Lãnh đạo Hong Kong 'không từ chức'

  • 1 tháng 10 2014
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong
Lãnh đạo Hong Kong không từ chức nhưng nói sẽ cử đại diện đối thoại với sinh viên.
Lãnh đạo chính quyền Hong Kong, ông Lương Chấn Anh, tuyên bố vào tối ngày thứ Năm 02/10/2014 'sẽ không từ chức', theo yêu cầu của những người biểu tình.
Trưởng Đặc khu Hành chính của Hong Kong cũng nói sẽ cử đại diện 'đối thoại với đại diện' của liên đoàn học sinh, sinh viên đang tổ chức cuộc biểu tình đòi bầu cử tự do và mở rộng dân chủ ở vùng lãnh thổ tự trị thuộc Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo do Trung Quốc chỉ định tại Hong Kong cũng nói cảnh sát sẽ áp dụng các biện pháp 'cứng rắn' để chống lại các hành động biểu tình và xâm phạm công sở 'bất hơp pháp.'
Trước đó vài giờ cùng ngày, nhà nghiên cứu châu Á, ông David Koh từ Singapore nói với bàn tròn trực tuyến (http://bit.ly/1ryroFd) của BBC về cuộc biểu tình ở Hong Kong và cho rẳng tình hình rất căng thẳng va đã tới ngưỡng.
Ông nói: "Nếu thực sự có chuyện chiếm các cơ quan nhà nước thật, thì tôi nghĩ tình hình sẽ rất căng."
Về tính chất của cuộc biểu tình, nhà nghiên cứu từ Singapore nói:
"Nhóm tổ chức cuộc biểu tình ở Hong Kong bây giờ thực ra là một nhóm học sinh cấp II, họ cũng đã tổ chức một số cuộc biểu tình trước đây rồi, trong đó có cuộc phản đối sách giáo khoa mới của Trung Quốc áp dụng năm ngoái. Cho nên họ cũng có những cái không đồng tình với cách làm của Trung Quốc..."
Trong khi đó, về tác động của cuộc biểu tình, từ Hong Kong, nghiên cứu sinh chính trị học Nguyễn Thành Trung thuộc Đại học Hong Kong Baptist nhận định:
"Sinh viên có thể đánh động được những người dân Hong Kong khác, những người hiện nay còn đang bàng quan với tình hình chính trị của Hong Kong,
"Những người mà cho rằng họ quan tâm tới việc kiếm tiền hơn là quan tâm tình hình thể chế của Hong Kong trong vài năm tới hoặc là Hong Kong hoàn toàn thuộc về Trung Quốc vào năm 2047."
Còn từ Hà Nội, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng bình luận về phạm vi tác động của sự kiện. Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng đêm nay (02/10) là một đêm rất khó đoán vì tình hình rất căng. Và sự chờ đợi của chính quyền thêm một bước nữa, nếu người biểu tình bước qua là hạn chót rồi, không thể khác được nữa.
Cuộc biểu tình ở Hong Kong
Cuộc biểu tình ở Hong Kong mang dấu ấn của tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh.
"Thực ra việc diễn ra ở Hong Kong có lẽ không chỉ là việc ở Hong Kong. Nếu chúng ta quan sát thời đại bây giờ thì việc biểu tình ở một nơi, thế nhưng sự tham gia của những nơi khác bằng những phương tiện kỹ thuật, thí dụ chẳng hạn chúng ta ở đây, chúng ta cũng tham gia vào bình luận, đưa tin.
"Và khắp nơi trên thế giới, người ta bày tỏ sự đồng tình đoàn kết, thế này, thế kia, thì hiệu ứng của Hong Kong sẽ lan tỏa ở những nơi khác. Tôi đang chờ đợi những nơi khác, ở chính Trung Hoa đại lục, thậm chí kể cả Việt Nam."

'Văn hóa biểu tình'

Cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở Hong Kong không chỉ nổi bật ở khía cạnh những người xuống đường đa số là thanh niên, sinh viên, học sinh, mà còn thu hút sự chú ý ở góc cạnh được cho là có một 'văn hóa và văn minh biểu tình' được thể hiện rõ nét.
Được hỏi để so sánh văn hóa biểu tình của Hong Kong với những gì từng diễn ra ở Việt Nam trong nhiều diễn biến biểu tình, tuần hành ở Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nêu sự khác biệt:
"Phải nói rằng tôi thấy sự khác biệt rất lớn giữa biểu tình ở Hong Kong và biểu tình ở Việt Nam, tôi thấy có rất nhiều người trầm trồ về chuyện 'ôi tại sao họ có thể tổ chức được cuộc biểu tình tuyệt vời thế, đông người như thế nhưng mà vẫn rất sạch sẽ, rất là ngăn nắp!',
"Nhưng tôi cho rằng tổ chức chỉ là một phần, mà cái thành công, những ấn tượng của chúng ta về Hong Kong là do ở cái môi trường xã hội đã phát triển vượt bậc.
"Nơi mà những con người ở Hong Kong người ta rất văn minh và thực sự trong một đám đông đấy nó cũng giống như một cuộc khủng hoảng, hàng chục nghìn người như thế, không ai có thể lãnh đạo được.
Biểu tình ở Hong Kong
Cuộc biểu tình ở Hong Kong đã đang thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu.
"Đừng nói là hàng chục tổ chức ở Hong Kong có thể điều khiển được hết được. Cái này phải xuất phát từ văn hóa, từ trình độ văn minh của người Hong Kong rất là cao."

'Ủng hộ sinh viên'

Chia sẻ với BBC về những gì chứng kiến tại chỗ về cuôc biểu tình của thanh niên, sinh viên và học sinh Hong Kong, nghiên cứu sinh chính trị học Nguyễn Thành Trung nói:
"Tuần đầu tiên thì sinh viên, học sinh Hong Kong tạm thời bãi khóa, nhưng sang tuần thứ hai sinh viên Hong Kong bắt đầu xuống đường, tổ chức và hiện nay là đang tiến tới ngày cuối của tuần thứ hai...
"Trong Khoa của chúng tôi thì đêm qua có hai giáo sư chuyên nghiên cứu về phong trào xã hội, họ rất sâu sát và họ ủng hộ hết mình đối với phong trào của học sinh, sinh viên và phong trào người Hong Kong có quyền tự quyết, tự chọn ứng cử viên cho chức Đặc khu Trưởng vào năm 2017.
"Và đối với các Hiệu trưởng các trường Đại học, họ cũng ra thông báo rằng là trường ủng hộ tự do ngôn luận và tự do chính trị của mọi người.
"Và nếu sinh viên có cần sự giúp đỡ gì, thì xin gọi vì họ cũng thiết lập đường giây nóng.
"Chẳng hạn Trường Baptist của chúng tôi cũng thiết lập hai đường dây nóng cho sinh viên, nếu cần họ giúp đỡ."
Nhân các sự kiện đang diễn ra mau lẹ hiện nay tại Hong Kong với nhiều thanh niên và quần chúng tham gia các cuộc xuống đường đòi bầu cử tự do và mở rộng dân chủ, BBC tổ chức một cuộc tọa đàm bàn tròn trực tuyến với các khách mời để cùng thảo luận các khía cạnh của sự kiện.
Chương trình được phát trực tiếp từ lúc 19h30-20h00 tối ngày 02/10/2014 theo giờ Việt Nam và được phát trực tiếp trên các kênhYouTubeGoogle+, Facebook và trang nhà của chúng tôi.
Quý vị có thể bấm vào các đường dẫn sau đây để theo dõi chương trình: trang nhà của BBC Việt ngữFacebook của BBC Việt ngữ và YouTubecủa chúng tôi.
Biểu tình ở Hong Kong
Cuộc biểu tình ở Hong Kong đang là thách thức lớn cho chính quyền sở tại và Trung Quốc.