Wednesday, August 31, 2016

Trung Quốc đẩy châu Á-Thái Bình Dương chạy đua trang bị tầu ngầm

Trung Quốc đẩy châu Á-Thái Bình Dương chạy đua trang bị tầu ngầm

mediaTầu ngầm Scorpene đầu tiên được giao cho Hải Quân Ấn Độ. Ảnh chụp tại Mumbai, ngày 06/04/2016.Reuters/Shailesh Andrade
Một vụ rò rỉ dữ liệu liên quan đến thế hệ tầu ngầm mới của Ấn Độ cho thấy rõ hơn cuộc chiến tầu ngầm đang trở thành trọng tâm cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á-Thái Bình Dương.
Theo báo mạng Foreignpolicy.com (26/08/2016), đối mặt với một nước Trung Hoa mạnh tay chi tiền cho cỗ máy quân sự và tăng cường những đòi hỏi chủ quyền quá đáng tại các hòn đảo đang có tranh chấp, các đối thủ của Bắc Kinh buộc phải đầu tư cho quân đội để có thể ngăn chặn quân đội giải phóng Trung Quốc ngày càng hùng hậu. Tại khu vực Đông Nam Á, các nước láng giềng của Trung Quốc chi rất nhiều để mua tầu ngầm, những cỗ máy yên tĩnh chạy bằng điện và diesel có khả năng qua mặt lực lượng quốc phòng Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, tiết lộ vào tuần trước của nhật báo Australian về vụ rò rỉ 20.000 trang dữ liệu liên quan đến thiết kế kỹ thuật chi tiết của tầu ngầm lớp Scorpene, được Pháp bán cho Ấn Độ, đã gây nên làn sóng lo ngại. New Delhi ngay lập tức yêu cầu chính quyền Pháp điều tra làm sao một nhà sản xuất nổi tiếng như DCNS lại có thể để mất các dữ liệu trên. Chính quyền Úc, đất nước đã chọn tập đoàn của Pháp để đóng thế hệ tầu ngầm mới, cũng nhanh chóng lên tiếng cảnh cáo nhà thầu Pháp tăng cường an ninh bảo mật.
Những phản ứng gay gắt trên cho thấy vị trí quan trọng của tầu ngầm trong cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á. Thông qua tầu ngầm, các quốc gia đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển quân sự của Trung Quốc muốn gửi một tín hiệu rằng họ không khoanh tay đứng nhìn những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh bằng các biện pháp cưỡng chế và đơn phương hành động, đặc biệt là ở Biển Đông.
Trang bị tầu ngầm để đối phó với lực lượng quân sự hùng hậu Trung Quốc
Úc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ khó có thể kháng cự được hệ thống radar và các giàn tên lửa được đặt dọc bờ biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước này có thể có được những con tầu ngầm âm thầm lướt dưới hàng rào hải quân của Bắc Kinh.
Thực vậy, trong khi Trung Quốc chi hàng tỉ đô la để nâng cấp mọi mặt của quân đội, từ chiến đấu cơ đến tầu khu trục, nhưng khả năng chiến đấu chống tầu ngầm của họ thì lại ì ạch, theo nhận định của ông Bryan Clark, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách. Và kẽ hở này đã để mở một chiến lược cho các đối thủ của Trung Quốc. Vị cựu thành viên Hải Quân Mỹ và cố vấn hàng đầu trong lĩnh vực tầu ngầm cũng nhận định :“Các nước này thật sự thấy tầu ngầm là yếu tố quan trọng cho đội tầu của họ”.
Còn theo ông Jonathan Greenert, cựu tư lệnh Hải Quân Mỹ, tầu ngầm là một loại vũ khí hấp dẫn cho các nước châu Á-Thái Bình Dương. Các chính phủ trong vùng có thể sẽ tăng ngân sách đầu tư mua tầu chiến trong bối cảnh đáng lo ngại là Trung Quốc không ngừng phát triển kho tên lửa. Ông nhận định : “Bạn có thể chứng tỏ một cách kín đáo sức mạnh hủy diệt, và đó là một lời răn đe”.
