Saturday, May 24, 2014

Tư lệnh Mỹ vùng Thái Bình Dương : Việt Nam có thể thành đối tác chiến lược của Mỹ

Tư lệnh Mỹ vùng Thái Bình Dương : Việt Nam có thể thành đối tác chiến lược của Mỹ

Đô đốc Mỹ Samuel Locklear III gặp Tư lệnh quân đội Philippines Jessie Dellosa tại Manila - REUTERS /Cheryl Ravelo
Đô đốc Mỹ Samuel Locklear III gặp Tư lệnh quân đội Philippines Jessie Dellosa tại Manila - REUTERS /Cheryl Ravelo

Trọng Nghĩa
Bên lề một hội thảo tại Philippines vào hôm qua, 23/05/2014, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương không loại trừ khả năng Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Mỹ. Trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông với tàu công vụ Việt Nam hàng ngày trực diện với tàu tuần duyên và chiến hạm Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nơi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan HD-981, Đô đốc Samuel Locklear đã không khỏi lo ngại về nguy cơ tính toán sai lầm khiến xung đột võ trang nổ ra.

Phát biểu với báo chí sau cuộc hội thảo về an ninh châu Á mở ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới – Khu vực Đông Á tai Manila, người chỉ huy quân đội Mỹ ở vùng Thái Bình Dương đã bày tỏ thái độ « hết sức quan ngại » về nguy cơ xung đột võ trang nổ ra ngoài Biển Đông Việt Nam và Trung Quốc. Ông nói : « Tôi cho rằng rủi ro đến từ tính toán sai lầm rất cao, và tôi kêu gọi Việt Nam và Trung Quốc cùng tự kiềm chế ». 
Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lộ rõ ý đồ dùng sức mạnh chèn ép các nước trong khu vực dám tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, giới chuyên gia phân tích thường cho rằng các nước nhỏ trong vùng – như Việt Nam chẳng hạn – có thể tìm cách tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ.
Theo báo chí Philippines, trả lời câu hỏi cụ thể về triển vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đô đốc Locklear không trả lời thẳng, nhưng xác nhận rằng Việt Nam nằm trong danh sách một số nước mà Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ : « Mỹ đang tiếp tục tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác chiến lược và hiện càng lúc càng có thêm các đối tác… Chúng tôi luôn hướng tới việc thăm dò cơ hội để mở rộng quan hệ đối tác của chúng tôi với các nước như Việt Nam, nhưng Việt Nam chỉ là một trong số các quốc gia đó ». 
Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên hàng đối tác toàn diện nhân chuyến công du Washington của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào năm ngoái 2013.
Quan hệ này chưa phải là đối tác chiến lược, vì theo chuyên gia Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đối với Mỹ, nội dung của một quan hệ « đối tác chiến lược » phải nhấn mạnh đến hợp tác an ninh và quốc phòng, trong khi Việt Nam mới chỉ được công nhận là một đối tác chiến lược « tiềm tàng » của Mỹ vào năm 2010.
Vào khi ấy, giới phân tích đã cho rằng sở dĩ Việt Nam chỉ muốn quan hệ Mỹ-Việt dừng lại ở mức được chính thức gọi là « đối tác toàn diện », đó là vì không muốn làm Trung Quốc phiền lòng. Trên danh xưng, quan hệ Việt-Trung được xếp ở mức cao hơn vì có thêm từ ngữ « chiến lược ».
Tuy vậy, thực tế đang diễn ra cho thấy là « quan hệ đối tác toàn diện chiến lược » giữa Việt Nam và Trung Quốc không hề cấm cản Bắc Kinh dùng sức mạnh đưa giàn khoan vào cắm trong vùng biển của Việt Nam mà họ đơn phương cho là của họ.
TAGS: CHÂU Á - CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG - HOA KỲ - QUỐC TẾ - VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment