Bầu cử và cải cách tại Ấn Độ
Hôm nay 21 Tháng Năm, Ấn Độ chính thức có Thủ tướng mới sau cuộc bầu cử Quốc hội kéo dài năm tuần với hơn 800 triệu người tham dự. Là một quốc gia dân chủ đông dân nhất địa cầu, xứ Ấn Độ đang gặp quá nhiều vấn đề kinh tế và xã hội khiến liên minh của một đảng chính trị thuộc loại kỳ cựu nhất thế giới bị thất cử sau gần nửa thế kỷ cầm quyền như liên tục. Lãnh đạo mới của Ấn Độ có thể nào giải quyết các vấn đề ấy hay không? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm câu trả lời qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Đánh dấu nhiều đổi thay
Vũ Hoàng: Thưa ông, thế giới tuần qua chú ý đến kết quả bầu cử tại Ấn vì nó đánh dấu nhiều đổi thay của một nước dân chủ đông dân nhất địa cầu. Kể từ Thứ Tư 21 này, ông Narendra Modi của đảng Nhân Dân Bharatiya Janata lên làm Thủ tướng để khởi đầu một chương trình cải cách rộng lớn sau nhiều năm trì trệ và ách tắc. Kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho thính giả của chúng ta vấn đề của Ấn Độ và bài toán của lãnh đạo mới. Nhưng trước hết, xin ông trình bày cho bối cảnh của câu chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Với dân số hơn một tỷ 200 triệu, Cộng hoà Ấn Độ là quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, và từ mùng bảy Tháng Tư đến 12 Tháng Năm đã có hơn 800 triệu người đi bầu lại Hạ viện khóa 16. Theo thể chế Đại nghị, đảng đa số trong Quốc hội cũng đề cử lãnh đạo và nhân vật lên làm Thủ tướng là ông Narendra Modi, nguyên là Thủ hiến của bang Gujarat ở miền Tây xứ Ấn Độ, và cầm đầu chính đảng đối lập có tên là đảng Nhân Dân Ấn, hay gọi tắt là BJP.
Trong bối cảnh chung là sự bất mãn của quần chúng với đảng Quốc Đại đã cầm quyền quá lâu, đảng Nhân Dân BJP còn có ưu thế nữa từ lãnh tụ. Ông Modi xuất thân bần hàn, có tài hùng biện và bản lĩnh táo bạo.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Về bối cảnh, đáng chú ý là đảng cầm quyền có tên là Quốc Đại, hay gọi tắt là đảng Congress, đã ra đời từ năm 1885 và có công trong đấu tranh cho độc lập. Sau thời độc lập từ năm 1947, đảng này lãnh đạo liên tục gần nửa thế kỷ với đặc điểm là có bốn đời Thủ tướng là bốn thế hệ từ một gia đình. Theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, đảng này có chuyển về hướng trung dung hơn mà không giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế của Ấn Độ. Tình trạng cầm quyền quá lâu còn gây ra nạn tham nhũng và cấu kết làm cử tri bất mãn. Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng Quốc Đại chỉ được 44 ghế trong một Hạ viện có 543 dân biểu, tức là một vụ thất bại mang kích thước lịch sử.
Vũ Hoàng: Thế còn đảng đối lập vừa thắng cử và lên cầm quyền thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đảng Nhân dân BJP này ra đời từ năm 1980, có tinh thần quốc gia và chủ trương tự do về kinh tế. Trong bối cảnh chung là sự bất mãn của quần chúng với đảng Quốc Đại đã cầm quyền quá lâu, đảng Nhân Dân BJP còn có ưu thế nữa từ lãnh tụ. Ông Modi xuất thân bần hàn, có tài hùng biện và bản lĩnh táo bạo, nhất là có thành tích phát triển bang Gujarat sau hơn 13 năm làm Thủ hiến. Nhờ vậy mà trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng của ông chiếm 283 ghế, là hơn đa số tuyệt đối tại Hạ viện. Nếu kể thêm các đảng thân hữu trong Liên minh Quốc gia Dân chủ theo xu hướng trung hữu thì đảng Nhân Dân có đa số cực lớn là 337 ghế, nên khả dĩ lãnh đạo trên thế mạnh trong năm năm tới. Đấy là một hy vọng đáng kể cho việc cải cách vì quả thật là Ấn Độ phải trải qua một cuộc cải cách rộng lớn.
Vì sao cần cải cách?
Vũ Hoàng: Thưa ông, ta bước qua việc chẩn bệnh để tìm hiểu vì sao Ấn Độ cần cải cách?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có một nghịch lý mà ta nên nhìn ra ở đây. Đảng Quốc Đại xuất phát từ lý luận "xã hội chủ nghĩa" theo tinh thần cấp tiến thật ra lại thành một đảng thủ cựu và duy trì hiện trạng vì quá gắn bó với dĩ vãng. Ngược lại, đảng Nhân Dân BJP vừa đại thắng thì theo chủ nghĩa quốc gia nên cứ được coi là đảng bảo thủ, thật ra lại có chủ trương cải cách rất mạnh, là trở thành một đảng cấp tiến. Nói vắn tắt thì cầm quyền quá lâu cũng gây ra nạn lão hóa và tụt hậu!
Chi tiết thứ hai đáng chú ý là lần đầu tiên từ 30 năm nay mà nền dân chủ Ấn Độ có một đảng cầm quyền chiếm đa số tuyệt đối sau một cuộc bầu cử có sự tham dự của 66% cử tri, rất nhiều người thuộc giới trẻ mới đi bỏ phiếu lần đầu. Với cái thế mạnh, đảng Nhân Dân khỏi cần thỏa hiệp là nương theo đòi hỏi của các đảng nhỏ trong liên minh để cầm quyền. Ngược lại, ông Modi có cơ hội ban hành việc cải cách rộng lớn và cho lâu dài hầu thoát khỏi những ách tắc đã qua.
Vũ Hoàng: Những ách tắc đó là gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì cầm quyền quá lâu, đảng Quốc Đại bị soi mòn nên phải dung hợp với các đảng nhỏ ở địa phương để có đủ đa số cầm quyền. Hậu quả là Ấn Độ có một chính quyền trung ương rất yếu trước thế lực của các địa phương trong 28 tiểu bang, mai này sẽ là 29 bang. Ách tắc của Ấn Độ xuất phát từ đó.
Vũ Hoàng: Xin hỏi ngay một câu thưa ông. Nhiều người thường lý luận rằng nền dân chủ gây ra hỗn loạn hoặc bế tắc nên khó có được chính quyền mạnh để phát triển quốc gia. Vì vậy họ mới chủ trương xây dựng chính quyền mạnh nhờ thế độc quyền độc đảng, như tại Trung Quốc hay Việt Nam. Nạn ách tắc tại Ấn Độ có chứng minh rằng chế độ độc tài mới là ưu điểm hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng người ta đã lầm to về khái niệm "chính quyền mạnh".
Một chính quyền độc tài thực ra không mạnh vì chính sách không toả sâu vào xã hội và bộ máy nhà nước không tiếp cận với thị trường để có tác động thực tế. Ngược lại, chính quyền độc tài lại bất tài mà gây tốn kém để duy trì hệ thống kiểm soát có thể rất rộng mà cũng rất nông. Trong chế độ độc tài, các nhóm lợi ích đều ngăn chặn và phá hoại chính sách quốc gia ngay từ gốc và gây ra bất công trong xã hội lẫn tham nhũng và lãng phí trong kinh tế.
Chế độ dân chủ có ưu điểm là công khai hóa nhiều việc và giúp cử tri có thể kiểm soát và để cử lại người đại diện cho mình. Trường hợp Ấn Độ đang minh diễn điều ấy mà còn đáng suy ngẫm hơn vậy vì xứ này đã từng bị khủng bố Hồi giáo tấn công ở bên trong, lại có mâu thuẫn và xung đột với nước láng giềng là Pakistan ở bên ngoài, chưa nói gì đến mối nguy Trung Quốc. Nếu muốn một chính quyền mạnh thì qua bầu cử người dân có thể ào ạt dồn phiếu cho một đảng, nhưng vẫn còn quyền kiểm soát và thay thề nếu sau này đảng cầm quyền làm không được việc.
Vấn đề xã hội và kinh tế
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần cải cách mà chính quyền tân cử tại Ấn sẽ thực thi sau này. Thưa ông, Thủ tướng Modi có thể sẽ làm những gì?
Một chính quyền độc tài thực ra không mạnh vì chính sách không toả sâu vào xã hội và bộ máy nhà nước không tiếp cận với thị trường để có tác động thực tế.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thuần về kinh tế, Ấn Độ đang bị suy trầm khi đà tăng trưởng sút giảm nhiều năm liền và còn bị hai khiếm hụt là nạn bội chi và nhập siêu. Nhưng vấn đề cơ cấu bên trong lại trầm trọng sâu xa hơn. Khi tranh cử, đảng Nhân Dân BJP chưa đưa ra chương trình hành động chi tiết nên người ta còn chờ xem chính quyền mới sẽ làm những gì qua dự thảo ngân sách sẽ đệ trình trong trăm ngày đầu tiên. Nhưng căn cứ trên thành quả mà ông Modi đã đạt tại bang Gujarat và các luận điểm tranh cử thì giới kinh tế quốc tế dự đoán một số ưu tiên sau đây.
Thứ nhất, với chủ trương nâng đỡ tư doanh đã thấy tại Gujarat và do nhu cầu gia tăng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để tìm lực đẩy, Chính quyền Ấn sẽ đón nhận đầu tư quốc tế vào mọi lĩnh vực kinh doanh, trừ hệ thống bán lẻ thì vẫn giữ nguyên để bảo vệ tiểu doanh thương. Tư nhân sẽ được khuyến khích và nâng đỡ để vào khu vực năng lượng và xây dựng hạ tầng. Hai thị trường chứng khoán của Ấn Độ có dự đoán điều này nên tăng giá rất mạnh theo đà thắng thế khi ông Modi tranh cử. Thực ra, thị trường cổ phiếu của Ấn Độ còn lên giá chứ không sụt giá nặng như thị trường của Trung Quốc và điều ấy cũng là chuyện đáng kể.
Thứ hai, Chính quyền Ấn sẽ cải tổ thuế vụ với chính sách thuế khóa tinh giản mà có sức thu cao hơn. Chính sách này tạo cơ hội cho tiểu doanh và thành phần trung lưu mà cũng khai thông nhiều bế tắc và tranh luận với các doanh nghiệp ngoại quốc.
Vũ Hoàng: Theo phản ứng ban đầu của doanh giới quốc tế thì Chính quyền tân cử có hy vọng thực hiện được các chương trình cải cách này. Nhưng cái khó nhất hình như lại không nằm ở thành phố mà ở thôn quê thật ra vẫn còn nghèo, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng là một phần khó của việc cải cách lại liên hệ tới số phận của gần 800 triệu dân tại nông thôn. Đa số vẫn là nông dân nghèo, cần trợ cấp khi canh tác trong một hệ thống nông nghiệp lạc hậu. Gánh trợ cấp cho nông dân và nói chung, chính sách trợ giá nhiều mặt hàng nhu yếu như xăng dầu đã gây hao hụt ngân sách, sản sinh ra tinh thần bao cấp, tham ô và lạm dụng công quỹ để mua phiếu. Khi tranh cử, ông Modi có đề nghị kế hoạch cải tiến nông nghiệp và thủ công nghiệp để nâng cao năng suất cho tương lai. Nhưng bước đầu phải là giảm dần chế độ trợ giá để kích thích sản xuất vì có tăng trưởng thì mới xoá đói giảm nghèo được.
Trong lúc giao thời thì chính quyền cần bảo đảm mức sống tối thiểu cho dân nghèo, vì vậy, có lẽ thách đố lớn nhất cho ông Modi là cân bằng được hai yêu cầu trái ngược là xã hội và kinh tế.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, đâu là nhược điểm có thể làm Chính quyền mới bị thất bại?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông Narendra Modi là người có tài thu hút và huy động quần chúng, mà cũng dám lấy quyết định táo bạo nên có lắm kẻ thù. Năm 2002, ông đã mạnh tay trấn áp vụ xung đột giữa người dân theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo khiến nhiều người Hồi giáo thiệt mạng và ông ta bị nhiều chính quyền Tây phương như Anh, Mỹ kết án là vi phạm nhân quyền, thậm chí không cấp chiếu khán để xuất ngoại. Sau chiến thắng long trời lở đất vừa qua, ông ta có thể lại chủ quan duy ý chí mà coi thường dư luận, nhất là báo giới có xu hướng thiên tả và chống đối nên mọi khó khăn sẽ bị khuếch đại.
Một nhược điểm khác là hiện tượng say đòn trên đài quyền lực. Đó là quên hứa hẹn ban đầu là xây dựng chế độ công minh, công khai minh bạch, để người dân biết và phê phán. Trong từng bước thực hiện việc cải cách, nếu ông ta cũng lại che giấu sự thật thì sẽ bị phản công rất mạnh.
Tuy nhiên vì hiện trạng Ấn Độ đã quá tồi tệ cho nên nếu Thủ tướng Modi làm được dù chỉ một phần những gì đã thực hiện ở Gujarat thì cũng giúp dân Ấn lấy lại niềm tin. Và tinh thần quốc gia mà ông Modi triệt để phát huy có thể đem lại niềm tự hào cho người dân trước sự hung hăng của Trung Quốc hay những rủi ro từ Pakistan, khiến họ cho ông cơ hội thành công trong một kế hoạch cải cách thật ra có rất nhiều trở ngại tích lũy từ lâu.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
No comments:
Post a Comment