Chính vì vậy, tiết lộ về vụ rò rỉ dữ liệu các thiết kế tầu ngầm Scorpene khiến cả hai khách hàng của tập đoàn Pháp DCNS, là Ấn Độ và Úc, lo sợ vì những tài liệu trên chứa rất nhiều thông tin vô cùng quan trọng, như thời gian lặn, các loại ngư lôi và mọi kiểu tiếng ồn trong thời gian vận hành dưới nước. 
Ông Emmanuel Gaudez, phát ngôn viên của DCNS, thừa nhận vụ rò rỉ dữ liệu là một “vấn đề nghiêm trọng” và đang được chính quyền Pháp điều tra vì an ninh quốc phòng. Họ sẽ đánh giá tính chất các tài liệu bị đánh cắp, những thiệt hại có thể xảy ra cho khách hàng của DCNS, cũng như trách nhiệm của vụ rò rỉ thông tin này.
Cuộc chạy đua tầu ngầm xuất phát từ việc Bắc Kinh ngăn cản các đối thủ của mình thâm nhập vào các vùng biển nhờ một hệ thống tên lửa và căn cứ hải quân. Các giàn radar hùng hậu của Trung Quốc càng khiến các đội tầu của Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác tăng cường tuần tra tại Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Kinh còn triển khai vài chục hệ thống tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu cách bờ biển nước này hàng trăm dặm.
Việt Nam trang bị tầu ngầm để buộc Trung Quốc cân nhắc đối đầu
Để đối phó với tình hình trên, từ năm 2006, Việt Nam, đất nước thường xuyên có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên Biển Đông, đã mua sáu tầu ngầm lớp Kilo của Nga với tổng trị giá khoảng 2,6 tỉ đô la để triển khai ở vịnh Cam Ranh.
Các tầu ngầm Kilo tàng hình chạy bằng điện và diesel có khả năng hoạt động gần như tuyệt đối im lặng và được trang bị thủy lôi tầm ngắn và tên lửa chống tầu biển với tầm bắn khoảng 188 dặm. Những vũ khí mới của quân đội Việt Nam sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc kĩ trước khi quyết định đối đầu với Việt Nam. Hà Nội cũng đang tìm cách mua máy bay tuần tra P-3 Orion của Hoa Kỳ để theo dõi tầu ngầm của Trung Quốc.
Dù Trung Quốc có cả một hạm đội tầu hùng mạnh, trong đó có 70 tầu ngầm, đông hơn rất nhiều so với số lượng của hải quân Việt Nam, nhưng Bắc Kinh khó lòng theo dõi được những chiếc tầu ngầm mới được Hà Nội mua, được đánh giá là di chuyển nhẹ nhàng và có thể tấn công theo kiểu du kích dưới biển. Hạm đội tầu ngầm của Hà Nội có thể tiến hành một cuộc chiến không cân sức với một đối thủ hùng mạnh hơn, như chiến lược trước đây mà Việt Nam đã sử dụng để chiến thắng quân đội Mỹ và Pháp.
Việc Việt Nam mua tầu ngầm cũng góp phần làm ngân sách quân sự tại châu Á không ngừng tăng. Trong suốt thập kỷ qua, các nước trong vùng tăng cường cải tiến quân sự do Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này. Theo thống kê của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute), chi tiêu cho quân sự tại châu Á đã tăng 5,4% từ năm 2014 đến 2015, so với mức tăng 1% trên toàn thế giới.
Đông Nam Á và Nam Á, thị trường béo bở cho tầu ngầm
Indonesia cũng gia nhập thị trường tầu ngầm tàng hình chạy bằng diesel và tập trung mở rộng hạm đội tầu của mình, từ 2 lên thành 7 chiếc. Kế hoạch này được công bố vào năm 2015, với việc mua hai tầu ngầm lớp Kilo của Nga và đang chờ nhà sản xuất tầu ngầm Hàn Quốc giao ba chiếc theo đơn đặt hàng từ năm 2012. Jakarta lên kế hoạch triển khai một số tầu, cùng với chiến đấu cơ, tại một căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, khu vực nằm chồng lấn với “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại Biển Đông.   
