Buôn bán tượng Lenin và kỷ vật Liên Xô
- 2 giờ trước
Chỉ một ngày sau khi pho tượng lớn của Lenin ở trung tâm Kharkiv bị kéo đổ hôm 28/9, tôi đã được các đồng nghiệp từ BBC Tiếng Ukraine cho hay có người rao bán các mảnh của tượng.
Được biết chỉ mảnh tai không thôi đã nặng 35 kilogram và mũi Lenin cũng bị đem bán.
Bức hình nhóm người dùng búa đập rồi đục đẽo, cắt nát tác phẩm bằng đồng này gợi ra với tôi một hình ảnh không đẹp về mặt văn hóa.
Ta có thể hiểu rằng bối cảnh tranh chấp quân sự hai phe gần như nội chiến ở Ukraine nên vụ đập tượng này trông rất bạo lực.
Còn tại các nước có chuyển đổi thể chế ôn hòa như Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc sau năm 1989 tượng cựu lãnh tụ thường được di dời vào bảo tàng hay vườn lưu niệm chứ không bị dân tự phát đập rồi đem bán.
Hồi 2013, một hãng điện thoại di động Ba Lan còn dùng hình Lenin để quảng cáo và sau phải bỏ đi vì bị phản đối.
Nhưng chuyện không ưa Lenin chỉ dừng lại ở đó, không xảy ra điều gì bạo lực.
Mặt khác, hình tượng Lenin đã thuộc về một quá khứ và rơi vào nhóm sản phẩm đồ lưu niệm của Liên Xô, Đức và nhiều quốc gia Đông Âu khác sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã.
Hồi ở Ba Lan, sau năm 1991, tôi đã thấy nhiều khu chợ trời bán huân huy chương Liên Xô, kể cả các bằng khen, phần thưởng có ngôi sao đỏ, hình tượng búa liềm.
Những người bán hàng đa số là dân Nga hoặc từ vùng thuộc Liên Xô cũ.
Họ đội mũ lông có ngôi sao Hồng quân màu đỏ thắm, đứng dậm chận trong tuyết cho ấm, miệng ngậm thuốc lá, tay cầm cốc trà bốc khói để chống lại cái giá rét ngoài trời.
Trên tấ́m nilon trải dưới đất là thôi rồi đủ thứ kỷ vật của thời Liên Xô, từ huy chương, huy hiệu, quân phục Xô - Viết, mũ mãng, thắt lưng, bao da túi sách.
Nghe nói nếu hỏi kỹ và sẵn sàng trả tiền, người bán hàng có thể dẫn bạn đến người bán có hàng là súng AK-47 hoặc lựu đạn chưa hề rút chốt.
Ở Ba Lan vào thập niên 1990, tôi không hiểu người ta mua làm gì mấy thứ hàng 'Made in USSR' hoặc còn nguyên tiếng Nga là CCCP.
Nhưng sang Anh năm 1999, khi ở nhờ nhà một anh bạn Ba Lan, tôi mới biết nhiều người Đông Âu đóng thùng mang sang Tây Âu hàng lưu niệm Liên Xô, từ tượng Lenin tới huân huy chương Lenin, và các giấy tờ thời Chiến tranh Lạnh.
Hóa ra ở Anh, Pháp, Đức và cả Mỹ, Canada, Israel có cả một thị trường tiêu thụ khá lớn.
Vì ở Nga thời hậu cộng sản, giao dịch trên Internet chưa phát triển nên những người Ba Lan 'khôn ngoan' đã dùng hệ thống bưu chính Anh và Đức để bán hàng đi khắp thế giới.
Người mua có hai loại, theo như anh bạn tôi, Krystian giải thích.
Một là giới sưu tập chuyên nghiệp mua để giữ giá rồi bán lại vào các bảo tàng hoặc trên thị trường cổ vật.
Hai là giới amateur, tức là hiếu kỳ thì mua về để trong nhà vì ưa của lạ.
Nhưng còn nhóm thứ ba, đông hơn, ít tiền hơn nhưng mua kỷ vật vì có liên hệ tình cảm gì đó với khối cộng sản cũ.
Cũng không lạ, vì vào giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, hàng cả triệu người từ phía Đông của châu Âu di cư, chạy loạn sang phía Tây trong khi thân nhân của họ ở lại bên kia Bức màn sắt.
Không tính Đức bị chia cắt mà rất nhiều công dân Anh, Mỹ, Canada, Israel đều có bà con họ hàng hoặc tổ tiên ở Ba Lan, Nga, Ukraine, Bulgaria, Hungary, Tiệp Khắc...
Có người tìm mua cả những tài liệu, bản đồ, sách báo về các thành phố cụ thể ở khắp vùng Liên Xô cũ.
Có người ưa tìm đồ quân sự cũ (militaria) và có ông là lính Bạch Vệ nhưng lại tìm mua những thứ của phe Hồng quân.
Và khác với các vật phẩm của Đức Quốc xã (Nazi) bị cấm buôn bán, 'hàng đỏ' từ Liên Xô được mua đi bán lại thoải mái.
Giá thị trường
Nhưng gần đây, khi hỏi lại người bạn Ba Lan về chuyện buôn bán huân huy chương của thời cộng sản Đông Âu mà anh cũng có tham gia ít nhiều thì tôi được nghe là thị trường này đã hoàn toàn ế ẩm.
Mấy năm gần đây, các trang chuyên kinh doanh cổ vật, đồ sưu tập bằng tiếng Anh đã mở chi nhánh ngay tại Nga và vùng thuộc Liên Xô cũ, và người ta mua bán trao đổi trực tiếp, không cần mấy người Ba Lan làm trung gian.
Nhưng cũng vì Liên Xô đã đúc ra quá nhiều tượng Lenin, dập ra quá nhiều huân chương các loại nên hàng này cũng bắt đầu bị ế thảm hại.
Nhà anh bạn Ba Lan của tôi còn vài ký lô huy chương mang hình Lenin, nay để xó nhà.
Vào kiểm các trang đấu giá như eBay hay www.invaluable.co.uk tại Anh tuần này, tôi thấy giá tượng bán thân hoặc tượng chân dung (chỉ có đầu) của Lenin được rao bán (bidding) chỉ từ khoảng 118 tới 149 bảng.
Thậm chí tại Mông Cổ, theo trang www.paulfrasercollectibles.com hồi 2012, sau khi bức tượng Lenin 58 tuổi ở Ulan Bator bị kéo đổ, giá rao bán của nó chỉ bắt đầu ở mức 300 USD.
Khác với tranh thánh của đạo Chính Thống (chủ yếu ở Nga và Bulgaria) vốn ngày càng trở nên hiếm hoi nên luôn được giá, nay chỉ những vật phẩm gì có ý nghĩa lịch sử cụ thể mới có khách mua.
Chẳng hạn một lá thư từ năm 1915 do Lenin ký tên nói về một hội nghị của đảng Xã hội Nga đã được bá́n trên mạng đấu giá ở Hoa Kỳ năm 2010 với giá 12500 USD.
Gần đây, một huy chương nạm vàng do cơ quan công an khét tiếng NKVD của Liên Xô cũ trao tặng cho một sỹ quan an ninh nhân kỷ niệm 10 năm cách mạng Nga, được rao bán với giá 19 nghìn USD ở Mỹ.
Hàng lạ, như một tấm huy chương Liên Xô đúc năm 1992 (sau khi quốc gia này tan rã năm 1991 nhưng nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất) lại có giá hơn huy chương đúc ra đúng kỳ hạn.
Thị trường hóa ra chỉ cần 'của hiếm', gắn liền với những sự kiện lịch sử hay cá nhân cụ thể.
Điều nghịch lý là Lenin khi sống đã cố gắng xóa các tôn giáo nhưng sau khi chết lại bị Liên Xô biến thành một thứ ngẫu tượng để tôn thờ và tạo ra nạn lạm phát hình tượng của ông.
Xét cho cùng, dù có những ở người Việt Nam vẫn kính trọng Lenin nhưng cả họ và ông đều không thắng được những quy luật của lịch sử và nguyên tắc thị trường.
Những biểu tượng Lenin để lại đã nói lên một thời vinh quang và tàn khốc của Liên Xô, và cũng chỉ một thời mà thôi.
No comments:
Post a Comment