Trung Quốc gia tăng hiếp đáp Việt Nam ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc đã đâm tàu Việt Nam và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc vừa di chuyển một giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển Việt Nam.
Diễn tiến mới cho thấy điều gì về ý định của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian tới nói chung và với khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam nói riêng? Việt Hà có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế của trường đại học George Mason, Hoa Kỳ về vấn đề này.
Trước hết, nhật xét về diễn tiến mới, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Đây là một sự cố tương đối quan trọng hơn các lần trước, những lần trước thì chủ yếu là liên quan đến các tàu cá Việt nam thôi, lần này thì theo tin tức mới thì tàu đụng vào nhau liên hệ tới tàu cảnh sát biển của Việt nam thì đây là vấn đề quốc gia rồi, không còn là vấn đề tư nhân nữa, đây là có sự va chạm giữa các quốc gia với nhau, và nó đặt ra vấn đề đe dọa với an ninh của khu vực và an ninh của quốc tế.”
Việt Nam phải hành động
Việt Hà: Thưa Giáo sư. Từ trước đến nay Trung Quốc mặc dù đã có những hành động khiêu khích với Việt Nam ví dụ như cắt cáp tàu thăm dò, bắt giữ ngư dân Việt Nam, phía Việt Nam thường chỉ có phản đối về mặt ngoại giao, nhưng hành động gần đây thì Việt Nam đã đưa tàu ra ngăn cản và có cuộc họp báo quốc tế, theo ông điều gì đã khiến Việt Nam có hành động mạnh mẽ hơn lần này?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam bây giờ nghĩ là phải có hành động rồi. Từ lâu rồi cứ nhân nhượng họ hoài mà Việt Nam đã nhìn thấy rõ chính sách của Trung Quốc là chậm mà chắc, dần dần lấn dần, nhất là lấn Việt Nam là dễ nhất mà nhất là Trung Quốc đi xuống sâu hơn là Trường Sa thì liên hệ với nhiều nước, nên bây giờ chỉ có Việt Nam thôi.
Với Việt Nam mà mất vùng này thì Việt Nam thua luôn. Việt Nam vẫn đòi hỏi Hoàng Sa mà giờ họ làm cái này thì mất luôn Hoàng Sa. Việt Nam vẫn đòi vùng đặc quyền kinh tế mà nếu nhân nhượng cho họ thì Việt Nam cũng mất luôn vùng đặc quyền kinh tế.
Và như vậy thì tất cả những đòi hỏi về quyền lợi của Việt Nam mất rất nhiều, những giếng dầu Việt Nam đòi khai thác Trung Quốc dọa không cho khai thác, hai bên không khai thác, mà giờ Trung Quốc tự khai thác lấy thì đó là một thử thách mới cho Việt Nam và nếu Việt Nam không làm thì việc này trở thành sự đã rồi.
Sự đã rồi nhỏ thì dần nó lan ra thì dần dần Việt Nam chẳng còn gì cả, và đó là lý do tại sao Việt Nam hành động. Nhất là Việt Nam cũng đã học được bài học từ Philippines, nếu hố một cái là mất luôn. Thứ ba là áp lực ở trong nước, của người dân cũng khá lớn.
Việt Hà: Theo ông thì vụ đụng độ này có khả năng leo thang thành đụng độ quân sự không?
GS nguyễn Mạnh Hùng: Trong khi căng thẳng như vậy, thì nó dễ dàng leo thang. Khi leo thang như vậy thì có thể không vì do tính toán mà có thể là tai nạn, một sự mà mình không ngờ tới hoặc do tính lầm hoặc do hành động của những người ở hiện trường nó có thể tạo ra tình trạng trầm trọng hơn.
Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay thì chiến tranh không xảy ra nhưng mình không thể loại bỏ được những sự cố nhỏ xé ra to dù nó cũng chỉ là cục bộ thôi.
Mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền
Việt Hà: Hành động mới của Việt Nam có giúp được gì cho Việt Nam trong việc khẳng định quyền chủ quyền và kiềm chế hành động leo thang của trung quốc ở biển Đông?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Lần này Việt Nam đã làm mạnh hơn các lần khác rất nhiều, ngoài những hành động bán quân sự, khác hẳn với các hành động ngày xưa là chỉ đánh võ mồm.
Thứ hai lần này người tuyên bố không phải là phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao mà chính là ông Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thì nó đã đưa cấp phản đối lên cao hơn. Thêm nữa là có nói chuyện trực tiếp với đối tác của ông bên Tàu.
Như vậy thì việc công khai hóa đã nhiều hơn rồi. Vì thế điều đó cho thấy là Việt Nam đã có cố gắng để xác định chủ quyền của mình. Và cái này công khai hóa thì dĩ nhiên củng cố thêm cái việc khẳng định chủ quyền còn cái việc có làm được không lại là chuyện khác
Việt Hà: Những thách thức nào mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của mình ở Hoàng Sa khi mà Trung Quốc có hạm đội tàu lớn như vậy quay quanh để bảo vệ giàn khoan của họ ở đó?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Khi Trung Quốc làm như vậy thì Trung Quốc phải tính lợi và hại. Việt Nam cũng phải cho Trung Quốc thấy cái lợi và hại. ví dụ có những chuyện Việt Nam có thể làm một mình.
Ví dụ như Philippines đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế để kiện, bắt Trung Quốc xác định rõ đường lưỡi bò là gì, đảo Tri Tôn đó có 200 hải lý hay không.
Đó là chuyện mình phải làm về pháp lý. Về quân sự thì dĩ nhiên minh phải kiềm chế để không xảy ra chiến tranh, bởi chiến tranh rất thiệt hại. Nhưng có hành động kiểu quân sự như vậy là để đánh động quốc tế để mình nhân cớ đó có thể đưa ra diễn đàn đa phương, trong đó có liên hiệp quốc, trong đó có ASEAN, lôi kéo các nước ASEAN vào, họ phải để ý, buộc họ phải để ý.
Còn về phương diện ngoại giao, thì chuyện đó là do Việt Nam, Việt Nam phải cho Trung Quốc thấy cái lợi hại của mình. Cái hại là nếu Việt Nam có thể hô hào được các quốc gia ủng hộ mình, thì như lần này không những ông phụ tá Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng mà chính phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng không đồng ý hành động này rồi.
Trong cuộc họp sắp tới Việt Nam Mỹ và Á châu Thái Bình Dương, vấn đề này phải được đưa ra, đánh động các quốc gia Đông Nam Á phải cùng hợp sức lại để phản đối Trung Quốc.
Những cái đó cho thấy là nếu Trung Quốc làm quá thì sẽ bị cô lập. Điểm thứ hai là có một đe dọa nữa mà Việt Nam có thể làm là như trường hợp Philippines bị ép quá thì bằng lòng ký hiệp ước với Mỹ, có sự hiện diện của Mỹ ở đó.
Bài này tháu cáy hay không còn tùy thuộc sự cân đo của Việt nam và Trung QUốc và tóm lại chỉ có Việt Nam mới biết mình có lá bài gì mà đánh. Đại cương có thể nói rõ là nếu anh dồn tôi vào chỗ quá thì tôi sẽ không sợ anh nữa.
Hành động tiếp theo của Trung Quốc?
Việt Hà: Theo ông tại sao Trung Quốc có hành động mới này với Việt Nam, nhất là sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa đến châu Á và Hoa Kỳ và Philippines vừa ký thỏa thuận cho phép gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc thường là có chính sách dài hạn, tiến dần, mềm nắn rắn buông, rất là cơ hội. Ngày xưa Hoa Kỳ bị kẹt ở Trung Đông thì Trung Quốc dấn lên. Rồi bất cứ lúc nào có thời cơ là làm tới.
Trong thời điểm quan trọng thì họ phải thử. Bây giờ Hoa Kỳ ký hiệp ước với Philippines, sẽ có sự hiện diện quân đội thì Bắc Kinh bực mình và ông phải thử thách.
Thứ hai là trong lúc này Trung Quốc thấy Hoa Kỳ bị kẹt ở Ukraine, thực ra chính trị nội bộ Mỹ chia rẽ. Quyền lợi quốc gia Mỹ thì phải chú trọng đến Á Châu chứ không phải Ukraine, vì Ukraine không có quan trọng gì với an ninh của Mỹ, chỉ quan trọng về mặt nguyên tắc thôi.
Nhưng vì họ thấy nội bộ Mỹ chia rẽ, nên họ nhân tiện họ dấn vào vùng nào. Đây cũng là lúc để các ông chính trị gia Mỹ phải nghĩ đến quyền lợi quốc gia để có thái độ nhiều hơn trước khi trước khi Trung Quốc lấn lướt hết.
Tôi nghĩ Trung Quốc muốn thử Việt Nam, chặn Việt Nam…. Trước hết là chặn mặt Mỹ, thứ hai là chặn Việt Nam. Nhưng cái chính là làm một bước để đạt sự đã rồi để dần dần đạt được mục tiêu lâu dài của họ.
Việt Hà: Sau hành động này, liệu Trung Quốc còn có thể làm gì tiếp theo?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Lần trước họ mang giàn khoan ra mọi người phản đối quá thì họ đưa về. Lần này họ bảo làm 3 tháng thì có thể 3 tháng họ đưa về, nhưng nếu mình không làm và họ thấy Việt Nam bị cô lập thì họ cứ đào và sự đã rồi thì quốc tế phải chấp nhận thôi, nếu không có chiến tranh thì bắt buộc phải chấp nhận thôi.
Thành ra vấn đề khó của Việt Nam là làm sao phải làm cho nó nóng lên và làm sao nhiều quốc gia quan trọng ủng hộ mình, nhiều quốc gia quan trọng ủng hộ mình.
Tôi thấy nhiều quốc gia quan trọng chưa lên tiếng ví dụ như ở khối ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc châu, những nước lớn ở hội đồng bảo an chưa thấy gì. Những cái đó nó ảnh hưởng đến việc Trung Quốc làm hay không. Họ làm hay không thì họ phải tính cái lợi hại của họ.
Việt Hà: Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc buổi phỏng vấn hôm nay.
No comments:
Post a Comment