Ấn Độ thận trọng theo dõi việc Trung Quốc bắt đầu cho vận hành tầu ngầm tại Ấn Độ Dương trong những năm gần đây. New Delhi thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đóng 24 tầu ngầm từ nay đến 30 năm nữa với mục đích theo dõi đội tầu ngầm tối tân của Bắc Kinh.
Thế nhưng, dự án tầu ngầm Scorpene đã bị gián đoạn trong vòng nhiều năm. Chiếc tầu ngầm đầu tiên INS Kalvari, nằm trong đơn đặt hàng 6 chiếc thuộc lớp này, được dự kiến giao vào năm 2012, cuối cùng phải chờ đến tận năm 2016 mới được thử ngoài khơi lần đầu tiên.
Ngoài việc dự án Scorpene gần như giậm chân tại chỗ, tiếp theo là vụ đánh cắp hơn 20.000 trang thiết kế, đã khiến chính quyền Ấn Độ phẫn nộ. Và sự kiện này cũng tác động đến Úc, khi chính phủ nước này vừa mới ký 38 tỉ đô la hợp đồng với tập đoàn DCNS để đóng một tầu ngầm tân tiến. Dựa trên thiết kế tầu ngầm nguyên tử của Pháp, tầu ngầm loại Barracuda, phiên bản ngắn, được cho là sẽ giúp Canberra thị uy sức mạnh trong khu vực ngoài khơi phía bắc Úc.
Thay vì chạy bằng nguyên tử, tầu ngầm Barracuda sử dụng điện-diesel, có khả năng thực hiện những chiến dịch ngoài khơi dài ngày và được trang bị một hệ thống điều khiển chiến đấu của Mỹ. Ônng Clark nhận xét : “Đó sẽ là tầu ngầm chạy diesel tốt nhất thế giới nếu họ (Úc và Pháp) thực hiện được”.
Paris đã vận động hành lang không mệt mỏi để đạt được hợp đồng đầy lợi nhuận này cho tập đoàn DCNS, bất chấp sự phản đối của Washington. Nhà Trắng muốn Úc chọn nhà thầu Nhật Bản để tăng cường căn cứ công nghiệp quốc phòng của quốc gia Đông Á này vào lúc mà Hoa Kỳ tìm kiếm một đồng minh chiến lược để cùng gánh trách nhiệm trong khu vực và nhằm ngăn chặn những động thái quân sự của Trung Quốc.
Vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm liên quan đến thiết kế tầu ngầm Scorpene của DCNS đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về tình trạng bảo mật của tập đoàn này. Liệu tập đoàn của Pháp có giữ được bí mật các thông số kỹ thuật của Scorpene hay không trong khi Bắc Kinh luôn quan tâm đến khả năng của tầu ngầm này ?
Nhiều quốc gia khác đang đặt tầu Scorpene của Pháp, như Chilê, Malaysia và Brazil, cũng lo ngại trước sự kiện đánh cắp thông tin trên.
Ông Cameron Stewart, biên tập viên của Australian, tờ báo đã đưa tin về vụ đánh cắp thông tin từ DCNS, nhận định với Foreign Policy : “Tôi không nghĩ là thông tin bị đánh cắp nhằm mục đích gián điệp mà có thể là nhằm mục đích hỗ trợ, như là tài liệu tham khảo, cho một khóa học quân sự với một lực lượng hải quân trong khu vực Đông Nam Á”.
Vẫn theo ông Stewart, “những dữ liệu này đã nằm tại Đông Nam Á ít nhất trong vòng vài năm sau khi bị đánh cắp từ Pháp vào năm 2011”. Ông tin là “những dữ liệu sẽ không bị phát tán ngoài phạm vi những người nhận ở Úc, nhưng hiện vẫn chưa rõ phải chăng các thông tin đó bị sao chép, đánh cắp hay bị tiết lộ một cách nào đấy khi chúng ở Đông Nam Á”.
Thế nhưng, với danh sách dài các nước đang tìm mua tầu ngầm của Pháp, các quan chức của DCNS cũng phải điều tra xem vụ rò rỉ thông tin trên có nhằm mục đích tình báo công nghiệp hay không. Tập đoàn DCNS hiện đang cạnh tranh để giành được các hợp đồng đóng tầu ngầm cho Ba Lan và Na Uy. Theo nhận định của ông Gaudez, phát ngôn viên của DCNS,“vấn đề cạnh tranh ngày càng trở nên khó khăn và đánh cắp thông tin có thể là phương thức được sử dụng”.
Cùng chủ đề

Thế Chiến I: Số phận lao động Trung Quốc tại Pháp và Anh

Thế Chiến I: Số phận lao động Trung Quốc tại Pháp và Anh

mediaLao động Trung Quốc đến thành phố Lunéville, tỉnh Meurthe-et-Moselle năm 1917.© Collections BDIC
Những người lính thợ Trung Quốc đầu tiên cập cảng nước Pháp cách đây đúng 100 năm. Hàng trăm nghìn đàn ông đã được chính quyền Pháp và Anh tuyển mộ để tạm thời giải quyết tình trạng thiếu nhân công do Thế Chiến Thứ Nhất gây ra.
Theo phóng viên Stéphanie Trouillard, đài truyền hình France 24 (27/08/2016), vào cuối mùa hè năm 1916, đường phố ở thủ đô Paris náo nhiệt hơn thường lệ. « Xuyên suốt Paris, người ta nhìn thấy hàng nghìn người Trung Quốc đi từ nhà ga Lyon đến ga Saint-Lazare », theo nhận định của tờ Le Gaulois trong số ra ngày 29/08/1916. « Họ trông chắc khỏe, lanh lẹ, mặc một chiếc khoác và quần mầu xanh dương, đội mũ rơm và khoác trên vai một bọc quần áo. Họ không có vẻ nhớ nhà và thích thú ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Họ bị ấn tượng trước những ngôi nhà, công trình và những người qua đường đang dừng lại nhìn họ đi qua »
Đoàn người Trung Quốc này là những lao động mới cập cảng Marseille vài ngày trước đó. Họ được đưa đến Pháp theo một bản thỏa thuận ký tháng 05/1916 với chính quyền Trung Quốc. Giảng viên đại học Laurent Dornel, đại học Pau (miền nam Pháp), chuyên gia về nhân công thuộc địa trong Thế Chiến Thứ Nhất, giải thích : « Người Pháp tìm nhân công khắp nơi vì thiếu nhân lực do cuộc chiến gây ra. Cũng như Pháp, Anh Quốc cũng có nhiều nhượng địa tại Trung Quốc, thế là họ nảy ra ý định tìm nhân công tại những vùng này. Thời đó đã có hiện tượng « phu » (cu li). Nhiều người Trung quốc rời đất nước để đi lao động ở đảo Réunion, quần đảo Antilles(thuộc Pháp), thậm chí, họ còn xây dựng đường sắt ở Mỹ vào thế kỷ XIX ».
« Đối tượng trẻ, cường tráng »
Trong khi châu Âu đang bị chiến tranh giằng xé từ hai năm trước đó, Trung Quốc, quốc gia trung lập, nhanh chóng chấp nhận gửi nhân lực tham gia cuộc chiến của phe Đồng Minh. Với tuổi đời chừng 25-30, đa số những thanh niên này được ký hợp đồng thời hạn từ 3 đến 5 năm. Họ xuất thân từ các tỉnh Sơn Đông (Shandong), Hà Bắc (Hebei), Giang Tô (Jiangsu) nằm ở phía đông Trung Quốc. Theo một bài báo đăng trên tờ Le Figaro tháng 08/1916, việc tuyển chọn được tiến hành « một cách nghiêm túc ». Chỉ có « những đối tượng trẻ, cường tráng, có khả năng chịu mọi điều kiện lao động và khéo léo trong chuyên môn của họ » mới được tuyển.
Tổng cộng có khoảng 37.000 người Trung Quốc được nước Pháp tuyển mộ và ít nhất 100.000 người bên phía Anh Quốc. Số phận của những lao động này tùy vào cách phân chia trên. Số lao động nằm dưới sự quản lý của Anh Quốc sẽ được các sĩ quan thuộc Chinese Labour Corps trực tiếp quản lý và được cử làm những công việc hậu cần gần chiến tuyến. Còn những người nằm dưới sự quản lý của Pháp thì phụ thuộc vào phân đội lao động thuộc địa và được phân bổ trên toàn nước Pháp.
Nhà sử học Laurent Dornel cho biết : « Họ được đưa về các vùng công nghiệp và trở thành người vận chuyển hay nhân công trong các nhà máy. Một số khác thì bốc dỡ hàng hóa ở các hải cảng như Rouen, Brest hay La Rochelle. Cũng có một số người làm trong kho súng đạn ».
Các cuộc nổi dậy của lao động Trung Quốc
Thế nhưng, thời gian sống trên đất Pháp không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Bị cô lập khỏi dân chúng, thường xuyên phải sống trong các lán trại, thậm chí trong các doanh trại, và không biết nói một từ tiếng Pháp, những người lao động Á châu này còn thường xuyên chịu kiểm soát chặt chẽ.
Vẫn theo giảng viên lịch sử đại học Pau, « người Trung Quốc có hợp đồng lao động tự do, nhưng chính quyền lại muốn áp đặt với họ biện pháp quân sự được áp dụng đối với nhân công đến từ các thuộc địa Algeria, Tunisia hay Madagasca. Người Trung Quốc, vì không xuất thân từ một thuộc địa, cảm thấy khó chịu vì bị đối xử như họ ».
Bằng chứng của những căng thẳng này được tờ Le Matin miêu tả vào tháng 01/1917 : « Một cuộc xô xát đẫm máu xảy ra giữa người Hoa và người Algeri » tại một nhà máy ở Bassens, gần thành phố Bordeaux. Kết quả là hai người chết và khoảng 10 người bị thương.
Một số lao động Trung Quốc còn yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Nhiều cuộc bạo động thậm chí xảy ra ngay trong các nhà máy, ví dụ như tại nhà máy sản xuất vũ khí Châtellerault vào ngày 28/12/1916 khi lao động người Hoa phản đối một đồng hương của họ bị bắt giữ. Quân đội đã được cử đến hiện trường để trấn áp cuộc nổi dậy và bắt giữ khoảng 15 người.
Cuối cùng, khi thỏa thuận đình chiến được ký kết, những lao động này vẫn không được hồi hương vì hợp đồng của họ vẫn còn hiệu lực : « Sau chiến tranh, họ được sử dụng để rà phá bom các chiến trường và dọn dẹp chiến hào vì dân Pháp được tổng động viên ra chiến trường trở lại vị trí làm việc của họ trước đây. Ngoài ra, họ cũng được dùng để chôn xác chết trong các đám tang tập thể ».
« Biểu tượng về sự thống trị của phương Tây đối với Trung Quốc »
Vào đầu những năm 1920, các đợt hồi hương bắt đầu được tiến hành. Đa số họ chọn trở về quê hương, nhưng cũng có vài nghìn người quyết định ở lại Pháp, trong đó có Paris và vài thành phố ở các tỉnh. Người cuối cùng trong số những người sống sót, ông Vĩ Thành Sở (Wouei Cheng Tchou), sau này đổi tên thành Jean Tchou, đến Pháp năm 1916 và qua đời năm 2002 tại La Rochelle, thọ 105 tuổi, và chưa từng quay lại quê hương.
Trong gần một thế kỷ, chặng đường của ông Vĩ Thành Sở, cũng như nhiều đồng hương của ông, không được biết đến. Chỉ mới gần đây, các nhà sử học quyết định công bố giai đoạn lịch sử này.
Ông Laurent Dornel nhận định : « Đối với Trung Quốc, trong thời gian rất lâu, đây là một chương sử đáng hổ thẹn. Bắc Kinh coi đó là biểu tượng của sự thống trị của phương Tây đối với Trung Quốc. Còn tại Pháp, giai đoạn này cũng bị bỏ qua vì người ta muốn kỷ niệm chiến thắng hào hùng của Thế Chiến Thứ Nhất ».
Thế nhưng, những người lao động này đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến nhằm bổ sung sự thiếu hụt nhân lực. Rất nhiều người đã bỏ sinh mạng. Trên tổng số chừng 140.000 người Trung Quốc được gửi đến Pháp, khoảng một chục nghìn người đã chết tại đây, thường do bệnh tật.
Cùng chủ đề

Hoà giải dân tộc, thử thách lớn của Aung San Suu Kyi

Hoà giải dân tộc, thử thách lớn của Aung San Suu Kyi

mediaBà Aung San Suu Kyi trong một cuộc họp báo tại Naypyitaw, ngày 30/08/2016.REUTERS/Stringer
Khôi nguyên Nobal hoà bình 1991, Aung San Suu Kyi bước vào vòng đấu. Hội nghị « Panglong Thế kỷ 21 » khai mạc tại Naypyidaw với mục tiêu vãn hồi hoà bình với 135 sắc tộc tại Miến Điện, trong đó có nhiều lực lượng võ trang không tin cậy vào quân đội. Đây là thử thách lớn nhất của chính phủ dân sự.
Theo chương trình, hội nghị hoà bình từ hôm nay đến cuối tuần mở đầu cho một tiến trình thương lượng dài hơi trong nhiều năm. Giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến dài nhất thế giới để kiến thiết quốc gia là mục tiêu của bà Aung San Suu Kyi - kiêm nhiệm hai chức vụ ngoại trưởng và cố vấn nhà nước tối cao, trên thực tế là người lãnh đạo chính phủ - đặt lên hàng trọng yếu.
Người cựu tù nhân chính trị của chế độ quân sự thân Bắc Kinh đã không ngần ngại bay sang Trung Quốc hồi tuần trước để thuyết phục chính quyền Tập Cận Bình ủng hộ tiến trình hoà bình. Bà Aung San Suu Kyi nói thẳng : « Không có hoà bình sẽ không có phát triển lâu dài ».
Vấn đề là sau 60 năm nội chiến, hoà bình không thể hoàn tất một sớm một chiều.
Vào năm 1947, nỗ lực chuẩn bị độc lập và xây dựng một quốc gia liên bang, trong đó các sắc tộc thiểu số được trao nhiều quyền tự trị, đã được chính thân phụ của bà Aung San Suu Kyi phát khởi đầu tiên, qua hội nghị Panglong I. Đến năm sau, Miến Điện độc lập nhưng lãnh đạo phong trào kháng chiến Aung San bị ám sát.
Tình hình hổn loạn vì tranh giành giữa các đảng phái kéo dài đến năm 1962 thì tướng Ne Win đảo chính. Từ đó cho đến 2011, các chính phủ quân sự thay nhau cầm quyền và xung đột cũng triền miên, các sắc dân thiểu số không muốn bị người Miến, sắc dân chiếm đa số, ức chế.
Đến năm 2015, chính phủ chuyển tiếp mở đường từ quân sự sang dân sự của tổng thống Thein Sein thành công thuyết phục được 8 phong trào võ trang ký thỏa thuận ngưng bắn sau một thời gian dài đàm phán. Nhưng, những nhóm mạnh nhất vẫn từ chối và chiến sự bùng dậy ở hai bang Shan và Kachin.
Bà Aung San Suu Kyi cũng biết là con đường trước mặt rất gian nan và loan báo trước sẽ phải « gặp lại mỗi sáu tháng » để thẩm định tình hình tiến triển. Theo nhà phân tích chiến lược Anthony Davis của Viện nghiên cứu IHS-Jane’s thì thời gian đàm phán, sau « Panglong II» có thể kéo dài sang nhiều năm.
Những nhóm muốn hoà bình chờ đợi bà Aung San suu Kyi nói rõ kế hoạch nhà nước liên bang và các quyền tự trị trong hội nghị xem sao.
Nhưng một số nhóm sắc tộc khác cũng như một bộ phận trong quân đội lại muốn tình trạng bất an kéo dài để bảo vệ quyền lợi bất chính như ma túy và buôn lậu của họ.
Trong cuộc bầu cử cuối năm 2015, đại đa số các sắc dân thiểu số đã dồn phiếu cho Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, theo AFP, sự ủng hộ chính trị này không đủ để tạo niềm tin hoà giải dân tộc.
Lý do sâu xa là các sắc dân thiểu số vẫn xem bà Aung San Suu Kyi là đại diện của sắc dân Miến, thành phần đa số thống trị Miến Điện từ trước đến nay.
 
Cùng chủ đề

Hoà đàm sắc tộc : Aung San Suu Kyi hứa lập Nhà nước liên bang

Hoà đàm sắc tộc : Aung San Suu Kyi hứa lập Nhà nước liên bang

mediaKhai mạc Hội nghị Panglong của thế kỷ 21 tại Naypyitaw ngày 31/08/2016. Trong ảnh (từ trái qua phải), tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, chủ tịch Hạ Viện Mahn Win Khaing Than, phó chủ tịch Henry Van Thio, cố vấn Nhà Nước Aung San Suu Kyi....REUTERS/Soe Zeya Tun
Ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi cam kết sẽ cải cách đất nước thành một « Liên bang » nếu các sắc tộc thiểu số ký kết thỏa thuận ngưng chiến. Nobel Hoà bình 1991, nhân vật nắm thực quyền tại Miến Điện tuyên bố như trên trong diễn văn khai mạc hội nghị hoà bình lịch sử.
Được đặt tên là « Panglong thế kỷ 21 », hội nghị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến 60 năm khai mạc tại Naypyidaw ngày hôm nay 31/08. Khoảng 700 đại diện của các nhóm nổi dậy tham gia hội nghị trong số này có tổ chức người Kachin, được Trung Quốc thuyết phục.
Lên cầm quyền từ 5 tháng nay, bà Aung San Suu Kyi đặt mục tiêu chấm dứt nội chiến 60 năm và thành lập nhà nước liên bang, làm ưu tiên số một. Đây cũng là mục tiêu dang dở của hội nghị Panglong năm 1947, do thân phụ của bà là lãnh đạo Aung San triệu tập, sau đó ông bị ám sát.
Trong diễn văn khai mạc, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tuyên bố là « nếu những tác nhân có vai trò trong tiến trình hoà bình biết dung hoà các quan điểm khác biệt vì lợi ích của dân chúng thì chắn chắn sẽ xây dựng được một liên hiệp dân chủ và liên bang mà chúng ta hằng mơ ước ». Bà Aung San Suu Kyi thúc giục các tổ chức chưa ký thỏa thuận ngưng bắn với chính phủ trước hãy gia nhập vào trào lưu mới hoà bình.
Một trong những « tác nhân » mà bà Aung San Suu Kyi đề cập đến là quân đội.
Tổng tham mưu trưởng quân đội cũng tuyên bố theo chiều hướng này. Theo tướng Min Aung, ông sẽ tận lực thực hiện tiến trình hoà giải vì « binh sĩ quân đội và chiến binh các nhóm sắc tộc võ trang là nạn nhân trực tiếp của tình trạng đất nước không được hoà bình ».
Theo AFP, thiếu vắng lớn nhất trong hội nghị hoà bình là sắc tộc Rohingyas. Ngày hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền dân sự cải thiện đời sống, chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với cộng đồng 1,1 triệu người theo đạo Hồi.
Ngược lại, tổ chức vì Kachin độc lập, từ chối ký lệnh ngưng chiến với chính phủ Thein Sein, lần này tham gia hội nghị, có lẽ nhờ có sự thúc giục của Trung Quốc.
 
Cùng chủ đề