TQ hoàn tất đường băng ở Hoàng Sa

  • 9 tháng 10 2014
Đường băng dài mới được cho là sẽ giúp quân đội Trung Quốc gia tăng hiện diện trong khu vực
Bắc Kinh vừa hoàn tất đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong lúc báo Trung Quốc chỉ trích việc Hà Nội thắt chặt quan hệ với Washington.
Đường băng dài 2 km sẽ được sử dụng cho các hoạt động của Quân Giải phóng Nhân dân, Tân Hoa Xã cho biết.
"Với việc hoàn tất và tiếp tục nâng cấp đường băng trên đảo Vĩnh Hưng (tên gọi Trung Quốc dùng cho đảo Phú Lâm), các máy bay quân sự giờ đây có thể hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và giúp nâng cao khả năng phòng vệ của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa", bản tin cho hay.
Tân Hoa xã cũng đăng tải nhiều hình ảnh chụp đường băng được bao quanh bởi nước biển và nhiều cần cẩu xây dựng.
Phản ứng về tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình được truyền thông trong nước dẫn lời nói "Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".
Hồi tháng Sáu, Trung Quốc đã xây một trường học trên đảo Phú Lâm để phục vụ cho gia đình các công nhân làm việc tại đây, hãng thông tấn AFP cho biết.
Động thái mới nhất từ phía Trung Quốc diễn ra 5 tháng sau khi nước này đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý, châm ngòi cho hàng loạt cuộc đụng độ trên biển suốt một tháng sau đó giữa các tàu chấp pháp hai nước.

'Cảnh cáo Washington'

Tạp chí The Diplomat hôm 8/10 đăng bài của cây bút Zachary Keck trong đó cho rằng việc xây dựng đường băng là một phần trong nỗ lực củng cố sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên các đảo và bãi đá ngầm này đang kiểm soát trên Biển Đông.
“Điều này nhằm mục đích củng cố yêu sách chủ quyền cũng như khả năng tuần tra của Quân Giải phóng Nhân dân trên vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trong tin đăng hôm 8/10 dẫn lời chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng tại Thượng Hải so sánh đường băng mới của Trung Quốc với một "hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm".
"Nó sẽ trở thành nơi cất cánh - hạ cánh lý tưởng cho các máy bay hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân," ông cho biết.
"Động thái mới nhất trên đảo Vĩnh Hưng có mục đích cảnh báo Washington rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng cho trường hợp Hoa Kỳ hậu thuẫn Việt Nam để chống lại Bắc Kinh nếu có xung đột lãnh thổ diễn ra trong tương lai".
Tờ này cũng dẫn lời ông Lý Giải, một cựu sỹ quan của Quân Giải phóng Nhân dân, nói đường băng này sẽ mở đường cho việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
"Đường băng này đã trở thành sân bay lớn nhất ở vùng cực nam của Trung Quốc," ông Lý nói.
"Nó sẽ giúp các phi cơ củng cố khả năng chiến đấu, làm nhiệm vụ trinh thám cũng như chống lại các hoạt động trinh thám khác".
"Sân bay Tam Sa cũng được thiết kế để làm nơi trữ hàng cho các hạm đội của Trung Quốc ... Đường băng này cũng có thể giúp cho các hoạt động du lịch tại quần đảo Hoàng Sa".
Hình chụp đường băng mới của Trung Quốc từ trên cao

Chỉ trích quan hệ Việt - Mỹ

Trong một diễn biến khác, tờ China Daily hôm 9/10 đã có bài viết chỉ trích việc Hà Nội thắt chặt quan hệ với Washington, thể hiện qua quyết định nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam của Hoa Kỳ hồi đầu tháng 10.
"Việc Hoa Kỳ cho phép bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được nhiều ý kiến trong khu vực xem là không chỉ phục vụ cho chiến lược chuyển trục về châu Á của Hoa Kỳ, mà còn giúp Hà Nội đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa," bài viết có đoạn.
"Hà Nội cần tỉnh táo và hiểu rằng nước này chỉ là một quân trên bàn cờ chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ."
"Sự nồng ấm trong mối quan hệ này dựa trên một nền tảng mong manh do sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai nước và những vết thương của chiến tranh."
"Việt Nam chưa bao giờ được lột tả một cách tích cực trong những bộ phim của Hoa Kỳ, và tâm lý chống Mỹ vẫn còn rất rộng lớn trong xã hội Việt Nam - điều đang cản trở nước này thắt chặt quan hệ với cựu thù".
"Bên cạnh đó, cả hai nước cũng cần cẩn thận để việc thắt chặt quan hệ quân sự không làm ảnh hưởng quan hệ với Bắc Kinh. Dù gì đi nữa, một cuộc đối đầu trên Biển Nam Trung Hoa sẽ không phục vụ cho lợi ích của bất cứ ai".