Đài Loan dự trù cắm tên lửa trên đảo Ba Bình ở Trường Sa
Đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, Biển ĐôngDR
Chính quyền Đài Bắc đang xem xét khả năng triển khai tên lửa phòng không RIM-72C Sea Chaparral do Mỹ chế tạo trên đảo Itu Aba mà Đài Loan đang kiểm soát ở vùng Trường Sa. Theo nhật báo Đài Loan Want Daily, vào hôm qua, 01/10/2014, Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Trung tướng Cao Thiên Trung đã thông báo tin trên cho ông Lâm Úc Phương, một Dân biểu thuộc Quốc Dân Đảng đang cầm quyền.
Itu Aba – tên tiếng Hoa là Thái Bình, tiếng Việt gọi là Ba Bình – là đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, hiện là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Đây là đảo duy nhất mà Đài Loan đang kiểm soát, cho dù Đài Bắc cũng đòi chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với những yêu sách tương tự như của Bắc Kinh.
Tên lửa RIM-72C của Mỹ hiện được đặt trên 6 chiến hạm lớp La Fayette của Pháp mà Hải quân Đài Loan hiện có. Tuy nhiên mới đây, Viện Khoa học Công nghệ Trung Sơn (Chungshan) đã cải tiến thành công tên lửa không đối không Thiên Kiếm II (Sky Sword) dùng cho chiến đấu cơ Đài Loan F-CK-1, để có thể phóng đi từ tàu chiến.
Do vậy Dân biểu Lâm Úc Phương (Lin Yu Fang) đề nghị thay thế tất cả các tên lửa RIM-72C bằng loại Thiên Kiếm II, và yêu cầu Bộ Quốc phòng Đài Loan xem xét việc triển khai loại tên lửa Mỹ trên đảo Itu Aba.
Cho dù Đài Loan không can dự vào cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi Scarborough Shoal tháng 04/2012 hay giữa Việt Nam Trung Quốc khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam hồi tháng 05/2014, nhưng dân biểu Lâm Úc Phương đề nghị Đài Bắc có đường lối cứng rắn hơn trong việc bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông.
Một số dân biểu khác cũng lên tiếng yêu cầu chính quyền củng cố hệ thống phòng thủ Itu Aba hiện do lực lượng tuần duyên Đài Loan chịu trách nhiệm. Theo các dân biểu này, hệ thống hiện hữu chưa đủ để đối phó với một cuộc tấn công của Việt Nam, do vậy, Bộ Quốc phòng cần triển khai thêm các loại tên lửa phòng không và vũ khí chống đổ bộ trên đảo, đồng thời mở rộng cảng, sân bay và những cơ sở quân sự khác trên đảo Itu Aba.
Theo báo mạng Want China Times, nếu không có loại máy bay tiếp liệu trên không, không quân Đài Loan không thể yểm trợ hiệu quả cho lực lượng trú đóng trên đảo Itu Aba, trong khi Việt Nam cho biết là có thể làm tê liệt hệ thống phòng thủ của đảo này trong vòng 20 phút. Sau đó, lực lượng Việt Nam chỉ cần không đầy một tiếng đồng hồ để giành quyền kiểm soát đảo này.
No comments:
Post a Comment