Lý Quang Diệu và chuẩn mực từ Anh
- 34 phút trước
Ông Lý Quang Diệu cùng một số lãnh đạo Đông Nam Á như thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng nêu bật ‘các giá trị châu Á’ (Asian values).
Ngay điều này cho thấy đây không phải một khái niệm thuần nhất vì Malaysia theo Hồi giáo và Singapore khó có các điểm chung về tín ngưỡng và triết lý.
Có chăng đây là nhóm khái niệm nhấn mạnh đến truyền thống địa phương và phê phán chủ nghĩa tự do cá nhân ‘quá mức’ được văn hóa Mỹ thổi bùng lên sau Thế chiến 2.
Lý thuyết và thực tiễn
Nhưng vì sao ông Lý Quang Diệu lại nêu ra 'các giá trị Á châu'?
Là một chính khách có đầu óc thực tiễn, hiển nhiên, ông không thể đi sang Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam để khoe rằng ông học từ Cambridge và LSE ở Anh ra nên chỉ tôn thờ các giá trị Phương Tây.
Sau hai cuộc Thế chiến, các nước châu Á đều có độc lập nhưng việc giữ gì, bỏ gì từ di sản thuộc địa và văn hóa người Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan để lại là vấn đề không chỉ có tính thời sự mà còn có ý nghĩa xây dựng bản sắc quốc gia.
Mỗi nước đã tự tìm cho mình một con đường và những gì ông Lý Quang Diệu nêu ra về giá trị châu Á chắc chắn đã giúp tạo sự tự tin cho Singapore.
Nói đến các di sản lịch sử và văn hóa chung cũng là cách tạo chỗ dựa cho các quốc gia châu Á với nhau khi thế giới đảo điên trong cuộc Chiến tranh Lạnh gây hằn thù giai cấp và dân tộc.
Nhưng trên thực tế, Singapore thời ông Lý Quang Diệu luôn đứng về phe Tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo và ông rất thân với Tổng thống Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan, kể cả sau khi đã ủng hộ Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc.
Về đối nội, thay vì đả phá 'di sản thực dân' ông đã khôn ngoan tiếp thu toàn bộ di sản luật pháp, kể cả luật giao thông và hệ thống giáo dục, ngôn ngữ từ Anh Quốc.
Ông Lý Quang Diệu cũng nói nhờ phổ cập tiếng Anh là Singapore gồm ba nhóm dân Hoa, Ấn và Mã Lai đã thành công kinh tế.
Ngày nay, Singapore cũng cởi mở hơn hẳn các nước trong vùng với việc thu hút nhân tài từ toàn thế giới vì muốn thành một trung tâm công nghệ toàn cầu chứ không phải xứ sở của chủ nghĩa dân tộc.
Tôi đã gặp các bạn người Việt Nam, Philippines, Indonesia đến Singapore làm việc và họ đều cho rằng đây là nơi 'gần nhất với mô hình Phương Tây' trong vùng, cả về cơ sở vật chất, cách sinh hoạt, luật lệ.
Vì thế, nếu nhìn kỹ vào ‘giá trị châu Á’ ông Lý Quang Diệu phổ biến, tôi nghĩ́ đó không khác gì những giá trị Anh Quốc đề cao thời Victoria.
Kỷ nguyên khai phá
Kỷ nguyên Nữ hoàng Victoria trị vì ở Anh (1837-1901) cũng là lúc chủ nghĩa tư bản lan ra toàn cầu bằng sức mạnh công nghệ và thương mại đi kèm tinh thần truyền giáo, phổ biến nền đạo đức Anh giáo hay Tin Lành.
Dù có nhiều điểm khác với các quan niệm xã hội thời phong kiến ở Trung Hoa và Việt Nam, người Anh thời Victoria có điểm chung với các nước châu Á khi nhấn mạnh đến tính trách nhiệm như cha anh của nhà cầm quyền.
Lãnh đạo độc đoán nhưng phải thông thái, giống như các vị Minh quân, Minh trị ở Á châu.
Họ coi dân như trẻ con nhưng cũng tự coi là có trách nhiệm bao bọc, chỉ bảo dân và từng bước nâng dân trí chứ không biến ngu dân thành chính sách cho dễ trị.
Họ quan niệm tất cả cùng bình đẳng trước Thượng Đế, nhưng những ai có may mắn được ân sủng sớm hơn thì phải giáo dục, chia sẻ với người kém may mắn.
Nhìn chung, tuy không đề cao bình đẳng nhưng các giá trị thời Nữ hoàng Victoria coi tầng lớp trên phải có trách nhiệm đạo đức vì tầng lớp dưới.
Tầng lớp trên cũng là giới đi tiên phong, khai phá các thuộc địa, phát triển thương mại, công nghiệp, khoa học.
Các trường public school ở Anh rèn luyện những em trai kể cả con cháu nhà quý tộc phải chịu học, chịu sống khắc khổ từ nhỏ để sau này đi chinh phục thế giới.
