Sunday, May 25, 2014

Fidel Castro : Hoàng đế Cuba đội lốt cách mạng ?

Fidel Castro : Hoàng đế Cuba đội lốt cách mạng ?

Lãnh đạo Cuba Fidel Castro (Wikipedia)
Lãnh đạo Cuba Fidel Castro (Wikipedia)

Tú Anh
Tình hình bất trắc tại Ukraina, đảo chính tại Thái Lan, những ẩn số của cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu. Đó là những đề tài chung của báo chí Pháp cuối tuần. Trong khi đó, L’Express giới thiệu trích đoạn quyển sách “bộ mặt thật của lãnh đạo Cuba Fidel Castro” do một sĩ quan cận vệ tiết lộ.

Quyển sách "La Vie cachée de Fidel Castro", mà sĩ quan cận vệ Juan Reinaldo Sanchez suốt 17 năm theo chân nhà cách mạng Cuba và một đầu bếp tiết lộ chắc chắn sẽ là một quả bom tại Cuba, do có nội dung vạch trần bộ mặt thật của ông Fidel Castro. Tuần báo L’Express trích ra nhiều tình tiết :
"Cả cuộc đời, Fidel Castro khẳng định ông không có tài sản, chỉ có một chiếc lều câu cá. Thực tế, căn lều của lãnh đạo Cuba là một hệ thống biệt thự sang trong, huy động những phương tiện hậu cần khổng lồ, chiếm trọn hải đảo Cayo Piedra mà giới lãnh đạo xã hội chủ nghĩa thường sang thăm Cuba ít ai biết.
Cayo Piedra thực ra là hai đảo nằm gần nhau và để đi lại dễ dàng Fidel Castro cho xây một chiếc cầu dài 215 mét nối hai đảo nam và bắc. Để cho ba chiếc du thuyền của gia đình ông cập bãi cát mịn, nhà cách mạng đã cho đào một con kênh dài một cây số. Trừ văn hào Gabriel Garcia Marquez, người bạn thân thiết nhất được mời đến chơi không biết bao nhiêu lần, Fidel Castro che giấu rất kỹ, hiếm khi nào mời khách quen lạ. Khách mời chỉ được lưu trú trong một căn nhà ở phía bắc với một hồ bơi 25 mét.
Ở phía nam, có một nhà hàng nổi, nơi gia đình Fidel Castro thường hay dùng cơm. Viên cựu sĩ quan cận vệ cho biết trong 17 năm hầu cận Fidel Castro, ông có gặp một số lãnh đạo chính trị như Tổng bí thư cộng sản Đông Đức Erich Honecker, chủ nhân đài CNN Ted Turner, vua gà của Pháp Gerard Bouroin khi ông này qua Cuba tìm thị trường. Tuyệt nhiên không bao giờ thấy Raul Castro.
Dân chúng Cuba ăn uống kham khổ còn Chủ tịch nước ăn uống ra sao ? Ở La Habana, một bà gia nhân giám sát hai đầu bếp … bửa ăn của nhà cách mạng được một ông quản gia chuyên nghiệp phục vụ tận bàn như trong nhà hàng. Mỗi chiều, Dalia, vợ của « Phi-đen » soạn ba thực đơn : ăn sáng, ăn trưa và ăn tối cho ngày hôm sau nhưng không phải chung cho gia đình mà là cho từng « cá nhân một, với sở thích, thói quen, và yêu cầu riêng ».
Buổi sáng, chủ tịch thức giấc lúc 11 giờ để ăn sáng, hiếm khi nào dậy trước 10 giờ và bắt đầu ngày làm việc vào khoảng 12 giờ trưa. Khi ông dùng sữa, thì sữa do bò nuôi trong nông trại gia đình cung cấp và mỗi thành viên gia đình có một con bò riêng. Sữa đưa lên bàn ăn đựng trong chai có số riêng. Chai sữa bò của Fidel Castro mang số 5. Gia trưởng Cuba có vị giác tinh tế phân biệt được mùi vị nếu sữa không xuất phát từ con bò cái của ông.
Về an ninh, luôn luôn có 15 vệ sĩ túc trực bên mình. Hầu hết được tuyển chọn theo khả năng tác xạ và cận chiến. Đặc biệt là trong số vệ sĩ có một người có diện mạo rất giống chủ tịch tên Silvino Alvarez. Dáng thấp hơn nhưng nếu ngồi trong xe thì không thể phân biệt được, ai giả ai thật. Năm 1992, khi lãnh đạo Cuba lâm bệnh nặng, nằm liệt giường, ông “Phi-đen” giả được cho lên xe chủ tịch chạy vòng vòng đường phố, cố ý qua những nơi đông người như đại lộ Prado dọc bãi biển và khu có sứ quán Anh, Pháp. Ngang qua đám đông, chủ tịch giả cũng đưa tay chào như chủ tịch thật, để qua mắt dân chúng.
Castro giống nhà độc tài Mussolini
Sự kiện Fidel Castro sống một hoàng đế cũng được một người bạn cũ của ông xác nhận và thuật lại trong bài phỏng vấn trên tuần báo l’Express : sử gia Elisabeth Burgos, mang hai dòng máu Pháp và Venezuela, một chuyên gia chế độ cộng sản Cuba, hoạt động sát cánh với Fidel Castro từ thời đầu cách mạng chống nhà độc tài Batista trước khi bỏ đi.
Theo sử gia Elisabeth Burgos, Fidel Castro là một nhân vật tài ba, có sức thu hút, có khả năng phân tích và tổng hợp rất cao và lúc nào cũng thủ sẵn 4,5 giải pháp. Nếu Che Guevara là một nhà cách mạng sắt máu, giết người không gớm tay thì Fidel Castro là một người nhiều mưu mô thủ đoạn, thích thao túng hơn là ra tay hạ sát.
Một khác biệt nữa là Che Guevara là một lý thuyết gia, viết nhiều, Fidel Castro ngược lại có đầu óc thực dụng, không bao giờ viết nhưng tài hùng biện thì khỏi chê. Cho đến nay, vẫn còn nhiều nhà lãnh đạo châu Mỹ La tinh và nhiều nước kém phát triển khác thường lui tới Cuba để nghe ông cố vấn và chia sẻ kinh nghiệm quý báu.
Chìa khóa để bền vững là xây dựng mạng lưới nhân sự hậu thuẫn bằng ý thức hệ. Giới trẻ châu Mỹ La tinh được mời sang Cuba học tập, thụ huấn chính trị và quân sự. Sau một thời gian họ trở về nước hoạt động trong công đoàn, trong đoàn thể sinh viên, đảng phái…. Từng đợt này đến đợt kia, ngày nay khắp châu Mỹ la tinh, nơi nào cũng có cán bộ của La Habana.
Nhưng vì sao sử gia Elisabeth Burgos lại bỏ chế độ Castro? Bà cho biết đã sinh ra và lớn lên trong chế độ quân phiệt ở Veneezuela nên khi sang Cuba bà “linh cảm” được ngay điều bất ổn. Đến năm 1971, thì bà và nhiều trí thức Tây phương không thế chấp nhận được vụ oan án Heberto Padilla. Nhà thơ nổi tiếng bị Fidel Castro xử tội vì dám chỉ trích chế độ.
Trong số những nhà trí thức Tây phương tỉnh ngộ sớm nhất là nhà văn Ý Alberto Moravia. Sử gia Elisabeth Burgos kể lại vào ngày đầu năm 1966, khi đứng nghe thông điệp của chủ tịch Cuba tại quảng trường Cách Mạng, Alberto Moravia mặt không đổi sắc, nói nhỏ vào tai của bà: “Phi-đen” làm tôi nhớ Mussolini.
Thái Lan : Long thể bất an, vương quốc rối loạn
Quân đội Thái Lan đẩy đất nước vào vòng bất trắc. Bên cạnh bức ảnh chụp một toán quân mặc áo ngụy trang tay cầm M16 đứng trước tượng đài “Dân Chủ” ở thủ đô Bangkok, phóng viên Bruno Philip của báo Le Monde thuật lại vụ đảo chính.
Trưa thứ năm, phái đoàn hai phe chính trị đối đầu đàm phán thất bại vì không bên nào nhượng bên nào. Lập tức các thượng nghị sĩ và ủy viên hội đồng bầu cử được quân đội mời ra khỏi phòng họp trong khi đó lãnh đạo chính trị hai phe đối kháng bị bắt ngay. Tổng tham mưu trưởng quân đội Thái Lan, trung tướng Prayut Chan-Ocha đập tay xuống bàn : tôi nắm chính quyền.
Câu hỏi đặt ra là tại sao quân đội đảo chính? Để lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra mà người thương xem bà là biểu tượng của phong trào chống chế độ vương quyền, còn kẻ ghét thì nói bà là tàn dư của truyền thống chính trị gia tham ô, nhũng lạm quyền thế, bảo vệ ông anh bị lật đổ.
Giáo sư chính trị Thitinan Pongsudhirak bình luận: Ý đồ của quân đội là gây sức ép để chính phủ từ chức, chính phủ không từ chức thì họ đảo chính”
Theo phân tích của thông tín viên Le Monde thì phía sau biến cố này ẩn giấu một sự thật mà không ai ở Thái Lan dám nói ra vì sợ bị trừng phạt vì tội phạm thượng : đó là chuyện nối ngôi. Quốc vương Bhumibol, 86 tuổi, trị vì từ năm 1946, sức khỏe suy sụp trầm trọng. Thái tử Maha Vajiralongkorn, 61 tuổi, sẽ lên nối ngôi. Vấn đề là dư luận Thái cho rằng thái tử Maha là một người gần gũi với Thaksin khi nhân vật này nắm ghế Thủ tướng.
Đó là lý do tại sao thành phần chính trị gia Bangkok muốn nhanh chóng “bứng rể” phe Thaksin trước khi quốc vương băng hà. Trong những ngày tới, Thái Lan sẽ phải bổ nhiệm một Thủ tướng mới để tạo hình ảnh một chính phủ hợp pháp và nhân vật này có thể là cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Prawit Wongsuwan, thân cận với hoàng gia.
Nhóm chuyên gia tư vấn Siam Intelligence Unit dự báo là tình hình sắp tới “sẽ rất xấu vì đám tướng lãnh cực đoan đã nắm chính quyền”. Trang mạng của tổ chức tư vấn này còn tiên đoán là các thủ lãnh phe bảo hoàng (áo vàng) sẽ sớm được tự do trong khi các lãnh đạo đảng Peua Thái của bà Yingluck sẽ bị giam giữ lâu hơn.
Tuy nhiên, cũng theo nguồn phân tích này thì nếu “quân đội ban hành hiến pháp mới phản dân chủ và đình chỉ bầu cử Quốc hội vô thời hạn thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi một cuộc nổi dậy ở các tỉnh phía bắc và đông bắc, thành trì của phe áo đỏ.
Nurul Izzal Anwar : Ngôi sao sáng trên chính trường Malaysia
Một phụ nữ Thái Lan bị lật đổ, một phụ nữ Malaysia vươn lên: “ chống lại bầu không khí bất an, Maysia có nàng tiểu thư cải cách” . Với tựa đề này, đặc phái viên của Libération, Arnaud Dubus phân tích tình hình chính trị tại quốc gia hồi giáo Malaysia mà thực tế đa sắc tộc, đa văn hóa đang bị bóp nghẹt vì liên minh UMNO cầm quyền liên tục từ năm 1957 đến nay với xu hướng dân tộc chủ nghĩa.
Cứu tinh của Malaysia , theo Libération, là nữ dân biểu Nurul Izzal Anwar, một phụ nữ trẻ đẹp 34 tuổi. Bà chính là con gái của nhà lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim, một cựu Phó Thủ tướng rất được Tây phương kính trọng nhưng từ hàng chục năm nay bị vùi dập vì hàng loạt vụ án từ tham ô cho đến đồng tính luyến ái phạm pháp (?). Hiện nay, Nurul Izzal Anwar là phó chủ tịch đảng đối lập Công lý và Dân tộc, được giới trí thức Malaysia mô tả là một nhà chính trị “thông minh, ôn hòa, nắm rõ những khó khăn mà dân chúng đang gặp phải”.
Theo Libération thì vị nữ dân biểu trẻ tuổi này đại diện cho thế hệ mới, có cơ may trở thành Thủ tướng đầy uy tín. Bà nhận định hệ thống chính trị hiện nay không tránh khỏi sụp đổ vì nó là mô hình tuyệt vời cho những kẻ cầm quyền muốn thao túng hết trong tay. Họ đắc cử nhờ vào cách chia cắt đơn vị bầu cử và thay đổi liên tục sao cho có lợi. Thứ hai là định hướng công luận với 90% báo chí thân chính quyền. Điều sai lầm của chế độ là họ bất chấp khổ đau của dân chúng và lầm tưởng rằng chỉ cần bôi nhọ, nói xấu đối thủ chính trị là sẽ làm suy yếu đối lập.
Tổng thống Ukraina và Nghị viện châu Âu : Hai cuộc bầu cử bất trắc
Nếu Le Monde nhận định Ukraina sẽ bỏ phiếu trong tình thế “ căng thẳng cao độ” thì nhật báo Le Figaro dự báo người dân sẽ đi bầu dù cho bị phe thân Nga ly khai cản trở. Cả hai nhật báo Pháp đều tin chắc nhà tỷ phú Petro Porochenko làm giàu nhờ bán sôcôla sẽ đắc cử vì đang bỏ xa đối thủ nặng ký nhất là cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko.
Nhưng theo Le Figaro nếu ông Petro Porochenko chờ qua vòng hai đấu tay đôi với nữ chính trị gia Ioulia Timochenko thì kết quả sẽ rõ nét dân chủ hơn nhưng ngược lại sẽ có ảnh hưởng xấu cho ổn định xứ sở. Một nhà ngoại giao Tây phương e ngại hai nhân vật này khó hòa giải nhau nếu phải “tử chiến” ở vòng chung cuộc.
Le Monde thì lo ngại quyền lực của Tổng thống Ukraina bị hiến pháp giới hạn và trong khả năng bà Ioulia Timochenko liên kết với đảng Cấp Vùng của Tổng thống bị lật đổ Ianoukovitch để lên làm Thủ tướng, không rõ tương lai Ukraina sẽ ra sao? Nói cách khác, ước mơ thực hiện các mục tiêu của cách mạng dân chủ màu cam cách nay 10 năm vẫn còn xa vời trong lúc miền đông rơi vào vòng bạo lực.
Tình hình bất ổn tại Ukraina cũng là nguồn cảm hứng của các nhà bình luận Pháp trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, bắt đầu từ thứ năm với Anh và Hà Lan và sẽ kết thúc vào ngày mai với Pháp và Đức.
Hầu hết các báo đều lo ngại các phe cực hữu, cực tả, bài ngoại giành được tỷ lệ phiếu đáng kể để “phá hoại giấc mơ sống còn của châu lục” theo như nhận định của Libération. Nhật báo cánh tả khai phóng đề tựa trên trang bìa: Tại sao phải đi bầu: vì Mặt Trận Quốc Gia (cực đoan) dẫn đầu hay vì sợ tỷ lệ cử tri vắng mặt cao?
Một bài bình luận mà tác giả là một nhóm giáo chức đại học đã đưa ra nhận định chung như sau: Châu Âu trừu tượng, vô tích sự trong các hồ sơ như nội chiến ở Syria hay chống thiên đường trốn thuế. Ngược lại chương trình trao đổi sinh viên Erasmus là ngon lành nhưng phải có tiền.
Trong bài này có phát biểu của một sinh viên sắp ra trường lý luận dí dõm: là doanh nghiệp tương lai, tôi phải theo phe hữu, nhưng tôi nhờ học bổng nên trái tim nghiêng về phía tả. Đảng cực hữu chống châu Âu, cho nên tôi không bỏ phiếu cho họ.
Le Figaro chú ý nhiều về hệ quả trong chính trường Pháp sau ngày 25/05: Báo động bảo tố, tựa của bài xã luận: nếu đảng Xã hội về hạng ba thì liệu chính phủ sẽ phản ứng ra sao: hủy bỏ đường lối cải cách kinh tế hay tăng tốc? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đảng cựchữu về đầu qua mặt Liên minh UMP giành vị trí “đảng chính trị số một” tại Pháp?
Le Monde thì đặt thẳng một sự lựa chọn: hoặc con đường hội nhập, con đường mà Pháp đã chủ động, con đường Liên Hiệp Châu Âu, cho phép quốc gia bảo vệ quyền lợi và giá trị vào giờ phút mà cạnh tranh quốc tế trở thành gay gắt, xung khắc.
Con đường thứ hai là co cụm, từ bỏ tương lai của một quốc gia đầy cao vọng như nước Pháp. Tuy nhiên, Le Monde đòi hỏi các định chế châu Âu phải mạnh, mà muốn mạnh thì phải cải cách, phải đơn giản hóa cung cách điều hành. Và như thế khi đi bầu phải bỏ phiếu cho những đảng muốn xây dựng chứ không phải chọn kẻ phá hoại.
TAGS: CUBA - QUỐC TẾ - XÃ HỘI - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment