Lào có dấu hiệu xa lánh Trung Quốc
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (trái) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, 15/05/2016.REUTERS/Kham
Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên công du Lào trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này vừa thay đổi ban lãnh đạo. Vốn chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, liệu với thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 và sự có mặt của ông Barack Obama có là cơ hội để Vientiane mạnh dạn giữ khoảng cách với Trung Quốc, thắt chặt thêm quan hệ với Việt Nam và thân thiện hơn với Mỹ ?
Hiếm khi nào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lại được chú ý nhiều đến như lần này. Trong cương vị chủ tịch luân phiên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, Lào tổ chức thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 mở ra từ ngày 06 đến 08/09/2016 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là sự có mặt của tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama.
Theo giới phân tích, đối với chủ nhân Nhà Trắng, thượng đỉnh Vientiane 2016 là cơ hội để tiếp tục thúc đẩy chính sách « xoay trục » của Washington sang Châu Á, nhằm đối phó với đà vươn lên cả về mặt kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Lào, một quốc gia nhỏ bé với 7 triệu dân, có đường biên giới chung với Trung Quốc và Việt Nam cho nên về mặt kinh tế, chính trị, Vientiane lệ thuộc nhiều vào hai nước láng giềng này.
Với Trung Quốc, Lào có đường biên giới phía bắc. Năm 2015 Trung Quốc đầu tư khoảng 1 tỉ đô la vào nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cao hơn gấp đôi so với một năm trước đó. Khách sạn do người Trung Quốc quản lý mọc lên như nấm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó là hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp hay các dự án xây dựng đập thủy điện.
Còn với Việt Nam, Lào chia sẻ một đường biên giới dài hơn 2100 cây số, Việt Nam là cửa ngõ mở ra đại dương.Trong mắt chính quyền Hà Nội, thì Lào là cánh cổng để hàng hóa của Việt Nam dễ tiếp cận hơn với thị trường Thái Lan và còn hơn thế nữa. Thêm vào đó, Việt Nam, Lào và Trung Quốc cùng chia sẻ dòng sông Mêkông.
Về mặt chiến lược, Việt Nam và Trung Quốc cùng chiếm vị trí hết sức quan trọng đối với Lào. Vientiane tham vọng trở thành nguồn cung cấp thủy điện cho các nước lân cận, nhờ khai thác các nhà máy được xây dựng bên dòng sông Mêkong. Còn nhìn từ phía Bắc Kinh thì Lào là cổng vào Đông Nam Á trên con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho đến thời gian rất gần đây, chính phủ Lào có khuynh hướng ngả về phía Trung Quốc nhiều hơn là về phía Việt Nam. Đặc biệt là trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Lào từng bị chỉ trích là đã bị Bắc Kinh mua chuộc.
Vientiane còn là một quốc gia khép kín. Ít có thông tin về chính sách đối ngoại của quốc gia này, nhưng theo một nhà ngoại giao phương Tây được hãng tin Reuters trích dẫn, dường như đang có một số thay đổi về mặt chiến lược của Lào.
Trước hết là phó thủ tướng Somsavat Lengsavat, một nhân vật nổi tiếng là thân Bắc Kinh đã về hưu. Ông này là người đã bật đèn xanh cho dự án đường sắt Trung Quốc tại Lào, tổng trị giá đầu tư lên tới 7 tỷ đô la. Có điều dự án đầy tham vọng nói trên ngày càng bị công luận chỉ trích vì cho là bất lợi cho phía Lào.
Một dấu hiệu thứ nhì cho thấy, Vientiane đang thắt chặt hơn quan hệ với Việt Nam là kể từ khi thay đổi chính phủ Lào hồi tháng 4/2016, nhiều người thân cận với tân thủ tướng Thongloun Sisoulith từng được đào tạo tại Hà Nội. Bản thân thủ tướng Lào thì đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên để đến Việt Nam.
Hơn nữa, về mặt văn hóa, Lào cũng gần gũi với Việt Nam hơn là với Trung Quốc. Cuối cùng, trong hợp tác về kinh tế, Lào ngày càng bất mãn với thái độ ỉ lớn ăn hiếp nhỏ của các doanh nhân Trung Quốc. Đó cũng là một yếu tố giải thích vì sao, cho dù phải dựa nhiều vào Bắc Kinh nhưng Vientiane vẫn thận trọng với đối tác quá to lớn này.
Sau cùng, thêm một dấu hiệu thứ ba cho thấy Lào đang giữ khoảng cách với Trung Quốc đó là, tại hai cuộc họp ASEAN gần đây, khác với phái đoàn Cam Bốt, đại diện của Vientiane đã dè dặt hơn trong việc bênh vực Bắc Kinh về hồ sơ Biển Đông.
Vẫn Reuters trích dẫn lời một người trong cuộc cho rằng, chính quyền mới ở Vientiane có vẻ thân thiện với Việt Nam hơn, thì việc tổng thống Mỹ công du nước Lào « sẽ không bao giờ là quá trễ ». Còn theo lời một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, « Lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở Lào là chứng kiến quốc gia này thể hiện được mức độ tự chủ chiến lược nhất định, vì Washington không muốn thấy Lào thân Trung Quốc như Cam Bốt »
Một quan chức của bộ Quốc Phòng Mỹ xin được giấu tên không bình luận về tầm mức chiến lược trong quan hệ của Hoa Kỳ với Lào, nhưng khẳng định Vientiane là « đối tác quan trọng »của Washington.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment