Friday, July 1, 2016

Tân tổng thống Philippines: Một chính khách khác lạ

Tân tổng thống Philippines: Một chính khách khác lạ

mediaTân tổng thống Rodrigo Duterte.REUTERS/Romeo Ranoco
Những tiết lộ về cuộc vây bắt không ngừng nghỉ tên khủng bố hồi giáo Salah Abdeslam, Paris cấm các xe hơi sản xuất trước 1997 lưu hành các ngày thường trong tuần, Euro 2016, Scotland mong muốn ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, Brexit và những dự án lớn bị đe dọa. Trên đây là một số nội dung chính trên trang nhất các nhật báo Pháp ra hôm nay, 01/07/2016.
Trong mục “Quốc tế”, Le Monde dành chú ý cho đảo quốc Philippines với sự kiện tân tổng thống Rodrigo Duterte vừa nhậm chức. Được biết đến với nhiều phát ngôn gây sốc, hôm qua, 30/06/2016, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, 71 tuổi, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, tại phủ tổng thống Malacanang – thủ đô Manila – Philippines, cho nhiệm kỳ kéo dài 6 năm của mình.
Chính với những tuyên bố đầy thách thức và lối nói không cầu kì, khoa trương trong chiến dịch vận động tranh cử mà cựu thị trưởng của thành phố Davao – một thành phố lớn của đảo Mindanao nằm phía nam Philippines, đã dành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra tại đảo quốc này hôm 09/05 vừa qua.
Với biệt danh là Donald Trump của quốc đảo, ông này đã tuyên bố sẽ cho thiết lập lại án tử hình, cũng như sẽ thanh trừng “hàng trăm nghìn tên tội phạm” mà xác của họ sẽ “bị ném đầy vịnh Manila”. Không chỉ có vậy, năm 2015, nhân chuyến thăm Manila của giáo hoàng François, ông Duterte cũng đã có những lời lẽ xúc phạm đến nhân vật số 1 này của Giáo hội. Thậm chí khi đề cập đến một đề tài tế nhị là tình dục, ông Duterte cũng không ngại tuyên bố:“Tôi dùng thuốc cường dương Viagra và nhờ đó tôi trụ được lâu”.
Theo nhận định của nhật báo Le Monde, trong một quốc gia mà đầy rẫy những phần tử cực đoan, quá khích như Philippines, lời lẽ, phong cách của ông Duterte đã đánh bật các ứng viên khác cho chức tổng thống, đặc biệt là khi ông này dành ưu tiên cho việc chống tội phạm và nạn tham nhũng trong chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Nguyên nhân chính của chiến thắng mang tên Duterte ?
“Những kẻ đã giết chết con em của chúng ta sẽ bị tiêu diệt, những kẻ làm phương hại đến đất nước của tôi cũng sẽ bị giết, đơn giản chỉ vậy thôi. Không tồn tại giải pháp tạm thời, cũng không chấp nhận lời xin lỗi”. Trên đây là tuyên chỉ ngắn gọn của vị tân tổng thống Philippines mà giờ đây đã trở nên rất đỗi bình dân ở quê hương Davao của ông. Cũng tại đây, người ta nghi rằng ông Duterte đã từng cho tiêu diệt bí mật những kẻ buôn lậu ma túy và các tên tội phạm khác.
Tác giả bài báo nhận định rằng “Digong” - tên thân mật của ông Duterte, đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua tại Philippines với nhiều lý do mà có thể tóm tắt lại ở hai cụm từ “chán ngán” và “muốn thay đổi”. Thật vậy, với 6 năm cầm quyền của cựu tổng thống Benigno Aquino III, con trai của cự nữ tổng thống Corazon Aquino, mặc dù nền kinh tế Philippines đạt nhiều tăng trưởng vượt bậc nhưng khoảng ¼ dân số nước này vẫn sống dưới ngưỡng nghèo đói ; hố ngăn các giữa giàu và nghèo tiếp tục sâu thêm. Bởi vậy mà người dân ở đảo quốc này đã quá chán ngán với nền chính trị theo lối truyền thống, và khát khao một sự đổi thay.
Tương lai nào cho người dân Philippines?
Le Monde có trích dẫn nhận định của hai chuyên gia về châu Á Julio Teehankee và Mark Thompson trên trang web Mandala mà theo đó chiến thắng của ông Duterte không phải là phản ứng của những người dân nghèo tại Philippines mà là phản ứng báo hiệu của sự sợ hãi của người dân trước nạn tội phạm và tham nhũng của chính phủ.
Tuy nhiên, một vài chuyên gia về Philippines cũng dự báo rằng một khi ông Duterte lên nắm quyền thì rất có thể sẽ không giống như ông Duterte khi còn là ứng viên cho chức tổng thống. Trên bình diện an ninh quốc gia, tội phạm tiềm tàng chỉ việc tự kiềm chế. Theo một vài nguồn tin, chính sách đối ngoại của tân tổng thống sẽ phải tìm được thế cân bằng cho liên minh Philippines – Hoa Kỳ, cũng như trong mối quan hệ phức tạp giữa quốc đảo này và Trung Quốc.
Le Monde nhắc lại cho độc giả rằng cựu tổng thống Philippines trước đây đã thể hiện thái độ rất cương quyết đối với Bắc Kinh trong việc tranh chấp đảo. Bản thân ông Duterte cũng đã từng hứa trong chiến dịch tranh cử của mình rằng sẽ đích thân đi tàu rẽ sóng ra trước các tàu của Trung Quốc để đuổi những tàu này ra khỏi vùng biển đang có tranh chấp.
Thế nhưng lại cũng chính vị tân tổng thống này đã từng nói với Trung Quốc như sau : “Hãy xây dựng cho tôi các tuyến đường sắt, tôi sẽ im ngay”  “”Tôi ghét Mỹ”.
Không chỉ dừng ở đó, ông Duterte từ lâu cũng đã có mối quan hệ với phe cộng sản trên hòn đảo này. Bằng chứng là vào tháng 06 này, một số phái viên mật của tân tổng thống cũng đã tuyển mộ các trung gian hòa giải ở Na Uy, nơi sẽ diễn ra các cuộc thương thảo hòa bình với phe nổi dậy vào tháng 07 này.
Thời gian sẽ cho mọi người thấy nhân vật “Digong” này thực sự có làm thay đổi được tình hình của Philippines hay đó chỉ là một mớ các tuyên bố thô thiển và mâu thuẫn để làm nổi lên tính cách của nhân vật chẳng giống ai này.
Bài báo khép lại với lời tuyên bố nhã nhặn hiếm có của tân tổng thống Philippines hôm qua, sau khi nhậm chức: “Cho dù có quyền lực đến đâu đi chăng nữa, không một nhà lãnh đạo quốc gia nào có thể thành công mà không có sự ủng hộ và hợp tác của người dân của nước đó và chính người dân đã giao trọng trách cho người đó để điều hành đất nước”.
Pháp trung thành với ngôi nhà chung châu Âu của mình
Nhìn sang tình hình nước Pháp, nhật báo công giáo La croix cho đăng kết quả của cuộc thăm dò dư luận, do Cơ quan nghe nhìn của Pháp CSA tiến hành, sau nước Anh bỏ phiếu đồng tình rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận này, phần lớn người dân Pháp nhận định rằng Brexit là một điều tồi tế đối với nước Anh (60%) và đối với bản thân Liên Hiệp Châu Âu (55%). Còn khi được hỏi liệu có đồng tình với kịch bản của Frexit, tức là nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu hay không thì có đến 55% người dân Pháp không hề muốn nhắc đến một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như nước Anh. Thậm chí nếu điều đó xảy ra thì 61% người dân Pháp khẳng định không muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Đối mặt với Brexit, các dự án lớn của Anh rồi đi về đâu ?
Trong chuỗi các sự kiện hậu Brexit, nhật báo Le Figaro có bài viết với tựa : “Các dự án lớn của Anh đang bị đe dọa”.
Trong số các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng tại Anh, phải kể đến dự án mở rộng sân bay Heathrow ở Luân Đôn, trị giá 17,6 tỉ bảng Anh (tức là vào khoảng 21,2 tỉ euro) bằng việc xây thêm đường bang thứ ba tại đây. Dự án này từ lâu đã được thủ tướng Anh Cameron ủng hộ, và đáng lẽ ra sẽ được khởi công vào tháng 07 này nhưng giờ bị hoãn lại.
Rồi phải kể đến cả dự án cho xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Luân Đôn và Birkingham, trị giá 50 tỉ bảng Anh (tương ứng với 60 triệu euro) đáng lẽ ra sẽ được khởi công vào năm tới đây, giờ phải hoãn lại chưa biết đến lúc nào.
Và tác giả bài báo cũng không quên nhắc đến những e ngại liên quan đến dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân EPR tại Hinkley Point mà Công ty điện lực quốc gia Pháp EDF là chủ đầu tư.
Scotland muốn ở lại ngôi nhà chung châu Âu
Vẫn liên quan đến hậu Brexit, nhưng lần này là việc nước Scotland bày tỏ mong muốn được ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Le Monde có bài với tựa : "Scotland ấn định ngày với châu Âu"
Sau khi David Cameron, thủ tướng Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland, nói lời chia tay với Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, người ta thấy rằng nữ tổng thống Scotland Nicola Sturgeon đang bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục gắn bó với khối này.
Tuy nhiên, theo bài báo, nữ thủ tướng cũng đã khéo léo cân nhắc từng câu chữ : “Nếu cách duy nhất để bảo vệ mối quan hệ giữa Scotland và Liên Hiệp Châu Âu là việc lựa chọn độc lập thì tôi cho rằng người dân Scotland sẽ có quyền làm điều đó”.
Giải mã tình yêu kiểu Trung Quốc
Trở lại châu Á, nhật báo Le Figaro có bài phỏng vấn ông Dorian Malovic, tác giả cuốn sách“China Love” tạm dịch là “tình yêu theo kiểu Trung Quốc”, vừa được nhà xuất bản Tallandier phát hành vào tháng 05/2016.
Dorian Malovic vốn là thông tín viên tại Hongkong vào những năm 1980. Lý giải cho mong muốn viết cuốn sách này, trong bài phỏng vấn mình, ông cho biết : “Khi nhìn cách các cặp đôi người Trung Quốc đối xử với nhau, dưới góc độ của một người Tây Âu, tôi thấy như thiêu thiếu một điều gì đó. Đó là thiếu những cái đụng chạm thể xác và cái trừu mến giữa những cặp uyên ương. Rồi với thời gian, tôi bắt đầu chuyện trò nhiều hơn với người Trung Quốc, tôi đã hiểu ra rằng trung tâm của xã hội Trung Quốc chính là gia đình, và gia đình cũng có nghĩa là mối quan hệ giữa các cặp đôi, là tình yêu. Từ đó tôi mong muốn tìm hiểu đâu là những thông điệp tình yêu của người Trung Quốc”.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment