‘Hong Kong là chuyện nội bộ của TQ'

  • 1 giờ trước
Mỹ nói họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình Hong Kong
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo rằng các cuộc biểu tình đòi dân chủ rầm rộ ở Hong Kong là ‘bất hợp pháp’.
Ông Vương hiện đang ở Washington. Ông nói vấn đề Hong Kong là ‘công việc nội bộ’ của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Vương Nghị đã kêu gọi chính quyền Hong Kong kiềm chế khi xử lý cuộc biểu tình vốn đang được xem là thách thức đối với Bắc Kinh.
Các sinh viên Hong Kong tức giận với việc Bắc Kinh sẽ kiểm duyệt các ứng cử viên trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017 đã thề sẽ đẩy mạnh cuộc biểu tình nếu Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh không từ chức.
Họ nói những người biểu tình sẽ chiếm trụ sở chính quyền nếu ông Lương không từ chức trước đêm thứ Năm ngày 2/10.

‘Hành động phi pháp’

Vào đêm thứ Tư ngày 1/10, khoảng 3.000 người biểu tinh đã tập hợp bên ngoài văn phòng ông Lương và đối đầu với khoảng 200 cảnh sát, AFP đưa tin.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết cảnh sát hiện diện đông đảo bên ngoài trụ sở chính quyền.
Trong hàng ngũ những người biểu tình có sinh viên, ủng hộ viên của phong trào Occupy Central và cả những người phẫn nộ với cách hành xử của cảnh sát đối với người biểu tình.
Cho đến nay, Ngoại trưởng Vương Nghị là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc công khai bình luận về Hong Kong.
“Các vấn đề của Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc. Tất cả các nước cần tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc. Bất kỳ nước nào, bất kỳ xã hội nào thì cũng không ai cho phép những hành động phi pháp làm rối loạn trật tự công cộng như thế này,” ông Vương nói.
Tuy nhiên ông nói rằng ông tin chính quyền Hong Kong có ‘đủ khả năng để giải quyết tình hình một cách thỏa đáng theo pháp luật’.
Người biểu tình hiện đang gây sức ép đòi ông Lương Chấn Anh từ chức
Ông Kerry nói rằng Mỹ ủng hộ quyền phổ thông đầu phiếu cho người dân Hong Kong và rằng ông hy vọng chính quyền Hong Kong sẽ ‘kiềm chế và tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa của người biểu tình’.
Còn ở Trung Quốc, một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo đã cảnh báo về ‘những hậu quả không lường hết được’ nếu các cuộc biểu tình tiếp tục trong khi truyền hình nhà nước cho rằng cần ủng hộ nỗ lực ‘phục hồi trật tự càng sớm càng tốt’ của cảnh sát Hong Kong.
Hôm thứ Tư ngày 1/10, ông Lester Shum, phó tổng thư ký Hội Sinh viên Hong Kong nói ông hy vọng ông Lương sẽ từ chức chỉ trong một ngày nữa.
“Nếu không, chúng tôi sẽ thông báo đẩy mạnh phong trào biểu tình, tiến tới chiếm giữ các cơ quan chính quyền xung quanh,” ông nói.
Đến giờ chính quyền Hong Kong vẫn không dùng vũ lực trấn áp biểu tình
Ông Chan Kin-man của tổ chức Occupy Central đã kêu gọi các sinh viên hành động ôn hòa nhưng cũng đòi ông Lương phải ra đi.
“Chúng tôi có thể nói chuyện với bất kỳ ai ngoại trừ ông ta (Lương Chấn Anh)... hãy từ chức vì Hong Kong,” ông nói.

‘Không dùng vũ lực’

Hàng ngàn người biểu tình vẫn cắm trại ở những điểm biểu tình chính ở các khu tài chính trung tâm như Causeway Bay và Mong Kok.
Một số tờ báo dẫn các nguồn tin ẩn danh ở Hong Kong cho biết chính quyền đang ngồi chờ vì họ nghĩ rằng các cuộc biểu tình sẽ dần mất nhiệt.
Tờ Nhật báo phố Wall dẫn một nguồn tin ở Hong Kong cho biết ông Lương đã được lệnh từ Bắc Kinh là không sử dụng vũ lực.
Một nguồn tin trong chính quyền Hong Kong nói với Reuters: “Biểu tình có thể kéo dài một tuần hay một tháng, chúng tôi cũng không biết. Trừ phi xảy ra hỗn loạn, chúng tôi sẽ không triển khai cảnh sát chống bạo động... Chúng tôi hy vọng điều này sẽ không xảy ra.”
Nói với BBC, ông Chris Patten, cựu Thống đốc Hong Kong dưới thời Anh cai trị, cáo buộc Trung Quốc đã vi phạm những cam kết của họ khi họ thu hồi Hong Kong từ tay Anh quốc hồi năm 1997.
Nhưng ông cũng nói rằng ông không tin Trung Quốc ‘sẽ ngu ngốc đến mức làm những việc như điều quân trấn áp’.