Thiếu đất canh tác, Trung Quốc cải cách nông nghiệp để nuôi dân
Người nông dân Trung Quốc tẽ ngô để phơi. Ảnh minh họa.REUTERS
Đối mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực ngày càng lớn, Trung Quốc buộc phải cải cách ngành nông nghiệp. Theo nhận định của tuần báo Times (17/08/2016), quyết định này có thể là bước thay đổi lớn nhất kể từ « Bước Đại Nhảy Vọt » do Mao Trạch Đông phát động.
Những hộ nông dân nhỏ, có diện tích đất canh tác trung bình khoảng 0,65 ha, là nguồn đảm bảo lương thực cho toàn Trung Quốc. Thế nhưng, tại đất nước có hơn 1,3 tỉ dân, chiếm gần 1/5 dân số thế giới, hiện chỉ còn khoảng 7% đất canh tác được. Một mặt do đất đai ngày càng trở nên cằn cỗi, chiếm hơn 40% diện tích đất nước. Mặc khác do tình trạng lạm dụng phân hóa học và tăng cường nuôi thả súc vật. Trong khi báo chí Trung Quốc chỉ đề cập hiện tượng các nhà máy thả khí gây ô nhiễm, các chuyên gia cho rằng, so với ngành công nghiệp, ngành nông nghiệp còn gây tác động xấu hơn đến môi trường.
Năm 2015, Trung Quốc sản xuất 600 triệu tấn lương thực, đây là năm thứ 12 có sản lượng tăng liên tiếp. Thế nhưng, trong vòng ba thập kỷ tới, khoảng 300 triệu người Trung Quốc sẽ phải bỏ nghề nông để kiếm việc tại các đô thị lớn vì đất canh tác sẽ bị các cụm đô thị gặm nhấm. Những trung tâm này cũng tiêu thụ ngày càng nhiều thịt, ngũ cốc và sản phẩm từ sữa. Hiện nay, trung bình mỗi năm một người Trung Quốc ăn khoảng 63 kg thịt, nhưng số lượng này sẽ tăng thêm khoảng 30 kg mỗi người cho đến năm 2030.
Chính sách cải cách nông nghiệp lớn nhất kể từ "Bước Đại Nhảy Vọt"
Đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có những biện pháp bình ổn lương thực quốc gia. Trước tiên, chính quyền tiến hành nhiều vụ thu mua đất nông nghiệp có quy mô lớn ở nước ngoài, trong đó phải kể đến nhà máy sữa lớn nhất nước Úc, tiếp theo là hơn 324.000 ha đất nông nghiệp ở Achentina và nhiều nhà máy trồng và chế biến giá đỗ có trị giá nhiều tỉ đô la tại Brazil.
Còn tại Trung Quốc, một mặt, chính phủ cho lập lại chính sách thuế đánh vào thuốc trừ sâu và phân bón. Mặt khác, nhiều biện pháp khuyến khích và hỗ trợ được áp dụng cho người nông dân. Đối với những loại cây trồng không có lợi cho sinh thái, ít lợi nhuận và có sản lượng dư thừa, như cây ngô, người nông dân sẽ nhận được trợ giúp từ chính phủ để giảm bớt diện tích trồng trọt. Ngược lại, những loại cây có nguồn cầu cao và bền vững như cây đậu (đỗ), thì sẽ được khuyến khích cải thiện.
Đây là một cuộc các mạng có thể có những rủi ro nghiêm trọng đối với tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, vì có thể giá lương thực tăng nhanh, trong khi người nông dân lại không có đủ thu nhập. Ông Erlend Ek, một chuyên gia nông nghiệp thuộc phòng nghiên cứu các chính sách của Trung Quốc, nhận định với tạp chí Times : « Có thể sẽ có những bất ổn xã hội lớn nếu họ làm căng ngành công-nông nghiệp. Chưa bao giờ Trung Quốc có bước thay đổi lớn như vậy kể từ Bước Đại Nhảy Vọt trước đây ».
Giai đoạn đau thương này, do Mao Trạch Đông khởi xướng vào cuối những năm 1950, là cội nguồn của mọi khó khăn về ổn định lương thực. « Bước Đại Nhảy Vọt » nhằm mục đích hiện đại hoá ngành công nghiệp Trung Quốc với hình thức xoá bỏ sở hữu tư nhân và lập các nhóm lao động chung. Sau khi có hơn 30 triệu người chết, hình thức hợp tác xã bắt buộc đã bị phá sản và mỗi gia đình được giao một thửa đất chừng 0,65 ha để canh tác theo mô hình tự cung tự cấp. Ngoài một vài trang trại lớn, thường là bán quân sự thuộc sở hữu nhà nước, các thửa ruộng đều được chia nhỏ ở Trung Quốc (trong khi một trang trại ở Mỹ có kích thước trung bình là 179 ha).
Tập đoàn Black Soil do ông Tôn Trường (Sun Chang) làm chủ tịch có mục đích hiện đại nông nghiệp Trung Quốc bằng cách gộp các thửa ruộng nhỏ để phục vụ cho sản xuất có quy mô lớn. Ông Tôn Trường nhận định : « Ngành nông nghiệp Trung Quốc vẫn còn là một ngành công nghiệp thủ công. Trung Quốc vẫn còn thua xa Hoa Kỳ, Úc hay châu Âu vì các trang trại có quy mô nhỏ, thiếu tổ chức và không được quản lý một cách khoa học ».
Vì sản xuất không có hiệu quả nên nông phẩm của Trung Quốc đắt hơn gấp hai đến ba lần so với Hoa Kỳ.
Cải cách nông nghiệp theo tiêu chí môi trường và sinh thái
Trung Quốc đặt quyết tâm tự túc lương thực. Tại tỉnh Cam Túc (Ganzu), cỏ linh lăng được trồng với chất lượng cao, có thể được dùng làm vật liệu cách âm thay thế các loại cỏ truyền thông. Ở khu vực giữa tỉnh Tam Túc, nhiều bể nuôi côn trùng được xây dựng để cung cấp thêm protein vào thức ăn cho gia súc. Nhờ đó, hệ miễn dịch của gia súc được tăng cường và giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh. Các nhà khoa học còn nuôi loại ong bắp cày nhỏ xíu, có tên là Trichogramma. Loài tò vò này sống được nhờ trứng của những loài côn trùng kí sinh phá hoại, nhờ vậy sẽ dần loại bỏ được các loại thuốc trừ sâu độc hại.
Nông dân tỉnh Cát Lâm (Jilin) nuôi heo trên một lớp nền dầy chừng 1 mét gồm trấu và mùn cưa có vi khuẩn. Loại hỗn hợp này giúp biến phân heo thành loại phân bón hữu cơ. Điều ngạc nhiên nhất là người ta có thể nuôi cá hồi và cá hồi sông ở vùng sa mạc Gobi cằn cỗi nhờ hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS). Có thể nói, công nghệ này được ông Rustan Lindqvist, một nông dân Thụy Điển, phát minh.
Năm 2012, hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) được thực hiện tại tỉnh Tân Cương (Xinjiang). Thay vì nuôi trồng trên một dòng sông hay một hồ nước, công nghệ RAS sử dụng giếng sâu để cung cấp nước cho các bể nuôi lớn. Cá ở giai đoạn trưởng thành sẽ được kiểm soát trong những điều kiện vô cùng nghiêm ngặt. Thành công của vụ thu hoạch không còn bị phụ thuộc vào điều kiện khí hậu thất thường nữa. Ông Lindqvist, người trở thành kiến trúc sư của công trình này, khẳng định : « Tôi nghĩ là cuối cùng người ta hiểu được tiềm năng của hệ thống RAS. Thật sự là quý vị có thể xây được những bể nuôi ngay giữa hoang mạc ».
Ngoài những công nghệ trên, Trung Quốc sẽ tận dụng hệ thống thủy lợi Đại Vận Hà (Karez) dài hơn 5.000 km, một dòng sông nhân tạo có từ cách đây hơn 2.000 năm. Nhờ hệ thống này, lưu vực Thổ Lỗ Phiên (Turpan) rộng lớn, vùng khô nóng nhất của Trung Hoa hiện đại, đã được biến thành thảo nguyên xanh rờn. Tái tạo rừng cũng được tiến hành nhờ Dự án cải tạo rừng đầu nguồn sông Hoàng Hà cao nguyên hoàng thổ. Được Ngân Hàng Thế Giới khởi xướng năm 2004, dự án này đã biến nhiều vùng đất cằn cỗi ở tây bắc Trung Quốc trở thành những vùng đất canh tác được cho khoảng 50 triệu dân trong vùng.
Sau ba năm theo dõi và tư vấn, các nhà khoa học hợp tác với chính quyền địa phương đã chấm dứt tình trạng nuôi thả rông. Việc chăn nuôi đã được quy hoạch theo mô hình chuồng trại, được chia khoang và rào chắn. Tình trạng xói mòn đất cũng được hạn chế nhờ xây các bể chứa nước, mở các khu chăn nuôi trên sườn đồi không quá dốc và trồng cây ăn quả trên những mảnh đất khô cằn nhất trên sườn đồi.
Ngoài ra, quyền sở hữu đất cũng được cấp cho các nhà làm nông địa phương, để đảm bảo việc khôi phục đất. Ông Juergen Voegele, cựu quản lý nhóm dự án của Ngân Hàng Thế Giới, cho biết : « Điều này đã làm biến đổi khung cảnh một vùng đất tương đương với diện tích nước Pháp ».
Các biện pháp tương tự hiện đang được tiến hành trên khắp Trung Quốc nhằm tăng diện tích« đất nông nghiệp chất lượng cao ». Hiện nay, các trang trại chính rộng khoảng 30,4 triệu ha, nhưng từ nay đến năm 2020, chính phủ muốn tăng số lượng này lên thành 53 triệu đến 67 triệu ha, tương đương với khoảng một nửa tổng diện tích đất canh tác được của đất nước.
Để tăng năng suất, chính phủ cũng đang thảo một đạo luật về hợp đồng đất nông nghiệp. Theo đó, lần đầu tiên người nông dân được phép cho một doanh nghiệp lớn hơn, vững chắc hơn thuê lại đất canh tác của họ. Tập đoàn Black Soil của ông Tôn có hai dự án thí điểm rộng hơn 750 km2 (tương đương với diện tích Singapore) tại tỉnh Hắc Long Giang (Hei Long Jiang) ở phía bắc Trung Quốc và hiện tập đoàn vẫn có tham vọng mở rộng. Ông Tôn Trường kết luận : « Người nông dân trở thành người lao động. Họ không còn phải lo quay vòng vốn, đáp ứng mọi tiêu chuẩn, hạt giống, hóa phẩm, mua trang thiết bị và đầu ra cho nông phẩm. Chỉ cần làm được điều này, bạn đã có thể đảm bảo ổn định lương thực-thực phẩm ».
Một người nông dân bày tỏ với tác giả bài báo : « Đa số nông dân địa phương thích kế hoạch này. Nếu như người nông dân có thể được trả 100 nhân dân tệ (khoảng 15 đô la) mỗi ngày, gồm cả bữa trưa và được ở lại trên mảnh đất của mình, tôi nghĩ là họ sẽ đồng ý ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment