Việt Nam vừa đưa vào quy hoạch siêu dự án thép với quy mô lớn gấp đôi dự án Formosa cho giai đoạn 2020 – 2025. Báo chí Việt Nam loan tin này giữa lúc mối quan ngại về sự cố ô nhiễm môi trường bị quy cho hệ thống xả thải của nhà máy thép Formosa tiếp tục tăng cao.
Theo báo VnExpress, Bộ Công thương Việt Nam đã chấp thuận triển khai dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với công suất 16 triệu tấn một năm và tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ đôla.
Dự án được thực hiện theo 5 giai đoạn dự kiến sẽ sử dụng 240 ha đất và sẽ chính thức hoạt động vào năm 2019.
Cũng theo báo VnExpress, nếu dự án được triển khai thì Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất thép của khu vực.
Trong khi thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa, việc Việt Nam phê duyệt siêu dự án thép mới khiến nhiều chuyên gia lo ngại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từng là thành viên Ban cố vấn thủ tướng Việt Nam, cho rằng nhà nước Việt Nam phải “rất cẩn trọng” trong dự án mà bà cho là “đầy rủi ro” như dự án Hoa Sen Cà Ná – Bình Thuận:
“Với mức hiểu biết của tôi, rất ít thôi, về ngành này thì tôi biết được là trên thực tế bây giờ trên thế giới, ngành thép dư thừa công suất, đặc biệt là khu vực châu Á này. Bên cạnh một nước khổng lồ dư thừa thép rất lớn như Trung Quốc thì các nước châu Á còn lại, nhất là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, hoàn toàn không nên tính đến chuyện đầu tư vào ngành thép làm gì cả. Thứ hai nữa là ngành thép là ngành mà ngay cả một nước họ có phát triển thì phải là những sản phẩm rất cao cấp, không thuộc những dòng sản phẩm đang dư thừa hiện nay mà Trung Quốc đang đưa ra thị trường, mà làm những sản phẩm cao cấp đó thì hết sức tốt kém về kinh tế cũng như khó về kỹ thuật. Có lẽ với trình độ của một nước như Việt Nam thì quyết định đầu tư như vậy là một quyết định đầy rủi ro”.
Chủ đầu tư của siêu dự án thép là tập đoàn Hoa Sen của Việt Nam.
Trong bối cảnh dư luận Việt Nam đang lo lắng về tác động của dự án Formosa đối với môi trường, dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt dọc theo vùng duyên hải miền Trung, lãnh đạo tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, khẳng định với báo Kinh tế Việt Nam rằng tập đoàn này sẽ “không để một giọt nước thải ra biển” và “Nếu dự án gây ô nhiễm, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho nhà nước”.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, cam kết của ông Vũ là “không ổn”.
“Tôi nghĩ cách cam kết đó không ổn, nó không đúng ở chỗ là đã làm thì phải chắc chắn và phải để cho nhà nước cũng như xã hội kiểm soát được việc gây ô nhiễm. Chứ còn đã gây ra rồi, như Formosa, thì bây giờ có đền bù bao nhiêu cho Việt Nam, nói thật là có gấp 10 số 500 triệu của Formosa đang đền bù cho Việt Nam thì cũng không đủ để có thể phục hồi lại vùng biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bây giờ ông Vũ lại tính làm tiếp ở vùng biển Ninh Thuận, là vùng biển phía Nam Trung Bộ đó, thì thực sự tôi rất ngại cho tương lai của vùng biển này”.
Tập đoàn Hoa Sen cho biết lý do đầu tư dự án thép lớn nhất nước là do ngành thép ở Việt Nam hiện vẫn đang nhập siêu và nhu cầu thép cán nóng, phôi thép ngày càng tăng cao.
Dự kiến siêu dự án thép sẽ tạo ra khoảng 45.000 việc làm cho địa phương sau khi hoàn thành.
No comments:
Post a Comment