Thời kỳ Victoria đã để lại nhiều dấu ấn.
Sử gia Anh, Lee Jackson, tác giả cuốn ‘A Dictionary of Victorian London’ viết:
“Kỷ nguyên Victoria biến đổi toàn thế giới, với quan niệm phải xây nhà ở cho giới nghèo khó, nhờ các hội từ thiện và chính quyền địa phương. Người thời Victoria đã nuôi dưỡng cả sự bắt đầu của phong trào nghiệp đoàn, họ cũng ra luật để quản trị các nhà máy, công xưởng. Họ đưa vào cuộc sống giáo dục phổ thông và các chế độ y tế cộng đồng.”
Nhưng thời kỳ Nữ hoàng Victoria trị vì ở Anh (1837-1901) cũng là thời kỳ trẻ em phải làm việc trong các công xưởng độc hại, giới văn nghệ sỹ bị hạn chế tự do, ohụ nữ không có quyền bầu cử và phân biệt giai cấp trở thành tiêu chuẩn chung.
Người Anh khi đó cũng kiềm chế tình dục tới mức gây ra vấn đề tâm lý, và cách giải quyết tội phạm, người bị tâm thần bị nhiều phê phán.
Điều này hẳn là trái với quan niệm dân chủ ngày nay vì người thời Victoria coi nhà cầm quyền phải chăm lo cho toàn xã hội chứ không coi cửa quan là nơi kiếm chác, đất nước là nơi để chặt phá.
Về vận hành của nền chính trị, họ chủ trương lãnh đạo mạnh, và tránh cãi quá nhiều trong nghị viện về các giải pháp sao cho thỏa mãn mọi bên.
Tuy thế, các đảng phái trong nghị viện Anh Quốc vẫn hoạt động tốt và những quốc sách đều được nhà vua, nữ hoàng đưa ra trước Quốc hội để thông qua.
Điều đáng nói là có không ít các tiêu chuẩn hình pháp của thời kỳ này, gồm cả các hình phạt như đánh roi với người gây rối trật tự công cộng, được Anh mang sang các thuộc địa Ấn Độ, Singapore, Malaysia và bắt rễ tại đó.
Ngày nay, khi nghe các chính trị gia châu Á như ông Lý Quang Diệu nói nhiều về tính kỷ luật, trí thức Phương Tây thấy đó là quan niệm bảo thủ và độc ác.
Nhưng ta cần trở lại thế kỷ 18, 19, khi quan niệm chung về đạo đức là như thế, không chỉ ở Anh mà còn tại nhiều nơi khác.
Và ngày nay, các quan niệm đạo đức và kỷ luật thời Victoria đã bị phê phán tại Anh vì không phù hợp với các giá trị tự do, dân chủ.
Sau thời kỳ bát nháo của các biến đổi chính trị hoang tưởng, các giá trị tưởng như cổ hủ này lại được ngưỡng vọng tại Việt Nam và Trung Quốc.
Người có tiền ở các nước này ồ ạt gửi con sang học ở Anh, nơi tính kỷ luật trong học tập, đầu óc tiết kiệm, tính tự lực và tinh thần dấn thân, khai phá vẫn còn được duy trì.
Với giới mới giàu ở các nước gốc cộng sản, đạo đức thời Victoria là một sự ngạc nhiên.
Tôi đọc thấy trên báo gần đây có bài nói về những đại gia Nga và Kazakhstan gửi con sang học trường nội trú nữ ở Anh.
Các thiếu nữ con nhà triệu phú đã quen với buồng tắm có vòi bọc vàng trong dinh thự của cha mẹ bên Moscow hay Astana ngạc nhiên thấy phòng tắm trong trường ở chỉ có độc vòi nước lạnh.
Cô giáo cho họ biết nhà trường không có ý định thay đổi tiện nghi vì từ mấy trăm năm nay đã quan niệm rằng để học giỏi cần khắc kỷ và kiềm chế sự hưởng thụ 'đời thường'.
Trở lại với ông Lý Quang Diệu và các giá trị ông đề cao.
Tôi để ý thấy sau khi về hưu, ông nói ít hơn về 'giá trị Á châu' như thứ đặc thù của khu vực dù ông vẫn tin rằng mô hình cho các nước Đông Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam khác với các nước chịu ảnh hưởng của Ấn Độ.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh đến điểm chung của cả nền văn minh con người.
Trả lời Fareed Zakaria năm 1994, ông khoe rằng cháu gái ông có tên là Lý Tu Tề (Lee Xiuqi) từ câu 'Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ', với ý luôn phải phấn đấu, phải tự lực.
Ông Lý Quang Diệu nói:
"Con trai tôi chọn hai chữ đó vì muốn con gái mình tu dưỡng bản thân và sau đó chăm lo cho gia đình của mình. Đấy là quan niệm cơ bản của nền văn minh chúng ta. Các chính phủ lên rồi xuống, nhưng giá trị đó sẽ còn mãi."
No comments:
Post a Comment