Thông cáo chung Miến Điện-Trung Quốc tránh đề cập đến Biển Đông
Bà Aung San Suu Kyi trong chuyến công du Bắc Kinh, ngày 18/08/2016.Reuters
Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi kết thúc chuyến công du Trung Quốc hôm nay 21/08/2016. Thông cáo chung của đôi bên không hề nhắc đến vấn đề Biển Đông. Đây là "một thắng lợi" của Bắc Kinh, hiện đang làm mọi cách để tránh né các nhận xét tiêu cực từ các quốc gia thành viên ASEAN về vấn đề này.
Theo báo Ấn The Hindu, thông cáo chung được đưa ra sau cuộc gặp của bà Aung San Suu Kyi với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề đề cập đến tranh chấp Biển Đông.
Thông cáo cho biết Miến Điện hoan nghênh sáng kiến « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc, và hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ- Miến Điện (BCIM) chạy dài hơn 2.000 km nối liền Vân Nam của Trung Quốc với Mandalay của Miến Điện, đi ngang qua Bangladesh và kết thúc tại Ấn Độ. Phía Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của Miến Điện « vì hòa bình và hòa giải dân tộc thông qua đối thoại ».
Trước chuyến đi, báo chí Miến Điện nhấn mạnh việc bà Suu Kyi tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc hòa giải với các nhóm nổi dậy mà từ hơn nửa thế kỷ qua vẫn được nuôi dưỡng bằng việc buôn lậu ma túy, gỗ và cẩm thạch qua ngõ Trung Quốc.
Hồ sơ rất được chú ý là dự án đập thủy điện Myitsone 3,6 tỉ đô la do Trung Quốc đầu tư, đã bị chính quyền Thein Sein trước đây cho ngưng vì gây thiệt hại cho môi trường, không thấy nhắc đến trong thông cáo. Trong một thư ngỏ gởi đến ông Tập Cận Bình, 60 nhóm xã hội dân sự tại Rangun nhấn mạnh rằng « Nhân dân Miến Điện chưa bao giờ được tham khảo ý kiến kể từ khi dự án đập Myitsone được khởi thảo ».
Báo The Irrawaddy cho biết 26 tổ chức xã hội dân sự của người Shan và nhóm bảo vệ môi trường kêu gọi cho ngưng ngay lập tức các dự án xây đập ở sông Salween. Một thư ngỏ khác gởi cho bà Aung San Suu Kyi cảnh báo dự án đập thủy điện gây tranh cãi có thể làm trầm trọng thêm tình hình tại các khu vực nổi dậy.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment