Quá khứ và tương lai hợp tác Việt - Mỹ
- 9 giờ trước
Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã có phát biểu được giới truyền thông trích dẫn:
“Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Chúng ta có thể thay đổi tương lai bằng cách hợp tác với nhau.”
Quá khứ chính là lịch sử. Nhưng khi nghe một quan chức nhà nước cộng sản nói không thể thay đổi quá khứ, chúng ta cần phải quan tâm và xét lại.
Lịch sử Việt Nam thời cận đại, từ khi có Đảng Cộng sản, là lịch sử được viết lại, có thể nhiều lần, cho phù hợp với quan điểm chính thống của Đảng.
Vụ việc triển lãm về cải cách ruộng đất mới đây cho thấy cách Hà Nội muốn thay đổi lịch sử về chính sách đã giết chết nhiều vạn người và làm tan rã đời sống xã hội nông thôn trong thập niên 1950. Sau khi có nhiều người lên tiếng phê bình, cuộc triển lãm dự trù kéo dài vài tháng đã phải đóng cửa chỉ sau vài ngày mở ra.
Lịch sử là ngày mất của của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là di chúc ông để lại đã bị lãnh đạo cộng sản Việt Nam sửa đổi.
Quá khứ là những tác phẩm văn học để lại cho đời. Nhưng những bài viết trên Nhân Văn, trên Giải Phẩm từng bị cấm phổ biến.
Những năm gần đây, như muốn đưa ra một dấu chỉ hòa giải với quá khứ đau thương của dân tộc sau cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến tranh chống đế quốc Mỹ, trong nước cho in lại tác phẩm của một số tác giả trong Tự Lực Văn đoàn, vài truyện của Võ Phiến nhưng đã cắt bỏ những gì không hợp với đường lối chủ trương của Đảng.
Quá khứ lịch sử là sự kiện Đại tá Bùi Tín có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, là những gặp gỡ của ông với nhiều giới chức quốc tế, trước và sau cuộc chiến.
Đầu thập niên 1990 ông bỏ Đảng, bỏ nước ra đi, từ đó tên ông không còn được truyền thông trong nước nhắc đến, hình ảnh của ông bị cắt xén ra khỏi những tài liệu, những sách báo.
Như thế, khi nghe Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc đến quá khứ không thể thay đổi tôi phải đặt câu hỏi: quá khứ nào?
Quá khứ nào?
Quá khứ lịch sử như ghi trong các văn kiện, tài liệu của ban tuyên giáo, như có trong sách báo xuất bản dưới sự chỉ đạo của Đảng. Hay quá khứ còn nằm trong những tác phẩm của Nguyễn Minh Cần, Doãn Quốc Sỹ, Bùi Tín, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Chí Thiện, Dương Thu Hương, Trần Đĩnh; trong những tác phẩm xuất bản mà không bị kiểm duyệt của ban văn hoá tư tưởng.
Khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói với người Mỹ: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ”, có phải đó là quá khứ chống Mỹ cứu nước, xuất cảng cách mạng, bành trướng chủ nghĩa cộng sản theo chủ trương của Liên Xô, Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu dùng đó làm tiền đề, để rồi nghe câu sau: “Chúng ta có thể thay đổi tương lai bằng cách hợp tác với nhau”. Như thế sau hơn nửa thế kỷ, có phải giờ đây chính sách đối ngoại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã quay ngược 180 độ?
Không hẳn như thế. Tháng trước, trong một hội thảo về tình hình biển Đông tổ chức tại Đại học Berkeley, giáo sư Vũ Tường của Đại học Oregon đưa ra so sánh giữa quan hệ Việt-Trung và quan hệ Việt-Mỹ.
Theo ông, Trung Quốc hiện có ảnh hưởng lớn đối với giới lãnh đạo Hà Nội, vì trong hai thập niên qua, từ thời Tổng thống Bill Clinton, Hoa Kỳ đã đưa tay ra muốn kết thân hơn với Việt Nam, nhưng giới lãnh đạo Hà Nội vẫn luôn e dè.
Nghe nhận định của giáo sư tôi tự hỏi quan hệ Việt-Mỹ đến nay vẫn chưa nâng lên được tầm cao hơn là vì áp lực từ Trung Quốc hay vì Hà Nội lo sợ diễn biến hòa bình?
Giáo sư Tường dẫn chứng sự việc những năm qua trong nước ít còn nhắc đến chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 và nhà nước cũng không cho phép tổ chức tưởng niệm hàng vạn bộ đội đã hy sinh trong cuộc chiến này.
Có thể bây giờ Hà Nội không còn chủ trương chính sách ngoại giao quá ‘đu dây’ và Việt Nam thực sự muốn làm đối tác chiến lược với Mỹ, sau sự kiện Trung Quốc hung hăng trên biển với ngư dân, với tàu hải giám, tàu thăm dò địa chấn, rồi ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển đặc khu kinh tế của Việt Nam.
‘Không là điều mới’
Phát biểu của Phó Thủ tướng trong chuyến đi Mỹ vừa qua được truyền thông chú ý. Tưởng như mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ hai nước. Tuy nhiên, câu nói “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ” không là điều mới, vì trước đây đã có nhiều người nói thế.
Cô Phan Thị Kim Phúc, một nạn nhân của bom lửa trong thời chiến tranh, nay đã xin tị nạn và sống ở Canada, đã từng nói thế.
Năm 1996, được mời tham dự Ngày Cựu Chiến binh tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Thủ đô Washington, trong bài diễn văn cô nói một người không thể thay đổi quá khứ, nhưng mọi người có thể làm việc chung với nhau cho một tương lai hòa bình.
Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh là Pete Peterson, cựu phi công chiến đấu và cựu tù binh Hoả Lò, cũng đã phát biểu: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, chúng ta có thể cùng làm việc cho tương lai”
Nhưng muốn tương lai quan hệ trở thành đối tác chiến lược, một cách nói để chuẩn bị trở thành đồng minh giữa Mỹ và Việt Nam trong lúc này là điều không dễ thực hiện vì quá khứ lịch sử của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã bị ảnh hưởng bởi láng giềng khổng lồ cùng theo một chủ thuyết trong cách cai trị.
Chính vì thế dù muốn phát triển quan hệ gần hơn với Mỹ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã nhắc lại đường lối ngoại giao của Việt Nam là không hợp tác với nước khác để làm hại một nước thứ ba, chủ yếu khỏi làm Trung Quốc nổi giận.
Chuyến đi Mỹ vừa qua của ông Phạm Bình Minh đạt một bước tiến trong quan hệ qua việc Hoa Kỳ đồng ý nới lỏng từng phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây là tiến trình chậm từng bước, giống như hai thập niên trước với việc bỏ cấm vận từng phần, trước khi tiến tới thiếp lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong tương lai, Hà Nội và Washington sẽ có những chính sách hợp tác ra sao để nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ lên mức cao hơn thì phải chờ xem.
Vì bài học lịch sử vẫn còn đó. Năm 1991, khi thân sinh của ông Phạm Bình Minh là cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch (tức Phạm Văn Cương) chỉ vì ‘qua mặt’ Trung Quốc, muốn nhanh chóng phát triển quan hệ với Mỹ, mà đã mất hết chức quyền.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment