông thường ?
Theo chuyên gia Bruno Tertrais, nên suy nghĩ về nguy kết hợp đe dọa hạt nhân, tấn công tin học và việc Nga thâm nhập vào hệ thống quân sự mà không đứng ra nhận trách nhiệm. NATO cần tìm cách vô hiệu hóa các đe dọa hạt nhân từ Nga song song với việc tự mình đe dọa hạt nhân đối phương. Các cuộc tranh luận này sẽ làm một số thành viên không thoải mái nhưng NATO không còn lựa chọn nào khác. Trong nội bộ NATO, chỉ có ba cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp là cảm thấy thoải mái trước ý nghĩ phải thể hiện rõ ràng mong muốn chống lại mối đe dọa hạt nhân từ phía Nga và ngăn cản ngay khi nước này mới chớm có ý đồ sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên ba nước này lại không thống nhất được về cách thức. Và Mỹ, do tổng thống Obama đang ở cuối nhiệm kỳ, người ta không cảm nhận được vai trò lãnh đạo hạt nhân của nước này.
Điều 5 Hiệp ước Washington quy định các nước phải bảo vệ nhau nếu một nước thành viên bị tấn công. NATO cũng đã nhất trí được là trong một số trường hợp, tấn công mạng cũng có thể được coi như tấn công quân sự. Tuy nhiên câu hỏi về tấn công phi truyền thống với đơn vị quân sự phi chính thức như đã từng xảy ra ở Donbass hay Crimée thì vẫn chưa có lời giải đáp. Đây là vấn đề quan trọng vì mọi khủng hoảng với Nga đều bắt đầu từ các vụ việc kiểu này. Theo ông Bruno Tertrais, phải phân biệt chiến tranh truyền thống và phi truyền thống, nhìn nhận xem kiểu tấn công nào là phi truyền thống và có thể coi tương đương như kiểu tấn công quân sự truyền thống. Ông Bruno Tertrais cho rằng không cần thay đổi điều khoản 5 nhưng nên khẩn trương làm rõ và bổ sung điều này để tránh cho Nga có cơ hội lợi dụng.
Về hạt nhân, NATO phải đưa ra một tuyên bố chung mạnh mẽ, nhưng cũng không quá cụ thể để đạt được sự đồng thuận nhưng vẫn phải đảm bảo các quyền tự do hành động, coi đó là đòn đáp trả tiêu diệt hoặc tàn phá nếu Matxcơva dùng vũ khí hạt nhân. Cách nói phải vừa được 28 thành viên chấp nhận những cũng phải đủ cứng rắn với Matxcơva. Đồng thời NATO cũng phải tránh mọi tuyên bố hoặc hoạt động mang tính kích động. Những sự kiện xảy ra trong 12 tháng vừa qua đã cho chúng ta thấy cuộc đấu trí giữa tổng thống Nga và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ trở thành điểm khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Và nước sẽ giữ được bình tĩnh nhất, có vai trò quan trọng nhất sẽ là Mỹ. Hoa Kỳ sẽ phải nói với Thổ Nhĩ Kỳ như đã từng nói với Đài Loan : « Nếu các bạn bị tấn công trực tiếp, chúng tôi sẽ bảo vệ các bạn, nhưng nếu chúng tôi có cảm giác là chính các bạn đã kích động đối phương, các bạn sẽ phải tự xoay xở một mình ».
Năng lượng xanh sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội
Liên quan tới năng lượng xanh, nhật báo Le Monde đăng bài viết về lợi ich kinh tế của việc sử dụng nguồn điện tái tạo. Theo một báo cáo năm 2015 của Cơ Quan môi trường và năng lượng Pháp ADEME, việc sử dụng nguồn điện « 100% tái tạo » là hoàn toàn có thể thực hiện được tại Pháp vào năm 2050 với giá thành tương đương giá thành sản xuất điện mà điện hạt nhân chiếm 50%. Điều này đi kèm với điều kiện từ nay tới năm 2050, tổng tiêu thụ năng lượng của Pháp sẽ giảm 50% cũng như sẽ phải kiểm soát được nhu cầu sử dụng điện. Hơn nữa, phải liên tục giảm giá thành các nguồn điện tái tạo và phát triển các giải pháp thích nghi với yêu cầu sử dụng điện và tích trữ các nguồn năng lượng không liên tục.
Theo kết quả nghiên cứu của ADEME công bố ngày 30/06/16, việc sử dụng nhiều năng lượng xanh sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng, việc làm và khả năng mua sắm của người dân Pháp. Lợi ích kinh tế là vô cùng lớn : chuyển đổi năng lượng sẽ cho phép tổng sản phẩm quốc nội năm 2050 của Pháp tăng thêm được từ 3,6% đến 3,9%. Đó là vì đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tạo thêm được nhiều công ăn việc làm, hiệu quả sử dụng năng lượng về trung hạn sẽ được cải thiện trong khi giá thành năng lượng lại giảm đồng thời nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cũng giảm mạnh. Lĩnh vực năng lượng tái tạo không chỉ bù đắp được công ăn việc làm cho người lao động trong các lĩnh vực điện hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch mà còn tạo thêm được 830.000-900.000 việc làm mới. Nhờ giảm chi phí năng lượng và tạo thêm được nhiều hoạt động kinh tế, thu nhập các hộ gia đình cũng sẽ tăng thêm 250 tỉ euro/năm, tương đương với thu nhập tính theo đầu người sẽ tăng 3000 euro/năm.
Quả đúng như lời bình luận của ông Bruno Léchevin, giám đốc Cơ quan môi trường và năng lượng Pháp «Đầu tư vào khí hậu là động cơ thúc đẩy tăng trưởng ». Một lợi ích khác là chuyển đổi năng lượng sẽ cho phép Pháp giảm 68%-72% lượng khí thải CO2 vào giữa thế kỷ này.
Trang Nhất các báo Pháp
Do in sớm hoặc ra từ chiều từ Bẩy, nhiều tờ báo Pháp không kịp đưa tin về Euro 2016. Riêng tờ Le Figaro chạy trên trang nhất và có bài « Đội tuyển Xanh Dương đã phá vỡ băng đá để tìm gặp lại đội Đức ở bán kết giải Euro ».
Trang Nhật tờ Liberation chạy tựa : « Một kỳ nghỉ cuối tuần để chết », xót xa về sự ra đi của nhiều nhân vật có tên tuổi. Gần như toàn bộ trang Nhất là ảnh cố thủ tướng Michel Rocard qua đời tối thứ Bẩy, 02/07. Bên dưới có ảnh của ba nhân vật khác cũng ra đi vào dịp weekend vừa qua: Nhà văn giải Nobel Hòa Bình Elie Wiesel, đạo diễn điện ảnh Micheal Cimino và nhà thơ Yves Bonnefey.
Còn Le Figaro chạy tựa :« Cánh tả hiện đại mồ côi Michel Rocard ». Báo Le Monde điểm lại «Tuần lễ điên loạn đã làm chao đảo Vương quốc Anh ».
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment