John Kerry mời Phạm Bình Minh đến Mỹ
Cập nhật: 11:56 GMT - thứ tư, 21 tháng 5, 2014
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã mời người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh đến Washington để ‘tham vấn toàn diện về các vấn đề song phương và khu vực trong khuôn khổ mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước’, hãng tin Pháp AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói.
Thông tin này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước về tình hình căng thẳng trên Biển Đông hôm thứ Tư ngày 21/5.
Chủ đề liên quan
Theo bà Psaki thì ông Kerry đã nói với ông Minh về ‘quan ngại của Mỹ đối với hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông’.
“Ngoại trưởng Kerry đã bày tỏ quan ngại về hành động khiêu khích của Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu chính phủ ra vùng biển có tranh chấp với Việt Nam – hành động đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và dẫn đến bạo lực đáng lên án nhằm vào các công dân và doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam,” bà Psaki cho biết.
Cũng theo nữ phát ngôn nhân này thì ông Kerry đã kêu gọi hai phía ‘kiềm chế, có những bước đi làm giảm căng thẳng... và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế’.
'Việt Nam đã kiềm chế'
Về phần mình, Trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam nói ông Phạm Bình Minh đã cập nhật cho ông John Kerry về việc Trung Quốc “đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.
Theo Ngoại trưởng Minh, Trung Quốc “liên tục gia tăng số lượng tàu, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu đổ bộ lớn”.
"Ngoại trưởng Kerry đã bày tỏ quan ngại về hành động khiêu khích của Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu chính phủ ra vùng biển có tranh chấp với Việt Nam – hành động đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và dẫn đến bạo lực đạng lên án nhằm vào các công dân và doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki
Ông Phạm Bình Minh nhắc lại “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì thông qua đối thoại, tránh xung đột, đồng thời kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực”.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ trả lời rằng ông “đánh giá cao sự kiềm chế và thiện chí của Việt Nam thể hiện trong việc kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình và đối thoại, không để căng thẳng leo thang”.
Ông John Kerry xem giàn khoan của Trung Quốc là “hành động khiêu khích, làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực”.
Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định lập trường về việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông “một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982”.
Cũng trong cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Việt Nam nói Việt Nam “sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”.
Căng thẳng
Cuộc điện đàm được Việt Nam công bố dường như cho thấy cố gắng xích lại gần với Washington của Hà Nội trong bối cảnh Bắc Kinh không nhượng bộ về vụ giàn khoan.
Trong diễn biến mới nhất, Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ công kích Việt Nam.
Trả lời đài Mỹ CNN hôm 20/5, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói công ty Trung Quốc hoạt động “tại vùng biển cách đảo Trung Quốc 17 hải lý, trong khi vùng biển này cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý”.
“Thứ hai, đây là giàn khoan duy nhất của chúng tôi tại khu vực này. Nhưng Việt Nam đang có hơn 30 giàn khoan, đều nằm trong khu vực tranh chấp. Giàn khoan duy nhất của chúng tôi nằm ở vùng biển không hề có tranh chấp.”
Đại sứ Thôi nói tiếp: “Thứ ba, chúng tôi chỉ có tàu chính phủ và dân sự tại đó, nhưng Việt Nam có tàu quân sự, tàu vũ trang, đây là sự thật.”
Ông Thôi Thiên Khải cũng nhắc về các vụ bạo động ở Việt Nam.
“Họ tấn công các công ty nước ngoài, đốt nhà máy, giết người vô tội. Những gì đang xảy ra ở Việt Nam cũng cùng bản chất như những gì đang xảy ra trên biển,” Đại sứ Trung Quốc lớn tiếng.
Chính phủ Việt Nam cho biết đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.
Tuy vậy đến nay không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nhượng bộ.
No comments:
Post a Comment