Monday, March 23, 2015

Dân Singapore khóc thương ông Lý Quang Diệu

Dân Singapore khóc thương ông Lý Quang Diệu

Sự kiện đang được tường thuật

Nhắn tin trực tiếp

21:44

Nguyễn Giang viết:
“Vì sao ông Lý Quang Diệu lại nêu ra 'các giá trị Á châu'?
Là một chính khách có đầu óc thực tiễn, hiển nhiên, ông không thể đi sang Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam để khoe rằng ông học từ Cambridge và LSE ở Anh ra nên chỉ tôn thờ các giá trị Phương Tây.
Sau hai cuộc Thế chiến, các nước châu Á đều có độc lập nhưng việc giữ gì, bỏ gì từ di sản thuộc địa và văn hóa người Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan để lại là vấn đề không chỉ có tính thời sự mà còn có ý nghĩa xây dựng bản sắc quốc gia.
Mỗi nước đã tự tìm cho mình một con đường và những gì ông Lý Quang Diệu nêu ra về giá trị châu Á chắc chắn đã giúp tạo sự tự tin cho Singapore.
Nói đến các di sản lịch sử và văn hóa chung cũng là cách tạo chỗ dựa cho các quốc gia châu Á với nhau khi thế giới đảo điên trong cuộc Chiến tranh Lạnh gây hằn thù giai cấp và dân tộc.
Nhưng trên thực tế, Singapore thời ông Lý Quang Diệu luôn đứng về phe Tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo và ông rất thân với Tổng thống Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan, kể cả sau khi đã ủng hộ Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc.”

Lý Quang Diệu và chuẩn mực từ Anh

18:28

Hình chụp ông Lý Quang Diệu và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lần ông Lý thăm Hà Nội vào năm 2009.
Ông Lý Quang Diệu nói về lãnh đạo Việt Nam: "Điều mà Việt Nam không có điểm chung với Trung Quốc là một nhân vật kiểu Đặng Tiểu Bình vừa có vị trí không thể tranh cãi trong các cán bộ, vừa có niềm tin không lung lay rằng cải cách toàn diện là lối thoát duy nhất. Lý do họ thiếu vắng một nhân vật như vậy là do Chiến tranh Việt Nam."

18:26

Ông Lý Quang Diệu viết về Việt Nam: "Quan điểm của riêng tôi về cải cách của Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ chỗ khá lạc quan khi tôi có các chuyến thăm đầu tiên vào những năm 1990. Giờ tôi tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản. Lúc đầu họ đồng ý bắt tay vào chặng đường cải cách bởi vì họ thấy rằng đất nước đang chẳng đi đến đâu. Nhưng từ đó đến giờ họ vẫn chưa thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc đại tu hệ thống, điều mà người ta đã chứng kiến ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng này đang khiến Việt Nam trì trệ. Chỉ khi họ qua đời thì đất nước này mới có thể tạo ra đột phá trong các nỗ lực hiện đại hóa của mình."

18:19

Sau bữa cơm với ngài bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành cho Tuổi Trẻ một buổi phỏng vấn nhỏ trong chuyến thăm Singapore tháng 1/2007:
Lâu ngày gặp lại nên các câu chuyện giữa hai bên rất thú vị. Chúng tôi cùng thống nhất rằng Việt Nam muốn vươn lên bằng với Singapore không phải bằng số lượng mà chính là bằng sự tin cậy và hỗ trợ giữa hai bên.
Điều gì khiến nguyên thủ tướng thấy thú vị nhất trong cuộc gặp với người bạn lâu năm này?
Thú vị nhất chính là ông bạn Lý đánh giá cao về công cuộc đổi mới của Việt Nam và thắng lợi của công cuộc đổi mới. Đánh dấu của thành tựu này là công cuộc hội nhập của Việt Nam. Ông Lý cũng chờ đợi sự hội nhập này cũng như chính người Việt Nam chờ đợi.
Trong suốt hơn mười năm qua, ngài bộ trưởng cố vấn đã có rất nhiều lời khuyên cố vấn cho Việt Nam, lời khuyên nào khiến nguyên thủ tướng ấn tượng nhất?
Lời khuyên tôi ấn tượng nhất mà ông Lý cũng nhắc lại trong chuyến đi này là những gợi ý, khuyến khích Việt Nam tiếp tục đổi mới, tiếp tục mở rộng quan hệ của Việt Nam đối với bên ngoài. Bây giờ chúng ta đã thực hiện được điều đó và ông Lý bày tỏ sự hài lòng của mình. Ông cho biết luôn trông đợi được thấy Việt Nam thay đổi như những gì ông chứng kiến trong chuyến thăm lần này.
Cả ông Lý Quang Diệu và nguyên thủ tướng đều là những nhà lãnh đạo rất cởi mở, xin nguyên thủ tướng đánh giá vai trò đóng góp của ông Lý Quang Diệu trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Singapore?
Tôi và ông Lý Quang Diệu gặp nhau, trao đổi về thiết lập mối quan hệ bình thường giữa hai bên khi tôi tới dự hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) tháng 2-1990 với tư cách là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Khi quan hệ hai bên được bình thường hóa, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn và trở thành những người bạn. Khi tôi nghỉ thì những người kế nhiệm của cả phía Việt Nam và phía Singapore tiếp tục củng cố và phát triển thêm. Phải nói rằng ông Lý Quang Diệu luôn luôn dành sự quan tâm đối với Việt Nam."

18:19

TS Lê Đăng Doanh nhận xét trên trang RFA về những đặc tính mà ông Lý Quang Diệu được mến mộ khi đóng góp cho Việt Nam:
"Cá nhân ông đã dùng các uy tín và khả năng thuyết phục để thuyết phục các nước ASEAN chấp nhận Việt Nam tham gia vào tổ chức ASEAN. Ông cũng rất thẳng thắn, khi ông thấy những tiến bộ của Việt Nam chậm hơn ông mong muốn. Ông cũng rất thẳng thắn khi thấy rằng những cải cách của Việt Nam không được như ông kỳ vọng và trong hồi ký và các ý kiến lúc cuối đời ông cũng thẳng thắn nói lên những điều đó. Tôi nghĩ đó là một người bạn chân thành, một người bạn trung thực của Việt Nam và tôi tưởng nhớ ông, kính trọng ông và cám ơn ông về những gì ông đóng góp cho Việt Nam."

17:28Tin Mới Nhất

Ảnh chụp xe chở linh cữu ông Lý Quang Diệu đi đến dinh tổng thống ngày 23/3.
Lễ khâm liệm và tưởng niệm của gia đình diễn ra trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba.
Sau đó, thi thể của ông sẽ được đặt tại nhà quốc hội để công chúng đến viếng. Lễ tang diễn ra Chủ nhật tuần này.

17:16

Richard Spencer, báo Telegraph: Singapore quá đúng khi nói họ không có ai như ông Lý Quang Diệu. Và sẽ không có ai nữa như ông. Đây là điều thế giới nên nhớ.

17:04

Nguyễn Giang, BBC: Thu nhập bình quân đầu người của Singapore vào thời điểm độc lập không phải là thấp, vì đã đạt $500 năm 1965, đứng thứ ba châu Á khi đó, và hòn đảo không phải là một xứ sở lạc hậu mà là thương cảng nhộn nhịp bậc nhất Đông Nam Á do người Anh để lại, nhưng rõ ràng là ông Lý Quang Diệu đã có công lao vĩ đại đưa GDP bình quân đầu người tăng 2800% lên $14,500 năm 1991.

15:31

Ông Lý Quang Diệu đón tiếp ông Đặng Tiểu Bình, khi đó là phó thủ tướng Trung Quốc và vừa được phục hồi sau Cách mạng Văn hóa, đến thăm Singapore hồi tháng 11 năm 1978.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều rất ngưỡng mộ ông Lý Quang Diệu về sự cứng rắn, đầu óc kinh tế thực tế của ông và sự kiên quyết của ông trong việc tôn trọng chính quyền, hãng tin AP của Mỹ bình luận.
Cũng theo AP thì cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã nhìn vào Singapore để bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc hồi cuối những năm 1970.
“Ông Đặng đã bị tác động rất lớn bởi những gì mà ông đã chứng kiến trong chuyến đi Singapore hồi năm 1978,” ông Tô Hạo, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với AP, “ Công bằng mà nói thì công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc có mối liên hệ trực tiếp với Singapore, một đất nước mà cộng đồng Hoa kiều đã chứng tỏ khả năng làm nên điều kỳ diệu về kinh tế.”
Hai ông Lý và Đặng đã có quan hệ rất thân thiết sau mấy lần gặp gỡ.
“Xã hội Singapore rất trật tự. Họ quản lý mọi thức cực kỳ nghiêm khắc,” ông Đặng đã nói với thuộc cấp như vậy hồi năm 1992 và kêu gọi các đặc khu kinh tế của Trung Quốc nên học theo mô hình Singapore.
Bản thân ông Lý Quang Diệu cũng từng cảnh báo Trung Quốc đừng đi theo con đường tự do hóa chính trị vì ông không tin vào việc áp dụng nền dân chủ phương Tây vào các xã hội phương Đông.
Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc.
“Một người có sự cân bằng về tâm lý mạnh mẽ, người không để cho những chuyện rủi ro hay bất hạnh cá nhân ảnh hưởng đến suy nghĩ và quyết định của mình,” ông Lý từng đánh giá về ông Tập.

No comments:

Post a Comment