Monday, March 23, 2015

Tài lãnh đạo của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu

Tài lãnh đạo của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-03-23
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Hình ảnh của cố cựu thủ tướng Lý quang Diệu (Lee Kuan Yew) được dựng lên nhiều nơi trên đường phố Singapore vào ngày 23 tháng 3 năm 2015.
Hình ảnh của cố cựu thủ tướng Lý quang Diệu (Lee Kuan Yew) được dựng lên nhiều nơi trên đường phố Singapore vào ngày 23 tháng 3 năm 2015.
 AFP
Sau khi cựu thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời sáng hôm nay ở Singapore, nhiều người lên tiếng ca ngợi vị lãnh đạo có công đầu trong việc khai dân trí và chấn hưng Singapore thành một quốc gia cường thịnh, an ninh và sạch đẹp nhất Châu Á.
Từng sinh sống và làm việc 30 năm ở Singapore, ông Võ Tá Hân, tốt nghiệp ngành kinh tế từ MIT của Mỹ, sang phụ trách một chi nhánh của Ngân Hàng Đầu Tư Bank Of Montreal ở Singapore trước khi sáng lập công ty tư vấn kinh doanh Vota Management mà ông là giám đốc. Kế đó, ông được mời vào các chức vụ cao cấp thuộc tập đoàn Hong Liong lớn nhất Singapore, chuyên về tài chính, bất động sản, khách sạn. Ông cũng từng là thành viên Đại Học Quản Lý Singapoe, từng là gạch nối giữa Singapore với Việt Nam thời mở cửa dưới trào thủ tướng Lý Quang Diệu, nhận định về vị cố thủ tướng đã nắm quyền Singapore ròng rã 31 năm:
Ông là người lập quốc, vị cha già của dân tộc vì ông xứng đáng. Ông Lý Quang Diệu đóng góp rất nhiều cho sự phồn thịnh của Singapore ngày nay. Phải nói không có ông Lý Quang Diệu thì sẽ không có Singapore của ngày nay.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ông đã đưa đất nước Singapore đến mức một trong những quốc gia với GDP per capita được xếp hàng top 10 thế giới. Đó là một thành quả không phải dễ thức hiện. Nhiều nước khác đã nhìn vào mô hình đó để học hỏi để phát triển đất nước. Khi mà Trung Quốc chuyển mình thì họ cũng đi học bài học của Singapore, và Việt Nam cũng vậy.
Thanh Trúc: Thưa ông, ngoài những lời lẽ tán dương tài năng của vị thủ tướng cầm quyền rất lâu, những 31 năm, nhiều người còn cho rằng ông Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo quyết đoán, thích áp dụng kỷ luật sắt để lèo lái đất nước, ông có nghĩ như vậy?
Ông Võ Tá Hân: Dĩ nhiên đạt một thành công như vậy thì có những lúc cần phải cứng rắn. Cái thành công của ông Lý Quang Diệu là có một đội ngũ rất giỏi. Ông quản lý mọi mặt, về môi trường và ông giữ cho đất nước rất trong sạch, thanh liêm, không có tham nhũng.
Đạt một thành công như vậy thì có những lúc cần phải cứng rắn. Cái thành công của ông Lý Quang Diệu là có một đội ngũ rất giỏi. Ông quản lý mọi mặt, về môi trường và ông giữ cho đất nước rất trong sạch, thanh liêm, không có tham nhũng
Ông Võ Tá Hân
Nhưng mà gặp những đối kháng trong nước, nghĩa là từ trước khi tôi đến tôi cũng đã biết có những lãnh tụ đối lập bị bắt giữ mấy chục năm sau cùng mới thả ra . Chuyện đó không tránh được, tùy mình nhìn khía cạnh nào thì mình phê bình ông vậy thôi. Làm sao một người có thể được tất cả 100% mọi người yêu mến được. Có những khía cạnh rất cứng rắn nhưng tôi nghĩ nếu không có những biện pháp cứng rắn đó thì chắc chắn Singapore không thể đạt được những phát triển thần kỳ như vậy.
Thanh Trúc: Thưa chuyên gia kinh tế Võ Tá Hân, phải chăng cố thủ tướng Lý Quang Diệu là người có tầm nhìn xa cũng như thực tiễn vì để phát triển kinh tế và xã hội cho một đảo quốc không có tài nguyên thì ông đã chủ trương mở cửa và hội nhập hoàn toàn với thế giới?
Ông Võ Tá Hân: Chuyện đó cũng dài, nhiều người bạn của tôi là mấy vị tổng bộ trưởng nhiều khi kể lại thì ông Lý Quang Diệu khi về già ông nói rằng có nhiều điều ông tiếc. Ông tiếc điều là hồi đó ông đã đẩy cho dân Singapore học tiếng Anh quá nhiều. Tại vì ông bảo muốn phát triển kinh tế thì dân chúng phải theo tiếng Anh. Nhờ cái đó họ mở cửa với thế giới bên ngoài, họ đón nhận những kiến thức văn minh và tiến rất nhanh.
Nhưng đến khi cuối đời thì ông tỏ ra hối tiếc vì đã đẩy dân chúng học tiếng Anh nhiều thanh ra trong ngôn ngữ trong tự điển Singapore không có chữ motherland, quê mẹ hay quê cha. Đến cuối đời ông tiếc thì ông bắt đầu mới quay lại khuyến khích người ta học tiếng Trung Quốc. Thành ra trong sự phát triển kinh tế thì ban đầu phải có sự hi sinh . Cứng rắn với đối lập, kìm hãm về chính trị là một. Chuyện thứ hai nữa là văn hóa, ban đầu mục tiêu chính là phát triển kinh tế mà cái giá phải trả là văn hóa cũng ít để ý đến.
Ở Singapore có bốn ngôn ngữ chính, tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil. Tiếng Mã Lai với tiếng Tamil thì không nhiều. tiếng Anh thì chỉ khối trí thức với người làm việc ngoại quốc dùng. Nhưng thực sự nếu nghiên cứu thì tờ báo nhiều người mua nhất vẫn là báo tiếng Hoa, số ấn bản nhiều hơn tiếng Anh.
Thanh Trúc: Nhưng mặt khác ông có nghĩ rằng khi khuyến khích dân chúng Singapore học ngoại ngữ, giữ gìn và phát huy một chính thể không tham nhũng, nâng cao ý thức tôn trọng luật lệ, ý thức giữ vệ sinh chung nơi công cộng thì trong nghĩa nào đó ông Lý Quang Diệu đã gián tiếp phát huy nền văn hóa đặc thù của Singapore ngày nay?
Singapore là hòn đảo nhỏ, bảo không hề có tham nhũng thì cũng khó nói nhưng mà phải nói đó là một trong những xứ trong sạch nhất. Cách họ làm, như tôi đã sống ở đó thì tôi thấy trước hết họ chiêu hiền đãi sĩ, những vị tổng trưởng của họ lương 5 triệu đô la là chuyện thường
Ông Võ Tá Hân
Ông Võ Tá Hân: Vâng đúng như thế, người ta nói Singapore là xứ kỷ luật sắt. Tôi nhớ một lần tôi dự cuộc thi hàng tuần của báo Busineess Times, mỗi tuần hỏi 5 câu hỏi và hỏi trong mấy tháng. Tôi cũng được giải thưởng nhưng mà có một điểm trật mà tôi nhớ hoài. Câu hỏi là ở Singapore có bao nhiêu điều luật xử phạt. Tôi nói để an toàn thì chọn từ 10.000 đến 40.000. Vậy mà tôi sai vì có trên 40.000 Điều, mình không thể tưởng tượng được. Thành ra mới nói kỷ luật sắt. Những điều như cấm xã rác, cấm hút thuốc trong phòng lạnh rồi phải đeo dây an toàn, không ăn chewing gum, chính là những điều trong hơn 40.000 đó. Đó là cái rất ngạc nhiên mà ít người biết đến.
Singapore là hòn đảo nhỏ, bảo không hề có tham nhũng thì cũng khó nói nhưng mà phải nói đó là một trong những xứ trong sạch nhất. Cách họ làm, như tôi đã sống ở đó thì tôi thấy trước hết họ chiêu hiền đãi sĩ, những vị tổng trưởng của họ lương 5 triệu đô la là chuyện thường. Nhân viên cao cấp được trả tiền rất cao nhưng nếu ai bị bắt vì tội tham nhũng kể như mất mặt, bỏ xứ mà đi hoặc bị tù tội. Tôi vẫn cho rằng mỗi năm là ông Lý Quang Diệu đưa ra cách gọi là tế thần. Một lần có một vị tổng trưởng xây dựng bị bắt với tội người ta nói là cứ xây một tòa nhà thì mỗi viên gạch ông ăn một xu hay nhiều hơn gì đó. Ông đó thắt cổ tự tử chết.
Rồi còn chuyện chẳng hạn tôi có người bạn, anh rất thành công nhưng vì vô tình làm sao người kế toán làm thuế trật và bị họ bêu xấu ra trên trang đầu. Anh đó cũng phải bỏ xứ mà đi. Thì thường mỗi năm có một chuyện như vậy, nhất là chuyện dính tới tham nhũng. Thành ra xứ đó rất là trong sạch, mà muốn cho trong sạch thì phải trả lương thiệt nhiều. Cũng may mắn Singapore giàu mới có khả năng làm chuyện đó.
Thanh Trúc: Theo ông, sự kính nể dân chúng dành cho ông Lý Quang Diệu đến lúc này có còn nguyên vẹn không, khi mà dư luận chỉ trích là tuy không còn ngồi ghế thủ tướng nhưng ông vẫn tạo được khá nhiều ảnh hưởng lên các chính phủ kế nhiệm, chưa kể việc thủ tướng Lý Hiển Long hiện nay là con của ông Lý Quang Diệu?
Ông Võ Tá Hân: Hiện tại những người thuộc thế hệ trẻ đòi hỏi cởi mở hơn thành ra những phong trào đối lập trẻ nói chung không có sự kính nể ông bằng lứa lớn tuổi.
Bên Singapore nói chung khi một người lãnh đạo lên thì lập tức phải nghĩ tới chuyện thừa kế. Chuyện ông Lý Quang Diệu rút ra khỏi chính trường thì ông làm giống như thái thượng hoàng vậy đó.
Ban đầu ông định đưa ông Tony Tang lên. Ông Tony Tang mà bây giờ làm tổng thống, thì không nhận chức đó và họ đưa ông Guo Chok Tong lên khoảng chừng 10 năm. Phía sau thì mọi người đều nói tất cả là dọn đường cho người con trai là ông Lý Hiển Long.
Ông Lý Hiển Long ngày xưa trong khi bạn bè ông cỡ trung tá, đại tá thì ông đã lên tới chuẩn tướng. Đạt tới mức đó rồi ông từ chức nhà binh để vô chính phủ. Ông được đưa hết chỗ này chỗ kia, hết tổng trưởng tài chánh tới tổng trưởng giáo dục, đi một vòng rồi cuối cùng người ta nói là cha truyền con nối. Nhưng thực sự ông Lý Hiển Long may mắn là một người rất giỏi. thành ra Singapore may mắn lắm.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Võ Tá Hân về bài phỏng vấn này.

No comments:

Post a Comment