Nước Anh chao đảo sau quyết định Brexit
Sau cuộc trưng cầu dân ý, nhiều người dân Anh vẫn muốn đặt lại câu hỏi "Đi" hay "Ở".REUTERS/Andrew Kelly
53% ủng hộ Brexit, so với 47% phản đối, là kết quả kiểm phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Quyết định rời khỏi Liên hiệp châu Âu tạo ra một loạt phản ứng trái ngược cả trong nước lẫn trên thế giới, khi mà ngay lập tức đồng bảng đã mất giá 10% so với đồng đô-la Mỹ. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải tường trình :
Sáng nay người dân Anh thức dậy trong ánh nắng đẹp đầu hè, sau nhiều ngày mưa bão sấm chớp. Thế nhưng có nhiều người sẽ không vui khi bỗng dưng tiền trong ngân hàng bị bay hơi mất 10% giá trị so với tỷ giá đô-la, cổ phiếu trên chỉ số FTSE mất điểm 12% mà nặng nề nhất là ngân hàng và các tập đoàn địa ốc. Trên 16 triệu người đã bỏ phiếu muốn nước Anh ở lại EU chắc chắn sẽ rất buồn với thông báo kết quả từ hội đồng bầu cử vào sáng nay, đặc biệt là ở Scotland và Bắc Ailen là nơi đa số muốn ở lại. Tuy nhiên, trên toàn nước Anh có 382 điểm bỏ phiếu và ngay ở tại Luân Đôn có nơi bỏ phiếu ở lại thì cũng có nơi bỏ phiếu muốn rút ra, dù rằng cộng chung lại thì 60% cử tri Luân Đôn muốn tiếp tục duy trì tư cách thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Đặc biệt nhất là pháo đài Gibralta của Anh ở phía nam nước Tây Ban Nha, trấn ngữ cửa vào Địa Trung Hải với trên 20.000 cử tri đi bầu thì có đến 95% muốn ở lại. Tuy nhiên, bên phía muốn rời khỏi EU thì cũng có nơi thắng với tỷ lệ gần 80%, cho nên nước Anh rõ ràng đã phân chia rất mạnh sau cuộc vận động Brexit trong mấy tháng trở lại đây.
Thủ tướng David Cameron là người tích cực ủng hộ cho xu hướng Bremain, tức là giữ nước Anh ở lại trong Liên hiệp châu Âu, đã tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại lèo lái đất nước trong giai đoạn này, nhưng sẽ từ chức và nhường lại vai trò lãnh đạo trong kỳ đại hội của đảng Bảo Thủ vào tháng Mười tới đây.
Trong những ngày tới sẽ có động thái gì?
Trước hết, trưng cầu dân ý là cuộc bỏ phiếu mà đúng như tên gọi, là cơ hội để người dân thể hiện ý nguyện của mình, chứ không phải nút bấm tự động loại bỏ tư cách thành viên của nước Anh trong Liên Hiệp Châu Âu vào hôm nay. Trước đây thủ tướng Anh nói sẽ ngay lập tức đi các bước cần thiết để rút khỏi EU ngay sau khi có kết quả, nhưng sáng nay lãnh đạo Công đảng bên phía đối lập là Jeremy Corbyn yêu cầu vận dụng điều luật 50 từ hiệp ước EU để từ từ đàm phán các điều kiện để rút. Theo ước tính của giới chuyên gia thì quá trình đó có thể kéo dài tới 2 năm.
Hiện tại nước Anh có rất nhiều vấn đề phải giải quyết mà đầu tiên hết là cú sốc về tài chính mà ngân hàng trung ương phải xử lý cả về tỷ giá lẫn tình trạng cổ phiếu của các ngân hàng bị suy giảm trên thị trường chứng khoán, mất giá tới 30%. Thống đốc ngân hàng trung ương ngay lập tức phải lên truyền hình tiếp theo thủ tướng để trấn an thị trường bằng những con số về số lượng tài chính chuyển đổi mà họ đã chuẩn bị để chi trả nhằm giúp ổn định thị trường như đã dự đoán về những gì đang diễn ra. Do đó có thể là phải đến khi nước Anh có thủ tướng mới thì mới bắt đầu quá trình đàm phán rút khỏi EU.
Và cũng cần phải nhìn sang phía hơn 17 triệu người muốn nước Anh rút khỏi EU, với số lượng áp đảo nhiều hơn gần 1,3 triệu, đang hào hứng nhìn vào viễn cảnh nước Anh không cần phải lệ thuộc vào EU, trong vấn đề đối ngoại với Nga và Iran, hay các vấn đề khác trên thế giới, và đặc biệt nhất là gánh nặng di dân từ EU sang và các khoản trợ cấp phải trả cho họ. Có thể nói cuộc trưng cầu dân ý đã tạo ra một lực chuyển làm thay đổi toàn bộ cảnh quan chính trị bên trong nước Anh, và chắc chắn là cũng thay đổi hoàn toàn kết cấu địa chính trị trên thế giới.
Thái độ của người dân?
Thái độ của người dân?
Hiện còn quá sớm đề biết từng người dân Anh nghĩ gì, ngoài con số chỉ có 74% người đi bỏ phiếu, tức là có đến một phần ba cử tri không quan tâm tới vấn đề này. Kết quả được thông báo vào khoảng 7 giờ sáng, khi mà tất cả các báo đều đã in xong, và các bản tin truyền hình thì vẫn còn tập trung vào phỏng vấn các chính trị gia và chuyên gia hơn là từng câu chuyện cụ thể của mỗi người. Tuy nhiên, chắc chắn là đang có một không khí hoang mang rất lớn trong số những người đang là công dân của Liên Hiệp Châu Âu làm việc ở Anh theo hiệp ước tự do lao động, bây giờ chưa biết tình trạng giấy tờ và quyền lợi của mình sẽ ra sao sau nhiều năm đóng góp cho nước Anh, mà không có tiếng nói gì trong cơ chế chính trị. Theo sau đó là câu chuyện của từng thành viên trong gia đình họ, đã hội nhập với cuộc sống ở đây.
Tuy nhiên, trên truyền hình có thể thấy rất rõ một thái độ đúng kiểu Ăng-lê là “keep calm and continue”, tức là cứ bình tĩnh mà tiếp tục, không có gì phải lo lắng hay sợ hãi quá đáng. Người ta ví von mối quan hệ giữa nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu như một đám cưới bắt đầu từ năm 1973 sau hai lần cầu hôn bất thành, và bây giờ, năm 2016 là giai đoạn li thân để tiến tới li dị. Chính trị xoay chiều khiến một số người ra đi nhưng là cơ hội cho nhiều người khác tiếp nối lãnh đạo đất nước.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment