WASHINGTON —
Trong một phán quyết quan trọng, Toà án Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, nói rằng nước này không có “chủ quyền dựa trên yếu tố lịch sử” tại vùng biển rộng lớn này.
Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye là để đáp lại vụ khiếu kiện của Philippines vào năm 2013, Manila tố cáo Bắc Kinh là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – gọi tắt là UNCLOS, qua các hành động gây hấn của họ trên bãi cạn Scarborough, một bãi cạn nằm cách bờ biển Philippines khoảng 225 km.
Toà án Trọng tài Thường trực La Haye - PCA nói tuyên bố của Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông theo lằn ranh gọi là “đường chín đoạn” trải dài từ vùng duyên hải phía Tây Trung Quốc đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, ấn định ranh giới biển của một nước trong phạm vi 12 hải lý từ bờ biển của nước này, và quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của nước đó.
Trung Quốc đã phát động một chiến dịch chiếm đất quy mô, và một nỗ lực xây dựng quy mô trên khắp Biển Đông trong mấy năm gần đây. Nước này đã bồi đắp vô số bãi cạn thành những hòn đảo nhân tạo có khả năng làm nền cho các cơ sở quân sự, và cùng lúc, làm ngơ các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với Bắc Kinh đối với khu vực này từ Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan, cũng như từ Philippines.
Toà án La Haye cũng phán rằng không có hòn đảo nào tại quần đảo Trường Sa cho phép Trung Quốc có đặc khu kinh tế, và rằng các hoạt động xây cất trên Đá Vành Khăn đã gây “thiệt hại không thể cứu vãn được” cho hệ sinh thái của bãi cạn này.
Trung Quốc đã tẩy chay các thủ tục tố tụng tại toà, nói rằng Toà Trọng tài quốc tế không có quyền tài phán trong cuộc tranh chấp, và nhấn mạnh họ sẽ không chấp nhận, công nhận hoặc thực thi bất cứ phán quyết nào về Biển Đông, mặc dầu họ đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cùng với Philippines. Trong một thông báo công bố vài giờ trước khi Toà án La Haye loan báo quyết định của họ, Tân Hoa Xã nói rằng “toà án thao túng luật pháp” này đã đưa ra một “phán quyết không có cơ sở vững chắc.”
Bất chấp phán quyết đưa ra hôm nay, thứ Ba 12/7, Liên Hiệp Quốc không có cơ chế nào để buộc thực thi phán quyết của toà, dù là bằng hành động quân sự, hay các biện pháp chế tài kinh tế. Tuy nhiên, phán quyết này có thể mở đường cho các nước đối nghịch với Trung Quốc khác ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương đệ đơn khiếu kiện Trung Quốc, tăng sức ép đối với Bắc Kinh phải giảm thiểu sự hiện diện của họ trong Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đã chống lại thái độ ngày một hung hãn hơn của Trung Quốc trong khu vực, và đã tổ chức một số cuộc tập trận hải quân, triển khai các tàu chiến tới gần các bãi cạn đã được bồi đắp xây dựng thêm để khẳng định quyền tự do hàng hải trên vùng biển này.
Phản ứng của Trung Quốc cũng có thể còn tùy thuộc vào các hành động của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã kêu gọi đàm phán song phương để giải quyết vụ tranh cãi.
Trước khi toà án La Haye ra phán quyết, hàng chục người biểu tình ôn hoà tuần hành qua đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, kêu gọi Bắc Kinh hãy rút ra khỏi các vùng biển của Philippines. Không có vụ bạo động nào xảy ra và cũng không có ai bị bắt.
Tại Bắc Kinh, bên ngoài đại sứ quán Philippines đầy những nhà báo và cảnh sát, nhưng không thấy có người biểu tình nào.
Ông Harry Kazianis, một nhà nghiên cứu cấp cao về Chính sách Quốc phòng tại Trung tâm vì Quyền lợi Quốc gia mới đây nói với Đài VOA rằng Trung Quốc có thể có 3 sự lựa chọn để đáp lại phán quyết của toà án La Haye.
Một là tiếp tục với hướng hành động hiện tại, hai là tuyên bố một khu nhận dạng phòng không – ADIZ trên Biển Đông, và lựa chọn thứ 3 là “bất hợp tác hay trở thành nước bất hảo”, có nghĩa là Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tăng thêm áp lực trong khu vực.
Trung Quốc trong thời gian qua đã tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự chung quanh quần đảo Hoàng Sa trong lúc chờ đợi phán quyết của toà hôm thứ Ba.
Ý kiến của bạn
Tất cả các bình luận (44)