Trung Quốc sẽ đối đầu với Indonesia ở Biển Đông ?
Công trình xây dựng một nhà ga hành khách dân sự tại căn cứ không quân Ranai trên đảo Natuna (Indonesia).Reuters
Phải chăng do tham vọng lãnh thổ mà Trung Quốc đã biến một số nước trong khu vực Đông Nam Á, vốn vẫn tìm mọi cách tránh xung đột, giờ đây trở thành đối thủ và buộc phải có những biện pháp phòng vệ phù hợp ?
Theo website The Doplomat, có thể sắp tới, Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Natuna cho dù vùng lãnh thổ này là của Indonesia, xét trên mọi phương diện, lịch sử, pháp luật và quản lý thực tế.
Biểu hiện cụ thể là Trung Quốc đã phát hành một bản đồ về các vùng đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, trong đó có quần đảo Natuna, ở Biển Đông.
Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã củng cố các tham vọng lãnh thổ của mình qua việc hù dọa sử dụng bạo lực, tăng cường tuần tra, phong tỏa, đặt dàn khoan, xây dựng các công trình kiên cố trên các đảo có tranh chấp, cải tạo, bồi đắp các bãi đá thành đảo, thậm chí còn có những hành động thù địch chống lại những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong những năm gần đây, dường như Trung Quốc chưa công khai dòm ngó tới lãnh thổ Indonesia. Do vậy, chính quyền Jakarta đã tỏ ra tích cực đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Thế nhưng, việc Bắc Kinh đưa quần đảo Natuna vào bản đồ các đòi hỏi lãnh thổ và bản đồ này được in lên cả hộ chiếu của công dân Trung Quốc, thì Tổng thống vừa đắc cử của Indonesia, ông Joko Widodo, sẽ buộc phải có chính sách đối phó với Trung Quốc để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Hồi tháng Ba 2014, lần đầu tiên, chính quyền Jakarta thừa nhận là Bắc Kinh đơn phương đưa ra các đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông trong đó có một phần tỉnh Riau. Quần đảo Natuna và một số quần đảo khác nằm trong tỉnh này. Cho dù cố tránh xung đột, nhưng có nhiều khả năng Indonesia là nạn nhân sắp tới trong tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Natuna đã từng là đối tượng xung đột giữa Indonsia và Trung Quốc. Cho đến tận những năm 1970, đa số cư dân trên quần đảo này là người gốc Hoa. Các vụ nổi dậy bài Hoa đẫm máu đã diễn ra liên tục từ những năm 1960 đến 1980. Trước đây, còn có tin đồn về một cuộc gặp bí mật giữa Đặng Tiểu Bình và những cư dân gốc Hoa trên đảo và trong cuộc gặp này, họ đã đề nghị Đặng giúp để Natuna độc lập với Indonesia, hoặc coi đây là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Thế nhưng, cả hai giả thuyết này đều không xẩy ra.
Từ những năm 1980, chính quyền Jakarta đưa nhiều người Mã Lai Indonesia tới định cư ở Natuna. Cư dân gốc Hoa tố cáo chính sách này nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng của cộng đồng gốc Hoa tại đây.
Năm 1996, khi nhận thấy Trung Quốc đưa ra các đòi hỏi lãnh thổ ở vùng biển gần Natuna, Indonesia đã tổ chức ngay một cuộc tập trận hải quân trên quy mô lớn và triển khai gần 20 ngàn binh sĩ trong vùng biển quần đảo này.
Phản ứng của Jakarta đi cùng với các nỗ lực hiện đại hóa quân đội đã phần nào làm giảm bớt tham vọng của Bắc Kinh. Theo ông Dewi Fortuna Anwar, chuyên gia thuộc Viện Khoa học Indonesia, được báo The Independant, Singapore, trích dẫn, « Trung Quốc tôn trọng sức mạnh. Nếu họ thấy bạn yếu, họ sẽ ăn sống nuốt tươi bạn ». Khi nói về các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Đặng Tiểu Bình đã từng than thở là thế hệ của ông ta không đủ mạnh để giải quyết một vấn đề khó khăn như vậy, phải chăng nên dựa vào sự khôn ngoan của thế hệ tương lai.
Quả thực là sau gần hai thập niên phát triển bộ máy quân sự, giờ đây, Trung Quốc tỏ ra không ngán ngại Indonesia nữa và dường như lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện phương châm của Mao Trạch Đông : Quyền lực chính trị xuất phát từ nòng súng.
Theo báo trên mạng wantchinatimes, Tổng thống sắp mãn nhiệm Indonesia Bambang Yudhoyonos đã quyết định cho triển khai trực thăng tấn công AH-64 trên quần đảo Natuna, cách quần đảo Trường Sa khoảng 200 km. Mặc dù không có đòi hỏi về chủ quyền, lãnh thổ đối với Trường Sa, Indonesia cho rằng do gần gũi về địa lý, Natuna có thể trở thành điểm nóng, do Trung Quốc đã đưa ra bản đồ đòi hỏi chủ quyền với quần đảo này.
No comments:
Post a Comment