Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa ra phán quyết tuyên bố Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông". Đây là một phán quyết có sức ảnh hưởng vô cùng lớn, do vậy, Bắc Kinh sẽ mất rất nhiều nếu cứ cố tình bỏ qua.
Phán quyết của PCA có quan trọng đến vậy không? Chúng ta hãy tìm hiểu về PCA để khẳng định điều này.
PCA là tòa trọng tài lâu đời nhất trên thế giới
PCA là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ chính là giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua việc hỗ trợ thành lập một tòa trọng tài cùng nhiều công cụ hòa bình khác. PCA được thành lập vào năm 1899 tại Hội nghị Hòa bình Hague đầu tiên do Sa hoàng Nga Nicholas II khởi xướng.
PCA vừa tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử" tại Biển Đông.
PCA sử dụng các hợp đồng, thỏa thuận đặc biệt và nhiều hiệp ước khác nhau, như những hiệp ước của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết các tranh chấp.
Khi hai quốc gia nào đó không thể giải quyết mâu thuẫn, họ sẽ nhờ đến PCA phân xử.
PCA không phải là tòa án theo nghĩa thông thường
PCA là một tổ chức hành chính, có cơ chế hoạt động, nhưng không có chức năng xét xử. PCA hỗ trợ thành lập các tòa án trọng tài và tạo thuận lợi cho công việc của họ cho từng vụ kiện. Tòa Trọng tài Phụ lục VII, được PCA hỗ trợ thành lập dựa trên Phụ lục số VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, mới là tòa án trực tiếp giải quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
PCA thay mặt Tòa Trọng tài Phụ lục VII thông báo về phán quyết cuối cùng.
Thành viên Tòa trọng tài là những nhân vật xuất sắc, có uy tín
Một tòa trọng tài sẽ gồm một, ba hoặc năm thành viên.
Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII giải quyết tranh chấp Biển Đông gồm 5 thành viên:
Chủ tịch Tòa trọng tài: Ông Thomas A. Mensah, quốc tịch Ghana, nguyên Chánh án, nguyên Thẩm phán Tòa Quốc tế về Luật biển (ITLOS).
Ông Jean-Pierre Cot, quốc tịch Pháp, thẩm phán ITLOS.
Ông Stanislaw Pawlak, quốc tịch Ba Lan, thẩm phán ITLOS;
Giáo sư người Hà Lan Alfred Soons và thẩm phán người Đức Rudiger Wolfrum.
Dù PCA không có cơ chế thực thi, nhưng các bên nên tự nguyện tuân thủ PCA nếu không muốn mất danh dự trên toàn thế giới
Giáo sư luật Cecily Rose tại trường Luật Quốc tế Công thuộc Đại học Leiden (Hà Lan) nhận định:  “Một phán quyết từ tòa án phản đối các tuyên bố chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc có thể tạo ra sự ủng hộ cho các quan điểm chính thống của các quốc gia khác trong khu vực. Trung Quốc buộc phải tuân thủ phán quyết này”.
Tất cả các bên phải trong vụ kiện phải tuân thủ phán quyết ngay lập tức.
Bên không đồng ý với phán quyết có thể thực hiện một số thủ tục pháp lý nhưng rất hạn chế, đặc biệt là trong tranh chấp giữa các quốc gia.
Do vậy, quốc gia nào phớt lờ hoặc không hành động theo phán quyết sẽ bị mất uy tín nghiêm trọng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Straits Times, một nhật báo khổ rộng tiếng Anh, được xuất bản tại Singapore, có chủ sở hữu là Singapore Press Holdings (SPH). Đây là tờ báo lâu đời nhất và cũng có doanh số bán cao nhất nước, trong đó ấn bản chủ nhật Sunday Times có lượng lưu hành đến gần 365.000 bản.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)