Hoa Kỳ và Ấn Độ quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng, 30/09/2014.REUTERS/Larry Downing
Hôm qua 30/09/2014 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước trong vòng 48 giờ. Cả hai bên đều bày tỏ quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt về kinh tế, nhưng không một thỏa thuận quan trọng này được ký kết trong dịp này.
Sau cuộc gặp, phát biểu với các nhà báo ngay tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ cho biết đã thảo luận nhiều chủ đề như thương mại, biến đổi khí hậu, thám hiểm vũ trụ, mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông.
Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nước « đã có những cơ sở cho mối quan hệ đối tác chặt chẽ ». Về quan hệ kinh tế song phương, Thủ tướng Modi cho biết đã đề nghị Tổng thống Barack Obama tiếp tục thúc đẩy chính sách mở cửa thị trường Mỹ cho các doanh nghiệp Ấn Độ, trong lĩnh vực dịch vụ.
Lãnh đạo hai nước cũng đề cập một cách « thẳng thắn » đến tình trạng bế tắc của vòng đàm phán về tự do mậu dịch trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới.
Năm 2013, tại Bali, Indonesia, 160 nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới đã đồng ý thực hiện Thỏa thuận tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, được coi là thỏa thuận quan trọng nhất trong 20 năm vừa qua, trong tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế. Thế nhưng, vào tháng Bẩy vừa qua, Ấn Độ lại từ chối ký văn bản này.
Thủ tướng Modi tuyên bố : « Ấn Độ ủng hộ tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn là chúng ta có thể tìm kiếm được một giải pháp chú ý tới những lo ngại của chúng tôi trong lĩnh vực an ninh lương thực ».
Thủ tướng Ấn Độ cũng đã tới trụ sở Hạ viện Mỹ, gặp lãnh đạo đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, thảo luận về hồ sơ môi trường và cuộc chiến chống khủng bố.
Theo giới quan sát, chuyến công du Hoa Kỳ có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thủ tướng Ấn Độ. Năm 2005, ông Modi đã bị Washington từ chối cấp giấy phép nhập cảnh do các vụ bạo loạn chống người Hồi giáo tại bang Gujarat, làm nhiều người thiệt mạng năm 2002, khi ông làm Thống đốc bang này.
No comments:
Post a Comment