Manila truy sát tội phạm ma túy, quan hệ Mỹ-Philippines căng thẳng
Những người bị nghi ngờ liên quan bất hợp pháp tới ma túy bị giao nộp cho cảnh sát Philippines, ngày 18/08/2016.REUTERS/Erik De Castro
Gần 2000 người bị giết tại Philippines trong khuôn khổ chiến dịch bài trừ ma túy từ ngày tổng thống Rodrigo Duterte được bầu lên vào tháng Năm đến nay. Số liệu do chỉ huy cảnh sát Philippines tiết lộ hôm nay, 23/08/2016, cho thấy quy mô của chiến dịch có thể gọi là « truy sát tội phạm » ma túy một chiến dịch được tân tổng thống Philippines cho phép nhưng đã làm cho quan hệ với Mỹ căng thẳng thêm lên.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Washington vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Mark Toner đã lên tiếng bày tỏ thái độ « quan ngại sâu sắc » trước các thông tin được tiết lộ, đồng thời thúc giục chính quyền Duterte đảm bảo sao cho các cơ quan chấp pháp Philippines hành xử đúng theo các chuẩn mực nhân quyền.
Chiến dịch bài trừ ma túy một cách quá mạnh tay, mở đường cho các hành vi lạm quyền và lạm dụng, cùng với những lời lẽ thiếu ngoại giao của tân tổng thống Philippines đã khiến Hoa Kỳ lâm vào một tình thế lúng túng, vì Washington cần đến Manila trong chiến lược liên kết các đồng minh và đối tác ở châu Á để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, đặc biệt là ở vùng Biển Đông chiến lược.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ vào hôm qua đã để lộ thái độ tiến thoái lưỡng nan khi xác định rằng Hoa Kỳ « tiếp tục làm rõ với chính phủ Philippines ... mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền, về tình trạng giết người ngoài vòng pháp luật, nhưng Hoa Kỳ cũng cam kết duy trì và tăng cường quan hệ song phương » với Philippines.
Đối với ông Toner, hoàn toàn không có việc Mỹ nhắm mắt làm ngơ trước các vụ vi phạm nhân quyền, và quan hệ với Manila trong thời gian gần đây, vừa tốt, vừa « thẳng thắn », ám ngữ chỉ tình trạng căng thẳng.
Riêng về chiến dịch bài trừ ma túy tại Philippines, trong cuộc điều trần tại Thượng viện nước này vào hôm nay, Ronald dela Rosa, chỉ huy cảnh sát Philippines xác nhận rằng đã có hơn 1.900 người bị giết từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống đến nay.
Lãnh đạo cảnh sát nói rõ là trong tổng số đó, chỉ có 750 người bị lực lượng an ninh hạ sát, còn cảnh sát đang điều tra về cái chết của khoảng 1.100 người khác.
Theo ông dela Rosa, cảnh sát không hề được chỉ thị là bắn bỏ những thành phần sử dụng hay buôn bán ma túy.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment