Wednesday, August 31, 2016

Tấn công tự sát vào đại sứ quán Trung Quốc ở Kyrgyzstan

Tấn công tự sát vào đại sứ quán Trung Quốc ở Kyrgyzstan

mediaCác điều tra viên, nhân viên an ninh tại hiện trường vụ tấn công bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek, Kyrgyzstan ngày 30/06/2016.REUTERS/Vladimir Pirogov
Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của một vụ tấn công tự sát ở Bishkek, thủ đô nước Kyrgyzstan thuộc Liên Xô cũ. Một người lái chiếc xe hơi có gài chất nổ đã kích nổ ngay trong khuôn viên đại sứ quán Trung Quốc sáng nay 30/08/2016, làm ít nhất ba người bị thương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án vụ tấn công này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt cho biết thêm chi tiết:
« Kẻ tấn công tự sát đã lao chiếc xe gài chất nổ tông vào cổng đại sứ quán Trung Quốc. Một vụ nổ dữ dội đã xảy ra bên trong cơ sở ngoại giao này, ngay gần nhà ở của đại sứ, khiến thủ phạm bị chết và làm bị thương ít nhất ba người - một người làm vườn cùng với hai bảo vệ, đều là người Kyrgyzstan. Các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc và tòa đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh đã được sơ tán.
Trung Quốc ngày càng bị khủng bố quốc tế nhắm đến, và vụ tấn công vào ngoại giao đoàn Trung Quốc tại Bishkek là ví dụ mới nhất.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, một nhân viên đại sứ quán Trung Quốc ở Somalia đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công ở Mogadishu. Chưa đầy một tháng sau, bảy khách du lịch Trung Quốc bị chết trong vụ nổ gần một ngôi đền ở Bangkok. Đến tháng 11, một con tin Trung Quốc đã bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hành quyết, và tiếp theo là vụ tấn công đẫm máu vào một khách sạn ở Bamako làm chết ba người Trung Quốc.
Các vụ tấn công này cũng như các vụ khác ngay trên lãnh thổ của mình khiến Bắc Kinh không ngừng lên tiếng đòi tham gia cuộc chiến chống khủng bố quốc tế ».
Phía Tân Hoa Xã đưa tin có năm người bị thương, gồm hai bảo vệ và ba nhân viên người Kyrgyzstan. Thủ tướng Kyrgyzstan, ông Janysh Razakov nói rằng đây là một « hành động khủng bố ».
Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có 6 triệu dân hầu hết theo đạo Hồi, thường xuyên bắt giữ các chiến binh Hồi Giáo bị cho là có liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, vốn tích cực tuyển mộ ở Trung Á.
Kyrgyzstan có đường biên giới chung với Trung Quốc, đặc biệt là với khu tự trị Tân Cương, nơi có phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh coi là « khủng bố ».
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment